14.11.2024 – THỨ NĂM TUẦN XXXII THƯỜNG NIÊN
Lc 17,20-25
“…Triều đại Thiên Chúa đang ở giữa các ông.” (Lc 17,21)
CHIÊM NGẮM MẸ SỐNG TIN MỪNG:
Vào thời thánh Phaolô, xã hội vẫn duy trì chế độ nô lệ. Theo luật Rôma thời đó, nếu một người nô lệ trốn đi tìm tự do mà bị chủ bắt lại được, người chủ có thể giết tên nô lệ mà không bị kết án. Ông Philêmon, một người đã gia nhập Giáo Hội, có người nô lệ là Ônêximô đã trốn đi. Thánh Phaolô đã đón nhận và rửa tội cho người ấy. Sau đó, ngài viết thư cho ông Philêmon, nhân danh lòng bác ái của ông để xin ông đón nhận lại Ônêximô, không phải như một người nô lệ, nhưng là một người anh em rất thân mến trong Chúa Kitô.[1] Đó chính là hình ảnh của Nước Trời, vì trong Nước Thiên Chúa, sẽ không còn phân biệt chủ – tớ, nô lệ hay tự do… Tất cả chúng ta đều bình đẳng với nhau trước mặt Chúa.
Chính Chúa Giêsu, Đấng được Thiên Chúa sai đến đã khai mở Triều đại Thiên Chúa trên trần gian. Người đi khắp nơi rao giảng Tin Mừng, với nhiều phép lạ kèm theo, quy tụ mọi người không phân biệt giàu – nghèo, sang – hèn… Cứ nhìn vào danh sách mười hai Tông đồ được Chúa chọn đi theo sát với Chúa, chúng ta thấy có đủ mọi tầng lớp: trí thức như Nathanael, bình dân như Simon Phêrô, nhiệt thành yêu nước như Simon Tađêô, nhưng cũng có người từng làm việc cho ngoại bang như Matthêu,… Chính nhờ được sống với Chúa, mà họ trở nên gắn bó với nhau.
Như thế, Chúa Giêsu chính là hiện thân của Nước Thiên Chúa; nhưng những người Pharisêu vẫn không nhận ra, nên hỏi Người: bao giờ Triều Đại Thiên Chúa đến? Người nói cho họ biết: “Triều Đại Thiên Chúa không đến một cách hiển nhiên có thể quan sát được…vì này Triều Đại Thiên Chúa đang ở giữa các ông” (cc.20-21). Những kẻ không tin sẽ không thể nào thấy được mà chỉ những người đã thực sự tiếp xúc và tin vào Chúa Giêsu mới cảm nghiệm được Nước Trời: Gia-kêu tự nguyện thay đổi đời sống; người phụ nữ Samari trở thành người loan báo Đấng Mêsia; ông Philêmon đón nhận lại người nô lệ đã bỏ trốn mà không trừng phạt, trái lại còn quý mến như một người anh em trong Chúa…
Không chỉ hiện diện trong thế giới và trong Giáo Hội, Chúa Giêsu còn hiện diện trong tâm hồn mỗi người chúng ta, như Người đã nói: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.”[2] Chúng ta chỉ cần nhớ điều này và mời Chúa đến ngự vào linh hồn mình. Nhất là mỗi khi tiếp rước Thánh Thể, chúng ta thờ lạy Người, để cho Người chạm đến những vết thương sâu kín trong lòng mình và chữa lành. Ta sẽ được giải thoát và cảm nghiệm được sự Bình An của Người. Chúng ta không nên chạy theo những lời tiên đoán nhảm nhí về ngày tận thế. Trái lại, hãy góp phần làm cho “Nước Cha trị đến” ngay trong tâm hồn mình và trong thế giới hôm nay bằng chính đời sống bác ái, liên đới, đối xử khoan dung nhân hậu với mọi người.
Mẹ Maria đã góp phần lớn lao để Nước Thiên Chúa hiển trị trong thế giới này qua việc cưu mang và trao ban Chúa Giêsu cho nhân loại. Mẹ đã cảm nghiệm sâu xa sự bình an của Triều Đại Thiên Chúa ngay trong lòng mình. Tin vào lời sứ thần nói: “triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận”[3], Mẹ không chùn bước mỗi khi gặp khó khăn (đi Belm, đi Ai-cập…), nhất là trong cuộc thương khó và tử nạn của Chúa Giêsu. Với kinh nghiệm đó, Mẹ đã dạy Sơ Catherine Labouré và cả chúng ta: hãy đến với Chúa Giêsu Thánh Thể mỗi khi gặp khó khăn thử thách, để kín múc sức mạnh nơi Người và để Người chạm đến những đau khổ của ta. Nhờ đó, ta được bình an.
CẦU NGUYỆN VỚI MẸ:
Noi gương Mẹ, tôi
- Chu toàn bổn phận thường ngày với tâm tình yêu mến và tinh thần trách nhiệm.
- Luôn nhớ Chúa hiện diện trong tôi và nơi mọi người.
SỐNG TIN MỪNG VỚI MẸ:
Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ đón nhận những hy sinh và lời cầu nguyện của con cho các linh hồn sớm được về bên Chúa. Xin Mẹ giúp con luôn sống đẹp lòng Chúa, để triều đại Thiên Chúa thật sự hiện diện trong con và trong thế giới hôm nay. Amen
Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.
[1] X. Bài Đọc I, Pl 7-20.
[2] Mt 28,20
[3] Lc 1,33