1625-25.01-2024
Vinh Sơn sinh ra và lớn lên vào cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII, là thời điểm Giáo Hội Pháp đang lâm vào tình trạng khủng hoảng: đa phần hàng giáo sĩ yếu kém, chạy theo bổng lộc, dân nghèo miền quê bị bỏ rơi về mặt thiêng liêng. Chính thời điểm này, linh mục được coi như một “nghề” để đảm bảo tương lai tươi sáng cho bản thân và cho gia đình.
Vinh Sơn Phaolô (Vincent de Paul) sinh ngày 24/4/1581 tại làng Pouy, gần thành Dax, miền Landes, vùng Tây Nam nước Pháp, trong một gia đình nông dân nghèo. Ngài là con thứ 3 trong một gia đình gồm 6 anh chị em. Ngài chịu chức linh mục ngày 23/9/1600 với động cơ có phần ích kỷ, như một phương tiện để thu góp lợi lộc trần gian. Khi làm cha sở ở Châtillon và làm tuyên úy cho gia đình quý tộc De Gondi, Cha Vinh Sơn khám phá ra dân nghèo miền quê đang bị bỏ rơi về mặt thiêng liêng. Đồng thời ngài nhận thấy nhiều giáo sĩ quá yếu kém về vấn đề học vấn và đạo đức. Cùng với sự hướng dẫn của các vị linh hướng như Đức Hồng Y Bérulle, François de Sales và André Duval, ngài đã hoán cải và tận hiến cho người nghèo, và chăm lo đào tạo hàng giáo sĩ.
Năm 1617, ngài thành lập các Hội Bác Ái và Hội Các Bà Bác Ái (Les Equipes Saint Vincent) để trợ giúp những người nghèo nhất về mặt vật chất cũng như tinh thần.
Ý thức được hoàn cảnh thời đại, Cha Vinh Sơn đã hoàn toàn hiến thân để xoa dịu nỗi khổ đau của người nghèo. Vì vậy, năm 1625 dưới sự tác động của Chúa Thánh Thần, Cha Vinh Sơn đã lập Tu Hội Truyền Giáo với mục đích: “Rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó”, và Tu Hội được Đức Tổng Giám Mục Paris châu phê năm 1626.
Năm 1632, cha Vinh Sơn nhận tu viện Saint-Lazare ở phía Bắc Paris do các tu sĩ dòng Victor trao tặng để làm trụ sở mới của Tu Hội Truyền Giáo. Vì thế, các linh mục thuộc Tu Hội được gọi là các Cha “Lazaristes”.
Ngày 12/01/1633, Tòa Thánh đã châu phê việc thành lập Tu Hội Truyền Giáo (Congregatio Missionis: CM) với sắc chỉ “Salvatris Nostri” của Đức Giáo Hoàng Urbano VIII.
Tu Hội Truyền Giáo thuộc Hội Đời Sống Tông Đồ và thuộc quyền Tòa Thánh.
Năm 1633, ngài cùng với chị Louise de Marillac thành lập Tu Hội Nữ Tử Bác Ái. Đây là một hình thức cộng đoàn mới mẻ vào thời kỳ đó, bởi vì các Chị Nữ Tử Bác Ái sẽ sống “giữa đời” để phục vụ các bệnh nhân và người nghèo khó về mặt vật chất cũng như tinh thần.
Bận tâm về việc đào tạo hàng giáo sĩ, Cha Vinh Sơn đã tổ chức các cuộc tĩnh tâm cho các tiến chức và lập chủng viện trên khắp nước Pháp. Ngài tổ chức các cuộc Hội Thảo Ngày Thứ Ba (Les Conférences des Mardis) có đông đảo các linh mục tham dự.
Từ một nông dân gốc Gascogne, ngài trở thành vị cố vấn của vua Louis XIII nuớc Pháp và hoàng hậu Anne d’Autriche. Chính ngài là người dọn mình chết lành cho vua Louis XIII trong giờ phút lâm chung.
Trong những người bạn thân và tâm huyết của ngài có các vị Thánh như François de Sales, Jeanne-Françoise de Chantal và Louise de Marillac.
Cha Vinh Sơn đã qua đời ngày 27/9/1660 và toàn thể thủ đô Paris đã khóc thương sự ra đi của vị Cha già kính yêu của mình. Ngài được phong chân phước ngày 13/8/1729 và được phong hiển thánh ngày 16/6/1737.
Ngày 2/5/1885, Đức Thánh Cha Leo XII đã đặt thánh Vinh Sơn làm Bổn Mạng đặc biệt của mọi tổ chức từ thiện bác ái trong Giáo Hội và cả những tổ chức không phát xuất từ ngài.
Nguồn: https://vinhson.net/nguon-goc-tu-hoi-truyen-giao.html
()