16.05.2024 – THỨ NĂM TUẦN VII PHỤC SINH
Ga 17,20-26
“…để họ được hoàn toàn nên một”
(Ga 17,23a)
CHIÊM NGẮM MẸ SỐNG TIN MỪNG:
Người Do thái tôn thờ một Thiên Chúa duy nhất, nhưng trong niềm tin, chính họ cũng không thống nhất với nhau: “người Xa-đốc chủ trương rằng chẳng có sự sống lại, chẳng có thiên sứ hay quỷ thần; còn người Pha-ri-sêu thì lại tin là có.”[1] Họ tự chia rẽ nhau và không đạt đến đức tin và sự tôn thờ Thiên Chúa đúng nghĩa, đúng cách. Khi nghe ông Phaolô giảng về sự sống lại, họ lại càng chia rẽ nhau hơn nữa.
Chia rẽ thì dễ, hiệp nhất lại vô cùng khó khăn. Chính vì thế, Chúa Giêsu cứ tha thiết lặp đi lặp lại lời cầu xin cho Giáo Hội của Người: “Con ở trong họ và Cha ở trong con, để họ được hoàn toàn nên một…” (c.23a). Đó là đoạn kết “Lời nguyện tế hiến” của Chúa Giêsu. Chỉ khi “ở trong” tình yêu của Thiên Chúa, chúng ta mới có thể “nên một”: một lòng, một ý như trong cùng một thân thể.
Chúa Giêsu không chỉ cầu nguyện cho các tông đồ và môn đệ đang sống cùng thời với Người, nhưng còn cho từng người chúng ta hôm nay và mọi thời đại, là những kẻ nhờ lời rao giảng của Giáo Hội mà tin vào Người: “Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta” (cc.20.21).
Chúa Giêsu cho chúng ta một khuôn mẫu để noi theo đó sự hiệp nhất giữa Chúa Cha và Chúa Con. Đó là sự hiệp nhất không có ganh đua, tranh giành, nhưng bổ túc và làm phong phú cho nhau. Đó là sự hiệp nhất mà không ai tìm vinh quang hay lợi ích cho riêng mình, nhưng là vinh danh Chúa và sinh ích lợi cho toàn thể nhân loại. Chúa Giêsu hiệp nhất với Chúa Cha trong cách làm việc: “điều gì Chúa Cha làm, thì người Con cũng làm như vậy” và “không tìm cách làm theo ý riêng tôi, nhưng theo ý Đấng đã sai tôi.”[2]
Để được hiệp nhất nên một với nhau trong Chúa, chúng ta hãy cùng nhau tìm kiếm và làm theo ý Chúa, cùng nhau san sẻ gánh nặng công việc, không đùn đẩy trách nhiệm khi gặp khó khăn… Như thế, ta sẽ không tự mãn khi thành công, cũng không chán nản khi thất bại, nhưng biết tôn vinh Chúa trong mọi sự. Chính khi đó, đời sống hiệp nhất, yêu thương của các môn đệ trở thành chứng từ sống động giữa thế giới: “thế gian sẽ nhận biết là chính Cha đã sai con và đã yêu thương họ như đã yêu thương con” (c.23b).
Chúng ta cầu xin Chúa Thánh Thần là Tình yêu của Thiên Chúa đến trên Giáo Hội, trên Đức Thánh Cha, các giám mục, linh mục…, cũng như trên mỗi Kitô hữu chúng ta, để Chúa Thánh Thần giúp ta hiệp nhất giữa những khác biệt, cùng tìm kiếm và thi hành ý Chúa. Xin Người thắp lên ngọn lửa yêu mến trong lòng mỗi người chúng ta, giúp ta khiêm tốn lắng nghe nhau, biết vâng phục các vị hữu trách trong Giáo Hội, chân thành đóng góp ý kiến vì lợi ích chung, nói sự thật trong tình bác ái…
Khi được Chúa Thánh Thần “rợp bóng” trong ngày Truyền Tin, Đức Maria đã được nên một với Chúa Giêsu trong tình yêu hiếu thảo và sự vâng phục đối với thánh ý Chúa Cha. Mẹ vui mừng vì có Chúa Giêsu “ở trong” Mẹ, Người chính là “Đấng Cứu độ tôi”.[3] Vì thế, cho dù có những khác biệt về tuổi tác, địa vị, Mẹ vẫn chia sẻ niềm vui được “Thiên Chúa ở cùng” với bà Êlisabeth, với Thánh Giuse, các mục đồng ở Belem, các gia nhân ở Cana… Mẹ nên một trong ý chí phụng sự kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa cùng với Chúa Giêsu và Thánh Giuse, với các Tông đồ và đoàn môn đệ của Chúa…
SỐNG TIN MỪNG VỚI MẸ:
Noi gương Mẹ, tôi tập cảm thông, đón nhận những khác biệt của người khác, và cầu nguyện cho sự hiệp nhất trong Giáo Hội.
CẦU NGUYỆN VỚI MẸ:
Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ cầu cùng Chúa Thánh Thần cho Giáo Hội và cho gia đình con được hiệp nhất, “nên một” với nhau trong Chúa. Xin dạy con biết xóa mình đi, để người khác được lớn lên. Amen
Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.
[1] Bài Đọc I, Cv 23,6-11
[2] Ga 5,19.30
[3] X. Lc 1, 46-55