14.09.2024 – THỨ BẢY TUẦN XXIII THƯỜNG NIÊN
LỄ SUY TÔN THÁNH GIÁ
Ga 3,13-17
“Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một,
để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết,
nhưng được sống muôn đời.” (Ga 3,16)
CHIÊM NGẮM MẸ SỐNG TIN MỪNG:
Trong hành trình qua sa mạc, dân Israel đã phàn nàn, kêu trách Chúa và Môsê mỗi khi họ gặp khó khăn, thử thách. Khi những con rắn độc xuất hiện và cắn chết nhiều người, cho rằng đó là hình phạt của Thiên Chúa vì tội phản loạn, nên họ chạy đến Môsê để cầu cứu. Môsê cầu nguyện cho Dân. Đức Chúa truyền cho ông làm con rắn bằng đồng và treo lên cao. Bất cứ ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đồng thì được chữa khỏi.[1]
Chắc chắn con rắn đồng không cứu được người ta khỏi chết, nhưng chính là nhờ tin và thi hành điều Chúa truyền qua ông Môsê. Con rắn bằng đồng được treo lên làm dấu chỉ chữa lành của Thiên Chúa, và là hình ảnh báo trước về Đấng Cứu Độ Giêsu cũng sẽ được treo lên như vậy, để trở nên nguồn ơn cứu độ cho tất cả nhân loại.
Thời đó, chính vì muốn trừng trị tội nhân bằng một cực hình man rợ nhất, vừa đau đớn thể xác, vừa nhục nhã về tinh thần, người Rôma đã nghĩ ra khổ hình thập giá. Vì thế, thập giá là “điều mà người Do-thái coi là ô nhục, và dân ngoại cho là điên rồ”,[2] họ cho rằng những kẻ nào tội lỗi khủng khiếp, đáng bị Thiên Chúa trừng phạt mới phải chịu án đó. Thế nhưng, Thiên Chúa đã làm một cuộc biến đổi phi thường nhất, để nhờ Chúa Giêsu, cây thập giá trở thành THÁNH GIÁ, toàn thể nhân loại được ơn thánh hóa nghĩa là được ơn cứu độ và sự sống đời đời.
Tất cả chúng ta đều là tội nhân và đều đáng nhận án tử. Nhưng “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (cc.16). Kế hoạch của Chúa Cha là thế, và chính Con Thiên Chúa là Chúa Giêsu Kitô đã tự nguyện lãnh lấy án tử thay cho tất cả chúng ta. Thánh giá trở thành biểu tượng TÌNH YÊU CỨU ĐỘ của Kitô giáo.
Từ đó, người Công Giáo thường gọi những khó khăn thử thách và đau khổ trong cuộc sống là thánh giá. Những thánh giá này cần phải được kết hợp vào cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, để được Người thánh hóa chúng trở nên phương tiện đem lại ơn cứu độ cho chúng ta và thế giới. Một khi đã ý thức được ý nghĩa cao quí của đau khổ nhờ tin tưởng vào Thánh giá của Chúa Giêsu, chúng ta nhận được sức mạnh của Chúa để không tránh né thánh giá, cũng không kéo lê, nhưng can đảm đón nhận vác theo sau Chúa Giêsu với niềm xác tín có Chúa cùng vác thánh giá của ta. Dấu Thánh Giá ta làm hằng ngày trên thân xác ta là một lời nhắc nhở Tình Yêu Cứu Chuộc của Chúa dành cho ta, hãy làm dấu cách ý thức và trang nghiêm để tỏ lòng biết ơn Chúa.
Nếu cả cuộc đời Đức Giêsu đều hướng đến hy tế thập giá, thì cả cuộc đời Mẹ Maria cũng luôn hướng về hy tế cứu độ, để cùng với Chúa Giêsu bày tỏ tình yêu của Thiên Chúa cho con người. Mẹ luôn đồng hành với Chúa Giêsu trong mọi biến cố cuộc sống, nhất là trong cuộc thương khó. Lời Mẹ ngợi khen tình yêu cứu độ của Thiên Chúa đã trở thành lời ca ngợi chính thức của Giáo Hội: “Thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa Đấng cứu độ tôi.” Cho dù cuộc đời Mẹ phải trải qua biết bao thử thách, nhưng Mẹ vẫn một niềm xác tín: “Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người.”[3]
SỐNG TIN MỪNG VỚI MẸ:
Noi gương Mẹ, tôi
- Đón nhận những khó khăn hiện tại, kết hiệp với cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu.
- Quảng đại chia sẻ mọi sự với những anh chị em đang đau khổ vì bão lũ.
CẦU NGUYỆN VỚI MẸ:
Lạy Mẹ Maria, xin dạy con biết đón nhận thánh giá mỗi ngày như Mẹ, đồng thời cũng biết kề vai vác đỡ thánh giá của anh chị em xung quanh con. Xin Chúa cũng năng đỡ và bù đắp những đau thương mất mát của những người vừa bị lũ tần phá. Amen
Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.
[1] Bài Đọc I, Ds 21:4b-9
[2] 1 Cr 1,23
[3] Kinh Magnificat.