11.09.2024 – THỨ TƯ TUẦN XXIII THƯỜNG NIÊN
Lc 6,20-26
“Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó,
…đang phải đói, …đang phải khóc…” (Lc 6,20-21)
CHIÊM NGẮM MẸ SỐNG TIN MỪNG:
Neo đơn là một hình thức nghèo trong xã hội. Người neo đơn không có gia đình, người thân, và thường không có nhiều của cải. Khi gặp rủi ro bệnh tật, không ai chăm sóc, ủi an, thiếu phương tiện chữa trị: họ nghèo cả vật chất lẫn tinh thần. Thế mà thánh Phaolô Tông đồ lại khuyên các tín hữu của ngài nếu chưa kết hôn thì nên ở vậy, để khỏi chuốc lấy những gian truân khốn khổ, mà có kết hôn cũng không có tội gì. Nếu đã kết hôn thì hãy sống như không có vợ/chồng, người giàu hãy sống như không hưởng dùng của cải, “vì bộ mặt thế gian này đang qua đi”.[1] Nếu hiểu theo sát mặt chữ, chúng ta tưởng như thánh nhân dạy một lối sống có vẻ “tự kỷ”, hoặc nay mai sẽ tận thế. Không phải thế, ngài đang nói với những người đã lựa chọn một con đường cho riêng mình: sống độc thân hoặc sống hôn nhân. Dù ở đấng bậc nào, ta cũng đang sống trong hiện tại, và hướng đến một thế giới tương lai chắc chắn sẽ đến trong Chúa Kitô, chứ không “cắm dùi” ở đó mãi. Đi theo cách nhìn đó của thánh Phaolô, chúng ta hiểu được thế nào là cái phúc của những người nghèo, đói, khổ mà Chúa Giêsu nói đến trong Tin Mừng hôm nay.
“Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của anh em. Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải đói, vì Thiên Chúa sẽ cho anh em được no lòng. Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải khóc, vì anh em sẽ được vui cười…”
Không ai muốn sống trong cảnh đau khổ, đói khát, nghèo túng và bách hại. Tuy nhiên, một khi bị rơi vào những hoàn cảnh ấy, người có đức tin xác tín rằng Thiên Chúa luôn ở với họ. Chính khi không có chỗ dựa nào khác, họ mới hoàn toàn cậy dựa vào Thiên Chúa và khám phá ra kho tàng hạnh phúc nơi Chúa, vì Thiên Chúa lắng nghe tiếng họ kêu cầu[2]. Như thế, cái nghèo khó, cái khổ về thể xác và tinh thần trở thành phương tiện giúp họ trở nên nghèo khó trong tâm hồn, và nhờ đó họ được Chúa đoái thương.
Thiên Chúa yêu thương cả người giàu lẫn người nghèo, nhưng theo cách khác nhau mà thôi[3], nên không bao giờ Ngài chúc dữ cho “những kẻ giàu có, no nê, vui cười, được ca tụng…”. Đó là những lời cảnh báo và ngăn ngừa để họ tỉnh ngộ, đừng dại dột cậy dựa vào tiền bạc, danh vọng là những thứ phù vân, mau qua chóng hết, mà trở nên tự mãn, không cần đến Chúa nữa và như thế là họ tự tìm đến chỗ diệt vong![4]
Thường khi gặp gian nan khốn khó, hiểm nguy, túng cực…, chúng ta dễ nghĩ mình đang bị Chúa bỏ rơi, rằng Chúa quên tôi rồi! Nhưng nơi máng cỏ, suốt cuộc đời rao giảng công khai và cuộc khổ nạn đi tới chết trên thánh giá, Chúa Giêsu đã kinh qua và trải nghiệm những hoàn cảnh, dù rất bi đát của ta, hơn ai hết. Hãy nhìn vào Chúa với trọn niềm tin yêu, phó thác, ta sẽ được an ủi, được no lòng và được vui cười… Như thế là có phúc rồi!
Đức Maria là đại diện của những tâm hồn ý thức sự nghèo khó của mình, nhưng biết cậy dựa vào Chúa, chọn Chúa làm gia nghiệp: “Xin Chúa cứ làm cho tôi…” và khi cảm nghiệm được “Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi muôn việc kỳ diệu”, Mẹ đã vui mừng hát lên bài ca ngợi khen Chúa, vì “Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường. Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư, người giàu có, lại đuổi về tay trắng…”[5]
SỐNG TIN MỪNG VỚI MẸ:
Noi gương Mẹ Maria, tôi
- Tín thác và tạ ơn Chúa trong mọi hoàn cảnh.
- Quan tâm giúp đỡ những người nghèo khó, bệnh tật, neo đơn…
CẦU NGUYỆN VỚI MẸ:
Lạy Mẹ Maria, xin giúp con sống khiêm hạ và phó thác như Mẹ, không cậy dựa vào bất cứ điều gì ngoài Chúa, biết làm vơi đi gánh nặng và khổ đau của những người nghèo đói, khốn cùng chung quanh con. Amen.
Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.
[1] Bài Đọc I, 1Cr 7,25-31.
[2] X. Tv 34,6.18
[3] X. Lời Chúa cho mọi người, phần chú giải, trang 1741
[4] X. Lc 18, 22; 19,1-10
[5] Lc 1,46. 47. 52. 53