Lớp học ấy chỉ vỏn vẹn một thầy 12 trò. Trong số đó, có một cậu học trò cưng, như một chú bé học gởi – vì ít tuổi, chẳng thích học, chẳng thích làm bài, chỉ thích leo vào lòng Thầy mỗi khi có dịp. Thầy thương cậu, vì cậu đơn sơ, hồn nhiên và thỉnh thoảng lại chăm chú nhìn thầy, như để ghi nhớ hình ảnh và uống từng Lời của Thầy…
Lớp học ấy cũng rất đặc biệt: thông thường thì trò đi “tầm sư học đạo”, hoặc cha mẹ đem lễ vật và dẫn con đến bái sư học đạo, hay phải đóng học phí và các phụ phí khác… Ở đây, chính Thầy lại rong ruổi đi tìm trò ở những làng chài lưới nghèo nàn, có cuộc sống lam lũ và thấp kém trong xã hội. Mà kể cũng lạ thật: Thầy không chọn những thành phần ưu tú trong xã hội hay những người thông minh lanh lợi, mà lại chọn những kẻ tầm thường, “vô duyên bất tài”, “lý lịch đặc biệt”… Gioan là một trong số ấy.
Phải nói rằng, Thầy Giêsu đã phải rất vất vả để dạy dỗ và huấn luyện những “học trò cá biệt” này. Nhưng Thầy lại hạnh phúc vì họ một lòng theo Thầy và “ở lại” với Thầy. Lần nọ, Thầy tâm sự: “Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em…”[1] Chỉ vì Thầy thương họ, và hơn thế nữa, vì Cha của Thầy đã thương mặc khải cho họ những mầu nhiệm Nước Trời. Vì thế, Thầy vui sướng kêu lên: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn.”[2]
Hằng ngày, Gioan cùng các anh theo Thầy rày đây mai đó, nghe Thầy giảng dạy và xem Thầy chữa lành cho dân chúng. Thầy cũng dành thời gian ở với họ, dạy dỗ, giải thích riêng cho họ. Nhưng có mấy trò hiểu được tấm lòng và Sứ mạng cao cả của Thầy? Mấy ai ý thức sứ mạng của chính mình là tiếp nối và phải cùng hòa nhịp với Thầy trong sứ mạng ấy? Bằng chứng là bài trắc nghiệm đầu tiên Thầy hỏi về chính Thầy: “Anh em bảo Thầy là ai?”, cả lớp đều bất ngờ không biết trả lời thế nào. (Thầy là Thầy chứ còn là Ai nữa?). Chỉ mỗi anh lớp trưởng Phêrô có được đáp án đúng: “Thầy là Đấng Kitô”, nhưng anh lại luận sai con đường thực thi sứ mạng của Thầy, khiến Thầy nhận xét: “Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người.”[3] Tiếc thật!
Rồi cuộc thi chung kết cũng tới. Đó là lúc để xét xem ai còn trung thành được với Thầy khi Thầy gặp thử thách gian nan. Thì đây: một anh đã vội bán đứng Thầy, chín anh nộp giấy trắng, anh trưởng lớp cố gắng đến lúc gà gáy sáng mới nộp được bài với ba câu tuyên bố: chưa hề đến lớp, chưa bao giờ học và chưa hề biết Thầy! Phũ phàng quá!
Chỉ còn mỗi cậu trò nhỏ năm xưa, nay đã lớn, nhưng không mấy ai để ý đến, nên cậu cứ len lỏi theo Thầy giữa đám đông và được vào chung kết với Thầy dưới chân Thập giá. Giải thưởng lớn nhất cậu nhận được là Mẹ của Thầy làm Mẹ của mình[4]! Như thế, cậu được thừa hưởng gia sản quí báu nhất của Thầy. Gioan trở thành người đại diện thừa kế danh dự của cả lớp và các thế hệ môn sinh sau này; vì cậu đã đặt trái tim mình gần Trái Tim Thầy, đã nghe được nhịp thổn thức của Thầy, đã đồng cảm với Thầy và đồng nhịp yêu thương với Thầy!
Khi Trái Tim của Thầy ngưng đập, thì nhịp đập của Thầy vẫn tiếp tục nơi trái tim của Gioan: trong lòng Mẹ Maria, Gioan hôm nay đã thành một “Giêsu khác”. Anh đã “rước Mẹ về nhà mình”, để Mẹ huấn luyện anh như Mẹ đã làm với Giêsu của Mẹ. Rồi nhờ Mẹ, với Mẹ và trong Mẹ, Gioan biết Thầy sâu hơn. Những gì anh viết về Thầy sau này – khi Thầy đã sống lại, về trời – là cuốn Tin Mừng của trái tim, không chỉ là những dòng chữ yên lặng trên giấy.
Vì thế, khi đọc Tin Mừng Gioan, người ta sẽ chạm được vào một Con Người sống động, đó chính là Lời Thiên Chúa đã mang lấy xác phàm và ở giữa chúng tôi! Ba lá thư của Gioan để lại là những nhịp đập thổn thức của tình yêu: “Tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa” và “nếu chúng ta yêu thương nhau, thì Thiên Chúa ở lại trong chúng ta, và tình yêu của Người nơi chúng ta mới nên hoàn hảo.”[5]
Lạy Thánh Gioan tông đồ, xin cầu cho chúng con.
Còn các trò khác thì sao?
Nhờ Thần Khí của Thầy ban cho,
Tất cả đều đã được vào chung kết với thành tích vẻ vang!
Xin mời đọc: daminhvn. net – Các Tông Đồ đã chết cách nào?
[1] Ga 15,16
[2] Mt 11, 25
[3] X. Mt 16,13-23
[4] X. Ga 19, 26-27
[5] 1Ga 4,7.12