14.03.2024 – THỨ NĂM TUẦN IV MÙA CHAY
“Chúa Cha, Đấng đã sai tôi,
chính Người cũng đã làm chứng cho tôi.”
(Ga 5,37)
CHIÊM NGẮM MẸ SỐNG TIN MỪNG:
Môsê, vị lãnh đạo vĩ đại của Dân Israel trong Cựu Ước, đã nhận những thánh chỉ từ Thiên Chúa và truyền lại cho Dân. Dân cũng biết rằng chính Thiên Chúa trực tiếp dẫn dắt họ qua Môsê. Nhưng ngay khi vừa mới được thành lập và ký kết giao ước với Chúa, Dân đã đúc tượng bò vàng để thờ. Đức Chúa đã bừng bừng nổi giận muốn tiêu diệt họ, nhưng ông Môsê đã không ngừng cầu xin Chúa tha thứ cho họ. Thế nhưng, chính ông cũng bị họ kêu trách, phản đối nhiều lần. Ông Môsê là hình bóng biểu trưng của Chúa Giêsu, vị lãnh đạo tối cao và duy nhất của toàn thể nhân loại. Môsê đã gặp phải sự cứng đầu và cứng lòng của Dân thế nào, thì Đức Giêsu cũng phải chịu sự phản đối và chối từ của Dân như vậy.
Trình thuật Tin Mừng trong mấy ngày qua đưa chúng ta vào cuộc tranh luận giữa Đức Giêsu và người Do Thái về sứ vụ thiên sai của Người. Giới chức Do thái bắt bẻ Đức Giêsu vì Người chữa bệnh trong ngày Sabat. Đức Giêsu đã chứng minh Người có quyền hành động như thế. Các phép lạ Người làm chứng thực chính Thiên Chúa đã sai Người đến, chính Thiên Chúa hành động trong Người. Gioan Tẩy Giả cũng làm chứng về Người. Nhưng lời chứng có giá trị hơn hết là Kinh thánh, lời Chúa Cha làm chứng về Con của Người: “Chúa Cha, Đấng đã sai tôi, chính Người cũng đã làm chứng cho tôi” (c.37).
Người Do Thái nghiền ngẫm Kinh Thánh và tin đó là lời của Thiên Chúa. Tiếc thay! Cuộc sống của họ thì ngược lại: họ không nhận ra Chúa Giêsu là Đấng cứu độ mà Kinh Thánh nói tới. Họ “không có lòng yêu mến Thiên Chúa”, Đấng đã nói với họ trong Kinh Thánh, qua trung gian ông Môsê. “Nếu các ông tin ông Mô-sê, thì hẳn các ông cũng tin tôi, bởi lẽ ông ấy đã viết về tôi” (c.46). Cho dù họ không tin, Chúa vẫn làm và nói theo ý Chúa Cha. Chớ gì chúng ta cũng can đảm sống theo ý Chúa, cho dù có được người đời chấp nhận hay chê bai.
Ngày nay, nếu được hỏi có tin Chúa không, đa số người Công Giáo trả lời tin Chúa. Nhưng khi gặp khó khăn thử thách, người ta tìm đến thầy bói nhiều hơn là cầu nguyện và đọc Kinh Thánh để tìm kiếm ý Chúa; xưng mình là Công Giáo nhưng nhiều người vẫn thờ thần tài, coi ngày giờ để cưới xin hoặc ma chay và dị đoan đủ kiểu như người ngoại. Họ mong muốn làm chủ vận mệnh của mình và làm chủ vũ trụ mà không cần đến Thiên Chúa, rong ruổi kiếm tìm một thế lực nào đó ngoài Chúa để khống chế những thảm họa dịch bệnh, chiến tranh, thiên tai…nhưng làm sao có được? Biết bao nhiêu ơn đã và đang lãnh nhận hằng ngày thì chẳng dâng lời cảm tạ, nhưng xin ơn mà phải chờ đợi lâu ngày là đặt vấn đề có Chúa thật không.
Lòng hiếu thảo làm cho Chúa Giêsu hoàn toàn tùy thuộc vào Chúa Cha và tìm được niềm vui thỏa nơi Cha. Cũng thế, Mẹ Maria chỉ tìm thực thi ý Chúa, cảm nhận niềm vui và bình an của Chúa tràn ngập tâm hồn Mẹ: “Thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi.”[1] Vì thế, Mẹ không còn lo sợ những áp lực của người đời trước sự kiện Mẹ cưu mang Đấng Cứu Thế bởi quyền năng Chúa Thánh Thần. Mẹ xin vâng với một lòng tín thác vào Thiên Chúa, Đấng “không có gì là không thể làm được”[2]. Thế gian không đón nhận Chúa Giêsu thì Mẹ cũng chịu chung số phận từ khi sinh Con nơi máng cỏ, đến khi đứng dưới chân thập giá. Mẹ cùng Chúa Giêsu đón nhận và thực hiện trọn vẹn thánh ý Chúa Cha.
SỐNG TIN MỪNG VỚI MẸ:
Cùng với Mẹ, tôi bước theo Chúa Giêsu từng ngày bằng cách đón nhận những khó khăn trong cuộc sống với lòng khiêm nhường, kiên trì và nhẫn nại.
CẦU NGUYỆN VỚI MẸ:
Lạy Mẹ Maria, xin dạy con sống tình hiếu thảo với Chúa trong niềm tin yêu và phó thác, biết làm mọi việc vì vinh danh Chúa và chỉ nhằm đẹp lòng Chúa mà thôi. Amen.
Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.
[1] Kinh Magnificat
[2] Lc 1,37
()