MÙA CHAY
MÙA HOÁN CẢI, MÙA TỰ DO[1]
Thiên Chúa trao Thập giới
được khắc trên hai bia đá cho ông Môsê (Xh 20)
“Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, đã đưa ngươi ra khỏi đất Ai cập, ra khỏi nhà nô lệ”[2]. Đó là những lời đầu tiên của Thập Giới được ban cho Môsê trên Núi Sinai. Những lời này chứng tỏ Thiên Chúa tạo dựng con người để cho họ được trở nên con cái tự do và tham dự vào đời sống thần linh của Ngài. Tuy nhiên, lời kêu gọi đến với tự do là một lời kêu gọi đòi hỏi, khắt khe. Nó không thể được đáp lại chỉ trong một biến cố, nhưng được thực hiện cách trọn vẹn trong hành trình trần thế.
Nếu như Israel ngày xưa, đã được đưa ra khỏi cảnh nô lệ Ai Cập, đang trên đường tiến về Đất Hứa, nhưng vì không chịu được cảnh thiếu thốn, nên họ thường luyến tiếc quá khứ, dù đó chỉ là kiếp nô lệ. Họ lẩm bẩm kêu trách Đức Chúa và chống lại ông Mô-sê: “Ở đó, dân khát nước nên đã kêu trách ông Mô-sê rằng: “Ông đưa chúng tôi ra khỏi Ai-cập để làm gì? Có phải là để cho (chúng) tôi, con cái (chúng) tôi, và súc vật của (chúng) tôi bị chết khát hay không?”[3] Dân Chúa ngày nay nhiều lúc cũng thích an phận với cuộc sống nô lệ tù túng trong cõi đời này chứ không muốn được giải phóng để vươn lên tới tầm cao của Thiên Chúa. Chúng ta hãy cố gắng chu toàn sứ mạng trong thế giới này để nhắm tới một cuộc sống cao hơn, tự do hơn, sung mãn hơn.
Mùa Chay là thời gian ân sủng, là MÙA HOÁN CẢI, MÙA TỰ DO. Thiên Chúa không hề mệt mỏi vì chúng ta, chỉ cần chúng ta đón nhận Mùa Chay như thời gian trong đó Lời Chúa lại được ngỏ với chúng ta: “Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, đã đưa ngươi ra khỏi đất Ai Cập, khỏi cảnh nô lệ” (Xh 20,2). Chúng ta hoán cải khi sống theo các Giới răn của Chúa, chúng ta sẽ được hưởng bình an trong tâm hồn và tự do nội tâm. Chính Chúa Giêsu, Người là Ngôi Con nhập thể, cũng đã được Thánh Thần thúc đẩy vào sa mạc để thử thách sự tự do. Trong bốn mươi ngày, Ngài ở với Cha, lắng nghe Lời Cha và để Cha hướng dẫn cho sứ mạng sắp tới. “Tinh thần Ngài luôn kiên định nhờ chay tịnh, hoàn toàn sáng suốt, thì ma quỉ tìm hết cách để thuyết phục Ngài rằng không thể nào chu toàn sứ mạng nếu theo đường lối Thiên Chúa dạy”[4]. Nhưng Chúa Giêsu đã thắng vượt cả 3 cơn cám dỗ, vì “Trong khi chịu cám dỗ, Chúa Giêsu không tham gia vào cuộc đối thoại với tên cám dỗ mà chỉ đáp trả những thách thức nó đưa ra bằng Lời Chúa. Ðiều này dạy chúng ta rằng với ma quỷ không bao giờ đối thoại, chỉ trả lời nó với Lời Chúa”[5], tuyệt đối không thử sức với các chiêu trò của ma quỷ, thế gian và xác thịt.
Noi gương Chúa Giêsu, chúng ta cần phải chiến đấu với các loại ngẫu tượng: “muốn là người toàn năng, được mọi người ngưỡng mộ, thống trị người khác; hoặc có thể chúng ta bám chặt vào tiền bạc, vào những dự án, những ý tưởng hay mục tiêu nào đó, bám chặt vào địa vị của mình, vào một truyền thống, thậm chí bám chặt vào những cá nhân nào đó”. Những cái đó làm ta tê liệt và gây ra những xung đột. Chúng ta chọn đi theo bí quyết của Chúa Giêsu, là không bao giờ đối thoại với cám dỗ, đừng bao giờ đối thoại với ma quỉ”[6]. Hãy dứt khoát ngay bằng cách dùng Lời Chúa để đáp lại, đặc biệt Lời Kinh Lạy Cha: “Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ”[7].
“Đứng gần thập giá Đức Giê-su, có thân mẫu Người” (Ga. 19,25)
Đức Maria, người Mẹ tuyệt vời của Chúa Giêsu và của mỗi người chúng ta. Dù được Vô Nhiễm Nguyên Tội, nhờ công nghiệp của chính Con yêu dấu của Mẹ, nhưng trong cuộc sống đời thường, cũng như bao người khác, Mẹ luôn gặp nghịch cảnh, trái ý, bị xáo trộn kế hoạch riêng tư tốt đẹp và thánh thiện. Tuy nhiên, Đức Maria không phải là người phụ nữ dễ dàng suy sụp trước những biến động, những bất ngờ của cuộc sống; Mẹ là người phụ nữ biết lắng nghe và hy vọng. Mẹ đã đón nhận những ngày hạnh phúc, những bi kịch ngoài ý muốn và Mẹ đã đi đến tận cùng con đường, đến tận đêm cuối cùng khi Con của Mẹ bị đóng đinh trên Thập giá[8]. Và “Mẹ đứng đó”[9], vào thời khắc kinh hoàng nhất, nhẫn tâm nhất và cùng đau khổ với Con[10]. Mẹ không hề để mình bị chi phối bởi bất cứ ngẫu tượng nào, hoàn toàn được tự do và một niềm tín thác vào mầu nhiệm của Thiên Chúa, ngay cả những lúc chao đảo nhất vì sự dữ của thế gian. Nhờ vậy, chúng ta lại được gặp Mẹ vào buổi bình minh của Giáo Hội: “Tất cả các ông đều đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện cùng với mấy người phụ nữ, với bà Ma-ri-a thân mẫu Đức Giê-su, và với anh em của Đức Giê-su”[11]. Mẹ là Mẹ của hy vọng, của cộng đoàn mỏng giòn là các môn đệ: người thì phản bội, những người khác bỏ trốn, tất cả đều sợ. nhưng Đức Maria vẫn hiện diện ở đó, chuyên cần cầu nguyện…
Lạy Mẹ Maria, xin giúp chúng con sống Mùa Chay thánh này như Mẹ: cộng tác với ơn Chúa, chuyên chăm cầu nguyện, được giải thoát khỏi các ngẫu tượng, tâm hồn tự do hướng về Thiên Chúa và tha nhân.
[1] Nguồn: Sứ điệp Mùa Chay 2024 của ĐTC Phanxicô; Thư Mục Vụ Mùa Chay và Phục Sinh 2024 của Đức Tgm Giuse Nguyễn Năng
[2] Xh 20,2
[3] Xh 17,3
[4] KTTƯ, Lời Chúa cho mọi người, phần chú giải, trang 36.
[5] x. PHANXICÔ, Kinh Truyền Tin, 10/03/2019
[6] Đức Thánh Cha Phanxicô, trong buổi đọc kinh Truyền Tin sáng CN thứ I Mùa Chay năm 2020
[7] Kinh Lạy Cha
[8] X. Một suy tư mới của ĐGH Phanxicô-Kinh Kính Mừng, trang 124-125
[9] Ga 19,25
[10] X. Một suy tư mới của ĐGH Phanxicô-Kinh Kính Mừng, trang 126
[11] Tđcv. 1, 14
()