“HÃY CÙNG TÔI NGỢI KHEN ĐỨC CHÚA,
TA ĐỒNG THANH TÁN TỤNG DANH NGƯỜI.”
Tv 34,4
Hiệp cùng toàn thể Giáo Hội chúng ta hoan hỷ mừng lễ Đức Maria được đưa về trời cả hồn lẫn xác. Chẳng những chúng ta chung vui với Mẹ, mà hơn thế nữa, chúng ta cùng với Mẹ tôn vinh và tạ ơn Thiên Chúa Ba Ngôi về những điều kỳ diệu Chúa đã thực hiện nơi Mẹ. Chắc chắn khi còn ở trần gian, cũng như những người Do Thái khác, Mẹ đã đọc Kinh Thánh, cách riêng là các thánh vịnh. Hiệp với lời của vịnh gia, Mẹ cũng mời gọi chúng ta: “Hãy cùng tôi ngợi khen Đức Chúa, ta đồng thanh tán tụng Danh Người”.
Thật vậy, ngay từ các thế kỷ đầu của Giáo Hội, người ta đã tin rằng cuộc đời thánh thiện của Đức Mẹ được kết thúc một cách rất tốt đẹp. Tuy nhiên, vấn đề này còn được tranh luận trong một thời gian dài và niềm tin tưởng đạo đức vào sự mông triệu của Đức Maria ngày càng chiếm ưu thế. ĐGH Piô XII gửi thông điệp cho hàng giám mục thế giới để thỉnh ý các ngài về hai điểm: a) Đây có phải là chân lý mạc khải hay không? b) Có nên tuyên bố thành tín điều hay không? Tuyệt đại đa số các thư phúc đáp gởi về cho thấy rõ niềm tin tưởng đạo đức này đã trở thành một xác tín đức tin trong toàn thể Giáo Hội. Sau đó, Đức Piô XII đã tiến hành việc tuyên bố tín điều vào ngày 01/11/1950: “…Đức Maria, Mẹ Vô Nhiễm của Thiên Chúa trọn đời đồng trinh, sau cuộc sống trần gian này, đã được phúc vinh quang Thiên đàng cả hồn và xác…”[1]
Đức Thánh Cha Piô XII tuyên bố
Tín điều Đức Maria được đưa về trời cả hồn lẫn xác
Đức Thánh Cha vừa dứt lời, thánh ca Te Deum / Tạ ơn Chúa, do tất cả mọi người trong Quảng Trường Thánh Phêrô ca lên hùng tráng hoà nhịp với những tiếng chuông trầm hùng của Đền Thánh Phêrô và của 400 đền thờ khắp thành Rôma, như cùng với toàn thể thần thánh trên trời, hân hoan reo mừng chúc tụng ngợi khen Mẹ vinh quang của Thiên Chúa, của Giáo Hội và của toàn thể loài người.[2]
Ý nghĩa sâu xa của sự việc Đức Mẹ về trời cả hồn lẫn xác
- Tăng cường niềm hy vọng của Giáo Hội:
Công đồng Vatican II khẳng định: “Ngày nay, Mẹ Chúa Giêsu đã được vinh hiển hồn xác lên trời, là hình ảnh và khởi thủy của Giáo Hội sẽ hoàn thành đời sau; cũng thế, dưới đất này, cho tới ngày Chúa đến (x. Pr 3, 10), ngài chiếu sáng như dấu chỉ lòng cậy trông vững vàng và niềm an ủi cho dân Chúa đang lữ hành”[3].
- Tôn vinh phẩm giá đích thực của thân xác:
Việc Đức Maria được triệu về trời cả hồn lẫn xác mời gọi chúng ta cộng tác vào công trình cứu độ; vì trong chương trình của Thiên Chúa, thân xác góp phần vào sự chiến thắng của ân sủng và sự cộng tác này được ân thưởng bởi tình trạng vinh quang vĩnh cửu. Đức Piô XII nói: “…Tín điều Đức Maria hồn xác về trời làm sáng tỏ trước mắt mọi người: linh hồn và thân xác chúng ta được dành cho mọi môn đệ Chúa Kitô”.
- Nhắc nhở chúng ta về quê hương vĩnh cửu
Giáo Hội không lên án khoa học, mà trái lại, luôn cổ võ những nỗ lực của nhân loại trong thời đại chúng ta để cải thiện thân phận con người nhờ những tiến bộ khoa học, kinh tế và xã hội. Giáo Hội cũng không lên án vật chất, nhưng cảnh giác sự đam mê tôn thờ khoa học, vật chất, và phải biết dùng tiền của cách khôn ngoan để đạt mục tiêu tối hậu là Nước Trời.
- Thăng tiến người phụ nữ
Phải nhìn nhận rằng, suốt dòng lịch sử nhân loại, người nữ đã bị coi rẻ, nếu không muốn nói là bị khai thác cách bỉ ổi. Ngay trong Giáo Hội, người nữ cũng thường bị đối xử như những người chưa thành niên.
Thế nhưng, trong đại lễ Mông Triệu này, Giáo Hội đặt trước mắt chúng ta người nữ được thăng tiến và trở thành thụ tạo tuyệt vời nhất chưa từng có trên đời này. Ngoại trừ Đức Giêsu là con người hoàn hảo, nhưng vẫn là Thiên Chúa; thì con người độc nhất, thành toàn nhất lại là một người nữ!
Cuộc sống đời thường của Đức Maria
Người nữ Maria này, tuy được đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội, nhưng lại có cuộc sống giống các phụ nữ “bình thường”, với những công việc hằng ngày của một bà mẹ gia đình: thăm viếng bà con, lo việc nội trợ, giặt giũ, may vá, gia đình vui chơi, giải trí, gia đình cầu nguyện, những đêm không ngủ vì con đau ốm, những cuối tháng chật vật…Và Thiên Chúa tôn vinh Mẹ như Ngài cũng sẽ tôn vinh mọi phụ nữ trên thế giới ra sức chu toàn bổn phận tẻ nhạt hằng ngày, đúng như lời Đức Thánh Cha Phanxicô: “Tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng “thiên khiếu phụ nữ được nhìn thấy nơi những phong cách thánh thiện đầy nữ tính, vốn là một phương tiện thiết yếu để phản ánh sự thánh thiện của Thiên Chúa trong thế giới này”.[4]
Sống trong vinh quang, Đức Mẹ tiếp tục trợ giúp Giáo Hội lữ hành
Khi xưa, trên đường về Đất Hứa, Dân Chúa luôn được dẫn đường ban ngày bằng cột mây, ban đêm bằng cột lửa, nên họ có thể đi cả ban ngày và ban đêm.[5] Cha Raniero Cantalamessa, vị giảng thuyết của Tòa Thánh, đi theo nghĩa này, đã dùng hình ảnh mặt trăng để minh họa. Ngài giải thích mặt trăng chỉ chiếu sáng nhờ vào ánh sáng mặt trời nó đã nhận và phản chiếu trên địa cầu. Cũng vậy, Đức Maria chỉ chiếu sáng bằng ánh sáng của Đức Kitô. Khi mặt trời đã lặn, mặt trăng xuất hiện soi sáng cho những người đi trong đêm tối. Khi mặt trời mọc, mặt trăng tự xóa mình đi.[6] Thật vậy, như tại tiệc cưới Cana[7], để tránh cho gia đình tân hôn khỏi bẽ mặt với các khách mời, sau khi đã chuyển cầu lên Chúa Giêsu thực tế “hết rượu” này, Đức Mẹ đã căn dặn các môn đệ làm theo lệnh truyền của Chúa và Mẹ tự động rút lui. Thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II xác định đây là “sự trung gian của Đức Maria mang đặc tính chuyển cầu”[8].
Là con cái hiếu thảo, chúng ta cùng với Mẹ ngợi khen tôn vinh Thiên Chúa, vì Chúa đã cho Mẹ được thông dự vào vinh quang của Chúa Giêsu, Con của Mẹ. Người trở thành Mẹ Thiên Chúa với tất cả quyền năng, nhưng không phải là quyền năng song song với quyền năng của Thiên Chúa hay của Chúa Kitô, mà là một quyền năng chuyển cầu. Chính vì thế, khi hiện ra với thánh nữ Catherine Labourê, Đức Mẹ đã khẳng định: “những tia sáng là tượng trưng cho các ân huệ Thiên Chúa ban cho những ai cầu xin Mẹ và những viên ngọc không cho ánh sáng là những ơn mà người ta quên xin”.[9] Để tôn vinh Thiên Chúa, chúng ta hãy tin tưởng đeo Ảnh Đức Mẹ Ban Ơn và cầu nguyện:
Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội,
xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.
[1] https://giaophanphucuong.org/suy-tu-than-hoc/tin-dieu-duc-me-hon-xac-len-troi-2272.html
[2] Nt.
[3] Hc Tín lý về Giáo Hội, 68
[4] Tông huấn “Hãy vui mừng hoan hỷ”, số 12
[5] X. Xh 13,21-22
[6] X. Cha Raniero Cantalamessa – Đức Maria, tấm gương cho Giáo Hội, trang 384
[7] X. Ga. 2, 3-5
[8][8] Gioan Phaolô II, Thông điệp Mẹ Đấng Cứu Chuộc 21
[9] NTBAVSVN-Đức Mẹ và thánh Catherine Labourê, trang 30