21.02.2024 – THỨ TƯ TUẦN I MÙA CHAY
Lc 11,29-32
“Thế hệ gian ác này sẽ không được thấy dấu lạ nào,
ngoài dấu lạ ông Giôna”
(Lc 11,29).
CHIÊM NGẮM MẸ SỐNG TIN MỪNG:
Hồi ấy, Israel đang bị đế quốc Assyria cai trị. Ông Giôna là người Israel, được Thiên Chúa sai đến thủ đô của Assyria, kêu gọi dân Ninivê sám hối. Ông không muốn đi, vì họ là kẻ thù của dân tộc ông. Ông muốn họ bị Chúa phạt. Nhưng cuối cùng, ông đã phải vâng lời Thiên Chúa. Ông đi nói cho họ biết: “Còn bốn mươi ngày nữa, Ni-ni-vê sẽ bị phá đổ.” Dân Ninivê nhìn nhận sự kiện ông Giôna xuất hiện kêu gọi họ hối cải là một dấu lạ. Họ đã nghe lời ông Giô-na và sám hối từ vua chí dân, ăn chay, từ bỏ tội lỗi. Và Chúa đã tha thứ không phạt họ.[1]
Sám hối cũng là chủ đề chính trong lời rao giảng của Gioan Tẩy Giả và của Chúa Giêsu. Lời đầu tiên, Chúa Giêsu kêu gọi: “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.“[2] Nhưng Chúa Giêsu đã không gặp may như ông Giôna, vì người Do Thái đã không đón nhận Lời của Chúa, không tin và không hối cải. Trái lại, họ còn đòi thêm dấu lạ, cho dù Chúa đã làm rất nhiều phép lạ: trừ quỷ, người mù được thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết trỗi dậy…[3]
Trước sự cứng lòng của họ, Chúa Giêsu đã phải thốt lên: “Thế hệ gian ác này sẽ không được thấy dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ông Giôna” (c.29). Chúa Giêsu không làm phép lạ để thỏa mãn sự tò mò của họ, nhưng là để cứu độ con người, chứng tỏ Ngài là Đấng được Thiên Chúa sai đến. Thế nhưng, họ vẫn không tin vào Chúa Giêsu và còn thách thức quyền năng của Thiên Chúa.
Ngày nay, có thể chúng ta vẫn cứ mong chờ một dấu lạ đầy ấn tượng như người Do Thái, trong khi Thiên Chúa vẫn thực hiện biết bao điều lạ lùng trong cuộc sống hằng ngày của ta. Ước gì chúng ta được như Phêrô, khi Chúa cho ông một mẻ cá lạ lùng,[4] ông đã nhận ra Chúa là Đấng thánh, còn mình chỉ là thân phận tội lỗi. Ông sám hối và bỏ mọi sự mà theo làm môn đệ của Chúa. Sự biến đổi này được khởi đi từ tâm tình khiêm tốn và sẵn sàng làm mới lại đời sống cho phù hợp với Thánh Ý Thiên Chúa.
Mùa Chay, Lời Chúa mời gọi chúng ta nhìn lại hành trình đức tin của mình, để nhận ra những lần ta đã sống “gian ác” với tha nhân khi loại trừ anh chị em mình. Chúng ta cũng thách thức Chúa làm theo ý muốn và sở thích của ta. Điều đáng buồn nhất là ta tìm kiếm sự khôn ngoan nơi người này người khác hơn là tìm nơi Chúa. Chúng ta để cho cảm xúc của mình thay đổi bởi lời nói của người khác, nhưng lại không cảm nhận gì khi nghe Lời Chúa để thay đổi. Hãy để Lời của Chúa biến đổi chúng ta, vì lời Người mang lại sự sống đời đời, nhất là trong mùa Chay thánh này.
Mẹ Maria đã luôn sống tâm tình đơn sơ, phó thác và khiêm nhường. Mẹ biết hướng những suy nghĩ, cảm xúc và ý định của mình theo trái tim và ý muốn của Thiên Chúa, sống thiết thân với Chúa và lắng nghe Lời Người. Mẹ sẵn sàng cất đi những kế hoạch và lý luận cá nhân, khiêm tốn và cởi mở để nhận ra các ân ban của Thiên Chúa và cất cao lời tạ ơn vì “Chúa đã làm cho tôi muôn việc kỳ diệu.”[5] Mẹ đã tin và đồng hành cùng Chúa Giêsu suốt hành trình dương thế đến khi Người trút hơi thở cuối cùng, mà không hề đòi hỏi một dấu lạ nào.
SỐNG TIN MỪNG VỚI MẸ:
Noi gương Mẹ Maria, tôi nhìn lại ngày sống để nhận ra những dấu lạ Chúa làm cho tôi mà tạ ơn Chúa, nhận biết ý Chúa và hoán cải đời sống.
CẦU NGUYỆN VỚI MẸ:
Lạy Mẹ Maria, con xin dâng lên Mẹ con người yếu đuối và bất toàn của con đã nhiều lần không vâng theo ý Chúa. Xin Mẹ sửa dạy và uốn nắn để con biết lắng nghe Lời Chúa, biết từ bỏ ý riêng và đi vào mối tương quan mật thiết với Chúa như Mẹ. Amen
Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.
[1] Bài đọc I, Gn 3,1-10
[2] X. Mc 1,15
[3] X. Lc 7,22
[4] X. Lc 5,1-11
[5] Kinh Magnificat
()