13.01.24 – THỨ BẢY TUẦN I THƯỜNG NIÊN
Mc 2,13-17
“Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi.”
(Mc 2,17)
CHIÊM NGẮM MẸ SỐNG TIN MỪNG:
Thấy một viên đá sần sùi được để chung với những viên đá quý, khách hàng hỏi người bán nữ trang:
– Sao ông lại để viên đá xấu xí này vào đây?
Người chủ tiệm cầm viên đá và nắm chặt trong lòng bàn tay. Vài phút sau, viên đá mờ đục đó đã trở nên lóng lánh muôn mầu cách kỳ diệu.
– Làm sao có thể như vậy được? Khách hàng hỏi.
– Đây là một loại đá mắt mèo, nó còn được gọi là “viên đá thiện cảm”. Chỉ cần có hơi ấm của bàn tay là nó sẽ sáng lên.[1]
Có thể nói Lê-vi từng là một “viên đá xấu xí” vì ông làm nghề thu thuế. Tục lệ đế quốc La Mã thời đó cho người ta đứng ra thầu thu thuế. Nộp tiền thầu cho chính phủ xong, những người thu thuế được độc quyền đánh thuế nặng nhẹ tuỳ ý.[2] Do đó, người Do thái khinh ghét họ, cho là kẻ tội lỗi công khai, vì cộng tác với ngoại bang để bóc lột chính đồng bào mình.
Chúa Giêsu biết rõ giá trị thật của con người Lê-vi khi Người “đi ngang qua trạm thu thuế” và Người “nhìn thấy” ông và gọi ông: “Anh hãy theo tôi!” Ông đứng dậy đi theo Người.” Giữa “vũng lầy êm ái” của tiền bạc, Lê-vi lại mau mắn bỏ tất cả để gắn bó đời mình với Chúa Giêsu – Đấng không nơi gối đầu, và cùng bước đi với những người trước đây không phải là bạn bè. Thầy đã không chê ông, thì các môn đệ của Thầy cũng sẽ đón nhận ông. Vì thế, ông không ngần ngại theo Thầy, mặc kệ những ánh mắt dòm ngó, gièm pha của nhóm biệt phái và luật sĩ về quá khứ của mình… Đó chính là nét đẹp, là giá trị thật của Lê-vi.
Thiên Chúa yêu thương hết mọi người, nhưng có thể nói: Thiên Chúa dành tình thương cách đặc biệt hơn cho kẻ tội lỗi, “những viên đá sần sùi”, như người mẹ thương yêu chăm sóc đứa con bệnh tật, ốm yếu. Nhờ hơi ấm tình thương đó, nó sẽ được phục hồi sức khỏe và lớn lên. Có lẽ vì thế Chúa Giêsu đổi tên cho Lê-vi thành Mát-thêu, nghĩa là “ân huệ của Thiên Chúa”. Không chỉ một mình Lê-vi hãnh diện, mà các bạn bè thu thuế của ông đều vui mừng vì Chúa không chê bỏ họ. Chính sự gần gũi, cảm thông của Chúa Giêsu đã lôi kéo những người tội lỗi khác đến gần Người, như Người đã tuyên bố: “Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi.”
Chúa Giêsu vẫn tiếp tục gọi chúng ta theo Người, trở nên môn đệ của Người trong cuộc sống hằng ngày, để bày tỏ lòng thương xót của Thiên Chúa cho những người xung quanh, nhất là những người mang nhiều gánh nặng mặc cảm. Được Chúa gọi là được Chúa thương như Mát-thêu, ta hãy vui mừng chia sẻ ân huệ tình thương của Chúa cho những người bị xã hội coi thường, kỳ thị, người nghèo, người khuyết tật…
Ý thức mình là “Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới”, Mẹ Maria đã cảm nhận được lòng thương xót của Thiên Chúa nên “Thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi.”[3] Vì thế, Mẹ luôn cảm thông với những ai đau khổ buồn phiền, những người từng bị xã hội bỏ rơi hoặc lên án như gia đình hiếm muộn của ông bà Dacaria-Êlizabeth. Mẹ gần gũi nói chuyện với những người giúp việc trong tiệc cưới Cana. Mẹ yêu thương các tội nhân cách đặc biệt và luôn chuyển cầu cho họ. Chúng ta vẫn kêu cầu Mẹ với tước hiệu “Đức Bà bầu chữa kẻ có tội. Đức Bà yên ủi kẻ âu lo…”[4] vì Mẹ luôn từ bi thương xót, Mẹ hằng chuyển cầu đắc lực cho chúng ta và đưa ta đến cùng Chúa.
SỐNG TIN MỪNG VỚI MẸ:
Noi gương Mẹ, tôi
- Nhìn nhận sự yếu đuối mỏng dòn của mình và chân thành quay về với Chúa nơi Bí tích Hòa Giải.
- Khiêm tốn và cảm thông với những ai yếu đuối.
CẦU NGUYỆN VỚI MẸ:
Lạy Mẹ Maria, xin cho con cảm nghiệm được ánh mắt yêu thương của Chúa, để con cũng nhìn tha nhân với ánh mắt cảm thông, bao dung và tha thứ, vì chính con đã được Chúa thứ tha. Amen
Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.
[1] X. https://tgpsaigon.net/bai-viet/thu-bay-tuan-1-thuong-nien-nam-ii-dong-cam-mc-2-13-17-64879
[2] Nt.
[3] Kinh Magnificat
[4] Kinh Cầu Đức Bà
()