fbpx

CÙNG MẸ SỐNG ĐỨC CẬY

TỪ NỮ TỲ ĐẾN NỮ VƯƠNG

HÀNH TRÌNH CỦA ĐỨC CẬY

Sứ thần Gabrien được Thiên Chúa sai đến làng Nazaret, gặp cô Maria, đã đính hôn với anh Giuse, báo cho cô về kế hoạch quan trọng của Thiên Chúa trên nhân loại và mời gọi cô cộng tác vào việc đón nhận Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể trong lòng cô, cưu mang và cho Ngài sinh ra… Với tự do nội tâm, cô đã xin sứ thần làm rõ hơn cách thế mà Thiên Chúa muốn cô thực hiện là gì, vì cô chưa hiểu được. Sứ thần đã trả lời: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa[1].

Khi đã hiểu hơn, cô liền đáp lời: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói[2] và từ đó Mẹ luôn bước đi với lòng Cậy trông. Thật vậy, Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo giải thích: Đức Cậy là nhân đức đối thần, nhờ đó chúng ta trông mong Nước Trời và sự sống vĩnh cửu như hạnh phúc đời mình, khi tin tưởng vào các lời hứa của Đức Kitônương tựa vào ơn trợ lực của Chúa Thánh Thần chứ không dựa vào sức mình[3]. 

Từ “NỮ TỲ” đến “NỮ VƯƠNG”

Nếu đức tin là một hành trình cam go, thử thách thì để sống đức cậy cũng phải đón nhận nhiều gian nan, trắc trở. Thật vậy, từ khi được truyền tin, Mẹ luôn “suy đi nghĩ lại trong lòng” lời của sứ thần: “Bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận[4].

Là nữ tỳ, Mẹ luôn chăm chú vào ý muốn của Vị Chủ tối cao là Thiên Chúa để làm theo, sẵn sàng hủy bỏ ý định riêng để chọn kế hoạch của Thiên Chúa. Trước tiên, Mẹ đã đính hôn với Giuse, nay được chọn làm mẹ của Con Thiên Chúa. Sự lựa chọn này dẫn tới nhiều hệ quả tiếp theo: 

  • Hủy bỏ sự an toàn của một thiếu nữ đã đính hôn, chấp nhận “chịu thai bởi phép Chúa Thánh Thần[5] là đón nhận những nghi kỵ, hiểu lầm của vị hôn phu và mọi người.
  • Hủy bỏ sự an toàn có quyền hưởng của một phụ nữ mang thai, hơn nữa lại là con so, để ra đi đường xa, thăm viếng-phục vụ người chị già nua sắp sinh con lần đầu tiên[6].
  • Hủy bỏ sự an toàn cho ngày sinh Con và những gì cần thiết đã được chuẩn bị cho em bé tại nhà mình, để trở về nguyên quán khai tên tuổi[7] theo lệnh chính quyền lúc ấy và kết cuộc là phải sinh Con trong chuồng bò giữa đồng vắng, thiếu thốn cả những nhu cầu tối thiểu…
  • Hủy bỏ sự nghỉ ngơi cần thiết sau khi sinh, để ngay ban đêm, ôm Con đi trốn bên Ai Cập xa xôi, nguy hiểm[8].
  • Hủy bỏ cuộc sống vừa mới ổn định bên Ai Cập để trở về quê hương, gầy dựng lại tất cả từ con số không[9].
  • Hủy bỏ để không tin vào lời đồn đãi về Giêsu, Con của Mẹ: “Người đã mất trí”, chỉ vì Người đã chạnh lòng thương đám đông, đến nỗi không còn giờ để ăn nữa…[10]
  • Và cứ thế những hủy bỏ tiếp theo cho đến lúc đứng dưới chân thập giá, về ở với tông đồ Gioan và Giáo Hội sơ khai cho đến ngày được Thiên Chúa triệu hồi về thiên quốc và được tôn vinh Nữ Vương.

Đúng là, kể từ giây phút chấp nhận “là nữ tỳ ấy” cho đến cuối đời của Đức Mẹ đều là “nữ tỳ nối tiếp nữ tỳ”, nghĩa là hủy bỏ nối tiếp hủy bỏ đến TRỐNG RỖNG, rồi được ĐONG ĐẦY bằng lời hứa cứu độ của Thiên Chúa qua Kinh Thánh, được tóm tắt qua lời sứ thần truyền tin, làm Mẹ xác tín: “Thiên Chúa là Đấng phép tắc và lòng lành vô cùng, đã phán hứa sự ấy chẳng có lẽ nào sai được[11].

NIỀM HY VỌNG KITÔ GIÁO

Như thế là Mẹ đã sống tròn đầy NIỀM HY VỌNG KITÔ GIÁO: nhân loại, trong đó có Mẹ, được cứu rỗi là nhờ Chúa Giêsu Kitô. “Dấu chỉ lớn lao nhất của những hy vọng trên là khi đến hồi viên mãn, Mẹ được đưa về Trời cả hồn lẫn xác. Việc Mẹ được vinh hiển trên Thiên quốc đoan quyết với chúng ta rằng, Đức Kitô sẽ ban sự sống đời đời cho những ai đặt niềm hy vọng nơi Ngài. Đức Maria đã trở thành ánh sao hy vọng, và là niềm hy vọng cho chúng ta sẽ được cùng với Mẹ một ngày kia trên quê hương thiên quốc.[12]

Thế giới sẽ lâm cơn nguy biến (Đức Mẹ có vẻ buồn bã…)

 Hãy đến chân bàn thờ này,

nơi đây sẽ tuôn ra nhiều hồng ân cho mọi người lớn nhỏ đến cầu xin.[13]

Sống trong một thế giới đầy chiến tranh, bạo lực, thiên tai, nhân tai…chúng ta gặp nhiều thử thách về Đức Cậy: có những điều quá buồn; có những cái quá cực; có những thứ quá đau; có những tình cảnh quá sợ và kéo dài…làm chúng ta bồn chồn thao thức và tự chất vấn: “Có Chúa thật không?” Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI cho chúng ta câu trả lời: “Hy vọng cao cả, thật sự vững vàng của con người ngay cả trong mọi nỗi tuyệt vọng chỉ có thể là Thiên Chúa –một vị Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta’đến cùng’, đến khi mọi sự đã hoàn tất’[14]. Bằng chứng hùng hồn nhất là Ánh Sao Hy Vọng Maria, Người đã hủy bỏ tất cả, chỉ nương tựa vào Thiên Chúa, sẵn lòng đón nhận tất cả và hiến dâng lên Chúa cùng với Con mình, đem lại ơn cứu độ cho nhân loại, nhờ đó Mẹ được tham dự vào vương quyền của Chúa Kitô nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần. Trên thiên quốc, Mẹ tiếp tục mời gọi con cái đến với Chúa Giêsu Thánh Thể, NIỀM HY VỌNG CHO TẤT CẢ MỌI NGƯỜI. 

Trông xa như dải ngân hà

Triều thần thiên quốc chan hòa niềm vui

Nhạc thiêng réo rắt muôn lời

Hương trầm tỏa khắp đất trời thêm say

Ba Ngôi Thiên Chúa mong thay

Thưởng công Tỳ nữ với đầy phúc vinh

Nữ Vương toàn cõi thiên đình

Thế trần chung tiếng Kính Mừng Nữ Vương.

Gia Đình Ảnh Đức Mẹ Ban Ơn

[1] Lc 1,35

[2] Lc 1,38

[3] GLHTCG số 1817

[4] Lc 1, 31-33

[5] Kinh Truyền Tin

[6] Lc 1, 39tt

[7] Lc 2,3

[8] Mt 2,14

[9] Mt 2,21tt

[10] Mc 3,20-21

[11] Kinh Cậy

[12] Lm. Thái Nguyên-https://gpcantho.com/ba-nhan-duc-doi-than-trong-doi-song-kito-huu-2-duc-cay

[13] NTBAVSVN-Đức Mẹ và thánh Catherine Labourê, trang 25

[14] Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI – Thông điệp Spe salvi, số 27.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *