CẦU NGUYỆN 15 NGÀY VỚI THÁNH VINH SƠN
Jean-Pierre Renouard, CM
Ngày thứ mười bốn
CÁC NHÂN ĐỨC CĂN BẢN
Đây là, anh em thân mến, ba châm ngôn phúc âm phù hợp nhất với bậc sống của chúng ta: châm ngôn thứ nhất là tính đơn sơ, liên quan đến Chúa; châm ngôn thứ hai, đức khiêm nhường, liên quan đến sự phục tùng của chúng ta: chính qua nhân đức này mà chúng ta là hy lễ toàn thiêu dâng lên Chúa, và chính nhờ Chúa mà chúng ta có được mọi vinh dự và trước sự hiện diện của Chúa, chúng ta phải tự hủy và làm thế nào để Chúa chiếm hữu chúng ta; châm ngôn thứ ba, đó là sự dịu hiền, để chịu đựng người thân cận của chúng ta trong các khuyết điểm của họ. Châm ngôn thứ nhất liên quan đến Chúa; châm ngôn thứ hai liên quan đến chính chúng ta; và châm ngôn thứ ba liên quan đến người thân cận của chúng ta.
Nhưng phương tiện để có các nhân đức ấy, đó là sự khổ chế, cắt bỏ tất cả những gì có thể cản trở chúng ta đạt được chúng… Lòng nhiệt thành chính là châm ngôn thứ năm, một sự ước ao chỉ làm đẹp lòng Chúa và có ích cho người thân cận. Nhiệt thành để làm lan rộng Nước Chúa, nhiệt thành để đem lại sự cứu rỗi cho tha nhân (XII, 306-307).
Như vậy, thánh Vinh Sơn chỉ rõ năm nhân đức này mà ngài cho là “nền tảng” và ngày nay chúng ta có thể đặt tên là các nhân đức căn bản: đơn sơ, khiêm nhường, dịu hiền, khổ chế và nhiệt thành. Đó là các nhân đức thích hợp cách riêng với các Tu sĩ Tu Hội Truyền giáo; khi ngài nói với các anh em trong Tu Hội về những nhân đức này, ngài trình bày chúng như là “các khả năng của linh hồn toàn thể Tu Hội Truyền giáo” (XII, 298), và, với tính khôi hài hiếm có của ngài, ngài so sánh chúng với “năm viên sỏi của Đa Vít”! Được vũ trang như thế, nhà truyền giáo có thể đấu tranh chống “sự khôn ngoan của loài người, sự thèm muốn tỏ ra vẻ trước mắt loài người, sự ước ao làm sao cho mọi người luôn luôn phục tùng phán đoán và ý muốn của mình, tìm kiếm sự thỏa mãn trong mọi sự, sự dửng dưng đối với vinh quang Chúa và lo cho phần rỗi tha nhân” (Luật chung của các Cha Truyền giáo, II, §15).
Cũng vậy, Nữ tử Bác ái có “ba viên ngọc quí“: đơn sơ, khiêm nhường và bác ái.
Lời kêu gọi sống nhân đức dưới mọi hình thức thiêng liêng của nó là do cảm hứng từ thánh Tôma. Hơn nữa, Vinh Sơn đã đọc cuốn Thực hành sự hoàn thiện kitô giáo của Cha Dòng Tên Alphonse Rodriguez, rất thích hợp với sự đổi mới đời sống thánh hiến. Ngài làm nổi bật khảo luận về các nhân đức.
Tuy nhiên, ngài không dừng lại ở một nhân đức coi thường thể xác, vật chất, gần với quan điểm của các triết gia cổ xưa. Ngài mở Phúc Âm ra và vui sướng chiêm ngắm Thiên Chúa, Đấng gây cảm hứng cho người nhân đức, đó là Đức Kitô khiêm nhường, hiền lành, đơn sơ, yêu thương, khổ chế và nhiệt thành. Điều này làm cho ngài năng động hơn và liên quan đến chúng ta ngày nay. Nhìn lên Thiên Chúa, nhìn lên Đức Kitô, đó là con đường của những ai được kêu gọi sống tận hiến.
Thiên Chúa ban mọi ân huệ. Chính Chúa định hướng tới điều thiện và linh hứng cho con người thái độ xứng đáng với Chúa
Tất cả ý định của chúng ta là đi theo Đức Giêsu Kitô,
“hoàn toàn đồng hình đồng dạng với Người“.
Gương phải noi theo chính là Đức Kitô. Vinh Sơn nhận thấy Chúa Giêsu đã sống theo trái tim Chúa, nghĩa là, đã sống nhân đức: “Người đã xuất hiện như vậy trước mắt Chúa trời đất, và tất cả những ai đã có hạnh phúc được tiếp xúc với Người trong cuộc đời trần thế của Người đều thấy Người luôn luôn tuân giữ các châm ngôn phúc âm. Đó là mục đích, vinh quang và danh dự của Người… (XII, 299). Tất cả ý định của chúng ta là đi theo Đức Giêsu Kitô, “hoàn toàn đồng hình đồng dạng với Người“.
Đơn sơ là gì? Chúng ta hãy nhìn xem Chúa: “Chúa là một hữu thể đơn thuần, không nhận một hữu thể nào khác, một yếu tính tối thượng và vô cùng không chấp nhận một sự kết tụ nào từ ngoài vào; đây là một hữu thể thuần khiết, không bao giờ có sự biến chất. Thế mà, nhân đức này của Đấng Tạo hóa, qua sự thông đạt của Chúa, lại hiện hữu trong vài loài thọ tạo” (XII, 172). Ngài nói thêm: “Hãy đi thẳng tới Chúa” (IV, 486).
Khiêm nhường là gì? Tầm nhắm ở đây có tính Kitô học. Cái nhìn này khám phá Đức Kitô nhỏ bé, khiêm tốn, bị lăng nhục, không sợ làm gương cho chúng ta noi theo và Vinh Sơn kinh ngạc về điều này: “Chỉ có một mình Chúa chúng ta mới nói và có thể nói được: Anh em hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường (Mt 11, 29). Ôi! những lời tuyệt vời biết bao! hãy học với tôi, chứ không phải với một ai khác, không phải với một người nào, mà là với Chúa; hãy học với tôi...” (XII, 196). Đức khiêm nhường theo gương Chúa Kitô đặt chúng ta trong sự thật của con người chúng ta. Chúng ta chỉ thật sự trong tương quan với Đấng là tất cả: “Chúng ta tự hủy và được thiết lập trong Thiên Chúa Hữu Thể Tối Thượng” (XII, 305).
“Hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường”
(Mt 11,28)
Tại sao chọn sự dịu hiền? Vì Đức Kitô đã sống nhân đức này. “Tất cả mọi người sẽ học bài học mà Đức Giêsu Kitô đã dạy chúng ta: “Anh em hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu”…, vì, như chính Người bảo đảm, với sự hiền hậu chúng ta chiếm hữu cả thế giới, bởi vì khi hành động trong tinh thần này, chúng ta sẽ chinh phục được tâm hồn con người để hoán cải họ trở về với Chúa…” (Luật chung, II, §6).
Sống khổ chế thế nào? Đức Kitô đã vác thập giá của Người. Không có con đường nào khác: “Chúng ta phải luôn luôn dùng con dao khổ chế để cắt bỏ các sản phẩm xấu của bản tính hư hỏng không ngừng cho mọc những cành cây hư hỏng, để chúng không cản trở Đức Giêsu Kitô, Người tự ví mình là thân cây nho, còn chúng ta là cành nho, Người làm cho chúng ta sinh nhiều hoa trái trong việc thực hành các nhân đức thánh” (XII, 225).
Và đầy lòng nhiệt thành thì vui biết bao?
Theo lời Vinh Sơn, chúng ta hãy nhìn “sự thích thú của Chúa“, tấm gương Đức Giêsu Kitô: “Chúng ta phải hoàn toàn thuộc về Chúa và phục vụ công chúng, chúng ta phải hiến thân cho Chúa, tự tiêu hao, hy sinh mạng sống vì điều ấy” (XI, 402). Hoạt động tông đồ là việc làm của các cộng tác với viên của Đức Giêsu Kitô để phục hồi loài thọ tạo hư hỏng và không có tham vọng nào khác hơn là thâu tóm tất cả nơi Người.
Cuối cùng, phải sống đức bác ái như thế nào? Chỉ cần nhìn Con Thiên Chúa “có trái tim yêu thương” và noi theo một tấm gương bỏ mình và yêu thương loài thọ tạo như thế: “Đức bác ái không được nhàn rỗi, nó buộc chúng ta phải cứu giúp và an ủi người khác” (XII, 265).
Đó là các nhân đức đèn pha đối với các thành viên Vinh Sơn. Nhưng tại sao các nhân đức này hơn là các nhân đức khác? Bởi vì chúng có tính “chuyên nghiệp”. Đó là các nhân đức tương hợp nhất với các Cha Truyền giáo hoặc với các Nữ Tử Bác Ái. Và Vinh Sơn có lý khi kết luận với một nụ cười: “Chúng ta hãy giam mình trong năm nhân đức này, như con ốc sên trong cái vỏ của chúng… bằng cách ấy, chúng ta sẽ đi khắp nơi, chúng ta sẽ thực hiện trọn vẹn tất cả mọi sự; nếu không, chúng ta sẽ chỉ là những nhà truyền giáo không có thực chất” (XII, 322).
(Còn tiếp)
()