Rôma, ngày 1 tháng 12 năm 2024
Chúa Nhật I Mùa Vọng
THƯ MÙA VỌNG
CHÚA GIÊ-SU SỐNG TRONG CHÚNG TA!
CHÚA GIÊ-SU CẦU NGUYỆN TRONG CHÚNG TA!
CHÚA GIÊ-SU CẦU NGUYỆN VỚI CHÚNG TA!
Kính gửi tất cả các thành viên trong Gia đình Vinh Sơn,
Anh chị em thân mến trong Thánh Vinh Sơn,
Nguyện xin ân sủng và bình an của Chúa Giê-su luôn ở cùng chúng ta!
Dù chủ đề cầu nguyện đã được thảo luận và suy tư rất nhiều, khi tôi đọc một cuốn sách mà có lẽ nhiều người trong anh chị em đã biết đến – Chuyện Người Hành Hương, cách cuốn sách này mô tả về việc cầu nguyện đã chạm sâu vào tâm hồn tôi. Tôi muốn chia sẻ với anh chị em trong lá thư này.
Cuốn sách được viết vào thế kỷ 19 tại Nga bởi một tác giả vô danh. Đây là câu chuyện có thật về một người đàn ông đã mất tất cả: vợ và mọi tài sản. Một ngày nọ, ông nghe một bài giảng có trích lời Thánh Phaolô: “Hãy cầu nguyện không ngừng” (1 Tx 5,17). Ông bị đánh động sâu sắc. Những lời ấy cứ mãi quẩn quanh tâm trí, không để ông được yên.
Ông bắt đầu tự hỏi và suy nghĩ làm thế nào để có thể “cầu nguyện không ngừng.” Ông tự nhủ: Nếu đúng là Thiên Chúa không bao giờ đòi hỏi điều gì vượt quá khả năng con người, và chính Ngài đã yêu cầu điều đó, tôi cần tìm ra cách để cầu nguyện liên lỉ.
Người đàn ông đã bắt đầu một hành trình hành hương kéo dài hơn 20 năm để học cách thực hiện lời mời gọi ấy. Không gì quan trọng hơn trong cuộc đời ông ngoài việc tìm kiếm câu trả lời, vì ông tin rằng khi tìm ra được, mọi vấn đề, thử thách, khó khăn, và đấu tranh trong cuộc sống sẽ được giải quyết. Hơn nữa, con đường dẫn đến bình an nội tâm, niềm vui, sự hoán cải, và cuối cùng là sự phục sinh cá nhân, sẽ trở thành hiện thực.
Ông bắt đầu đọc Kinh Thánh hết lần này đến lần khác, lắng nghe nhiều bài giảng, đi từ làng này qua làng khác, từ thành phố này đến thành phố khác, tìm kiếm lời khuyên từ những người khôn ngoan. Cuối cùng, sau nhiều năm hành hương trên những cánh đồng rộng lớn của Siberia, ông gặp được một vị Linh phụ già. Từng bước một, qua những khoảnh khắc dài lắng nghe, đặt câu hỏi, suy tư, và chiêm niệm, vị Linh phụ ấy đã bắt đầu mở mắt cho trái tim của người hành hương. Đây là những hoa trái từ các cuộc gặp gỡ đó:
- Hãy nhớ rằng, vị Linh phụ nói, các việc lành không làm cho chúng ta có khả năng cầu nguyện, nhưng cầu nguyện sẽ dẫn chúng ta đến các việc lành. Vì vậy, việc cầu nguyện phải được đặt lên trên hết.
- Người hành hương khám phá ra rằng cuộc hành hương thực sự không phải là đi từ nơi này sang nơi khác, mà là từ bên ngoài vào bên trong, từ những điều bên ngoài vào trong trái tim: cuộc hành hương nội tâm. Cuộc hành hương của trái tim là điều quan trọng nhất.
- Lời cầu nguyện của trái tim có thể dập tắt mọi đam mê tội lỗi. Không có cơn cám dỗ hay đam mê nào mà không thể vượt qua. Lời cầu nguyện là một lá chắn, một áo giáp bảo vệ, ngay cả khi chúng ta không nhận ra điều đó.
- Kẻ thù thiêng liêng cần được chống lại bằng đúng loại vũ khí, và trong số đó, mạnh mẽ nhất chính là cầu nguyện liên lỉ. Lời cầu nguyện sử dụng danh Chúa Giê-su như một chiếc búa đập tan các đam mê, và chúng tiêu tan. Một người phải thực hành để tin tưởng điều này. Lời cầu nguyện biến đổi con người.
- Chúa Giê-su đã dạy chúng ta cầu nguyện không ngừng, vì trong khi chúng ta có thể làm được về mặt số lượng, thì chúng ta lại có rất ít khả năng quyết định về chất lượng của lời cầu nguyện. Ai trong chúng ta có thể nói rằng mình “cầu nguyện tốt”?
Chính Thần Khí của Chúa Giê-su cầu nguyện trong chúng ta; chính nhờ ân sủng của Thiên Chúa mà lời cầu nguyện của chúng ta trở nên hiệu quả. Chúng ta chỉ có thể quyết định cầu nguyện và đóng góp phần số lượng của mình: sau đó chính Thánh Thần, Thần Khí của Chúa Giê-su, sẽ làm cho lời cầu nguyện trong chúng ta được nồng ấm, mạnh mẽ và hiệu quả. Chúa Giê-su chưa bao giờ nói rằng hãy cầu nguyện ít và với những điều tốt đẹp bề ngoài. Kinh nghiệm về cầu nguyện liên lỉ dạy chúng ta rằng, khi trái tim hướng đến việc kiên trì cầu nguyện, Thần Khí của Chúa Giê-su sẽ làm chủ lời cầu nguyện của chúng ta và biến nó thành một dòng chảy sống động, thay đổi toàn bộ cuộc sống của chúng ta. Khi ấy, chúng ta sẽ không chỉ cầu nguyện nữa, mà sẽ trở thành chính lời cầu nguyện sống động. Mọi người đều khao khát những hoa trái của lời cầu nguyện. Bí quyết được tiết lộ một cách tuyệt vời ở đây. Điều cần thiết là quyết tâm thử sức, và rồi lời cầu nguyện sẽ không bao giờ ngừng.
- Vị Linh phụ đã nhiều lần khuyến khích người hành hương bắt đầu thực hành việc cầu nguyện liên lỉ bằng cách lặp lại một câu nói trong Tin Mừng, đó là lời của người thu thuế trong đền thờ cầu xin Thiên Chúa thương xót mình.
Đó là giọt nước nhỏ bé nhưng có thể mài mòn hòn đá, và khi rơi xuống trái tim bằng đá (vì thực tế, hòn đá chính là trái tim chai cứng của chúng ta), nó sẽ dần phá vỡ trái tim ấy, dẫn đến một sự thay đổi triệt để: lời cầu nguyện khơi mở một thế giới huyền nhiệm không có biên giới. Khi đó, vấn đề không còn là khi nào nên cầu nguyện, mà là khi nào nên ngừng cầu nguyện.
Người hành hương bất ngờ khám phá rằng lời cầu nguyện đã hiện diện sẵn trong lòng mình, rằng không cần phát minh ra điều gì mới; ông chỉ cần hòa nhịp với lời cầu nguyện vốn đã có đó và để nó tuôn trào. Như vậy, chính Thần Khí của Chúa Giê-su trong chúng ta đang kêu lên, cầu nguyện, và diễn đạt chính Ngài (“Anh em đã nhận được Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử, nhờ đó chúng ta kêu lên: ‘Abba, Cha ơi!’” – Rm 8,15). Chúng ta chỉ cần hòa nhịp với lời của Thần Khí trong sâu thẳm trái tim mình và cất lên tiếng nói nhân loại cho tiếng nói thần linh ấy.
- Những người thực sự cầu nguyện có trái tim mềm dẻo: hoàn toàn thuộc về Chúa, Đấng có Lòng Thương Xót vô biên. Họ cảm nhận được khao khát muốn ôm lấy tất cả mọi người; họ cầu nguyện cho ơn cứu độ của tất cả; họ mang tất cả mọi người trong trái tim mình trước mặt Chúa Giê-su, và không ngừng khẩn cầu lòng thương xót cho mọi tội nhân. Không phải vì họ cảm thấy mình tốt lành, nhưng vì họ đồng hóa mình với mọi người: họ trở thành tất cả những người tội lỗi, cảm nhận sự đau đớn và gánh nặng của tội lỗi, và không ngừng khẩn cầu để tội lỗi được tha thứ.
- Người hành hương vào một lúc nào đó đã hỏi: “Liệu Thiên Chúa có thực sự cần con người chuyển cầu cho người khác không? Chẳng lẽ Ngài không thể tự mình làm mọi việc sao?” Câu trả lời của vị Linh phụ là: Không, bởi vì chúng ta đều được kết nối với nhau, như một thân thể: điều tốt của một người là điều tốt của tất cả, điều xấu của một người là điều xấu của tất cả. Chúng ta cần anh chị em mình chuyển cầu cho mình.
Thế giới tồn tại nhờ vào những lời cầu nguyện đó. Đây chính là lý do tại sao những tâm hồn cầu nguyện lại là điều hữu ích và cần thiết nhất cho thế giới, dù điều này dường như không rõ ràng trong con mắt của thế gian.
- Trong một khoảnh khắc then chốt và quyết định của hành trình tìm kiếm, vị Linh phụ đã tiết lộ bí mật mà người hành hương hằng khao khát tìm ra: sự kêu cầu liên lỉ và không ngừng nghỉ Danh Thánh Chúa Giê-su: “Lạy Chúa Giê-su Ki-tô, xin thương xót con” chứa đựng chìa khóa để cầu nguyện không ngừng.
- Nỗ lực và chiến đấu của cuộc hành trình tiến vào trái tim và lời cầu nguyện liên lỉ chỉ là giai đoạn khởi đầu, vì viên đá cần được đục đẽo rất cứng, nhưng một khi sự biến chuyển xảy ra, thì mọi thứ sẽ thay đổi hoàn toàn.
Hai thực tại đã chạm sâu vào lòng tôi là:
- “Chúa Giê-su luôn cầu nguyện trong chúng ta,” và
- “Cầu nguyện không ngừng” nghĩa là hòa hợp lời cầu nguyện của chúng ta với lời cầu nguyện của Chúa Giê-su, Đấng liên tục cầu nguyện cho chúng ta và với chúng ta, chuyển cầu trước mặt Cha của Người và cũng là Cha của chúng ta, tất cả diễn ra ở nơi sâu thẳm nhất trong con người của chúng ta: trái tim.
Trong cuộc phiêu lưu tình yêu này, chúng ta cần luôn nhắc nhở bản thân rằng: “Thần Khí giúp đỡ chúng ta là những kẻ yếu hèn; vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải, nhưng chính Thần Khí cầu thay nguyện giúp chúng ta bằng những tiếng rên siết khôn tả” (Rm 8,26) và hòa nhịp với lời chuyển cầu liên lỉ của Chúa Giê-su, lời cầu nguyện của Ngài dành cho chúng ta và với chúng ta. Chúng ta cần không ngừng lặp lại, trong thinh lặng hay thành tiếng, ở nơi sâu thẳm nhất của con người mình, lời nguyện: “Lạy Chúa Giê-su Ki-tô, xin thương xót con.” Bằng cách này, chúng ta sẽ đạt tới điểm mà Trái Tim Chúa Giê-su và trái tim của chúng ta hòa quyện với nhau đến mức chúng ta trở thành chính “lời cầu nguyện.”
Thánh Vinh Sơn Phaolô, nhà thần bí của Đức Ái, chính Ngài cũng đã thực hiện cuộc hành trình vào trái tim để đạt đến sự hoán cải cá nhân. Ngài thường xuyên lặp lại, thành tiếng hoặc trong thinh lặng, lời nguyện của người thu thuế trong đền thờ, bằng lời trực tiếp hoặc cách diễn đạt khác nhưng mang ý nghĩa tương tự, để Trái Tim Chúa Giê-su và trái tim của ngài hòa nhịp với nhau đến mức chính thánh nhân trở thành “lời cầu nguyện.” Ngài đã nhấn mạnh rằng các môn đệ của mình cũng phải làm như vậy. Ngài từng nói với các nữ tử bác ái tiên khởi: “Các chị em thân mến, chị em và tôi phải quyết tâm không bao giờ bỏ qua việc cầu nguyện mỗi ngày. Tôi nói mỗi ngày, nhưng nếu có thể, tôi muốn nói rằng chúng ta đừng bao giờ rời khỏi việc cầu nguyện, không để một khoảnh khắc nào mà tâm trí không hướng lên Thiên Chúa” (CCD IX, 332).
Ước mong Mùa Vọng sẽ giúp chúng ta hiểu hơn về một kho báu vô cùng và vô biên mà chúng ta đang mang trong trái tim mình, và cố gắng để chính chúng ta trở thành “lời cầu nguyện.”
Người anh em trong thánh Vinh Sơn,
Tomaž Mavrič, C.M