THỨ NĂM, 26.12, NGÀY II TRONG TUẦN BÁT NHẬT GIÁNG SINH
THÁNH STÊPHANÔ TỬ ĐẠO TIÊN KHỞI
Mt 10,17-22
“Kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát.” (Mt 10,22)
CHIÊM NGẮM MẸ SỐNG TIN MỪNG:
Lễ Giáng Sinh được mừng long trọng suốt TUẦN BÁT NHẬT, với những bài thánh ca du dương, những hang đá được trang trí đèn sao lấp lánh… Nhưng ngay sau Lễ Giáng Sinh, Giáo Hội lại mừng kính thánh Stêphanô, người đầu tiên chịu tử đạo vì đã tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa, là Đấng Cứu Độ mình. Đó là một mầu nhiệm được mặc khải trong chính mầu nhiệm của Đức Giêsu, vì ngay từ đầu, thế gian đã không đón nhận Người[1] nên Người phải sinh nơi hang đá ngoài đồng vắng, rồi bị Hêrôđê truy sát, bị người Do thái chối từ và đóng đinh trên thập giá.
Thánh sử Gioan đã ghi nhận rằng: “thế gian đã nhờ Người (Đức Giêsu) mà có, nhưng lại không nhận biết Người. Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận.”[2] Còn những ai đón nhận Người thì cũng chung số phận với Người: bị thế gian loại trừ, ngược đãi và bắt bớ. Đi theo Chúa Giêsu, thánh Stêphanô cũng bị bắt bớ và ném đá cho đến chết, nhưng ngài đã noi gương Người tha thứ cho những kẻ bách hại mình. Chính vì thế, con đường của những người đón nhận và tin theo Đức Giêsu không bao giờ là ngõ cụt hay bế tắc, vì Người đã báo trước: “Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát.” (c.22).
Sự cứu thoát mà Đức Giêsu nói tới ở đây không phải là cứu thoát khỏi cái chết của thân xác. Bằng chứng là thánh Stêphanô, các tông đồ và biết bao thế hệ chứng nhân của Chúa đã chết để tuyên xưng niềm tin của mình. Sự cứu thoát mà Đức Giêsu nói tới chính là Ơn Cứu Độ mà chúng ta khao khát mong đợi, không chỉ trong những ngày mùa Vọng mà trong suốt cuộc sống trần gian này. Đó là sự giải thoát khỏi ách nô lệ tội lỗi, là được Chúa “dẫn ta bước vào đường nẻo bình an”[3], và “ban cho họ quyền làm con Thiên Chúa”[4]. Với ơn Chúa Thánh Thần, thánh Tê-pha-nô đã cảm nhận được niềm vui của ơn cứu độ, nên ngài đã sẵn sàng chịu chết để tuyên xưng đức tin của mình.
Niềm vui của Lễ Giáng Sinh không chỉ thoáng qua như khi tham quan, chiêm ngưỡng các hang đá, nhưng là niềm vui sâu lắng nhờ sự hiện diện của Chúa Giêsu trong tâm hồn và trong cuộc sống. Mỗi khi chúng ta can đảm làmchứng cho Chúa bằng đời sống chân thật, công bằng, trong sạch, hiền lành, bác ái…để nên giống Chúa Giêsu, dù gặp nhiều khó khăn và bị bách hại, ta sẽ cảm nhận được hiệu quả của ơn cứu độ là Bình An và sự sống vĩnh cửu, chứ không chỉ là những sự giải thoát khỏi đau khổ đời này.
Nhờ đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội, Đức Maria được Thiên Chúa cho hưởng trước ơn cứu độ, để xứng đáng cưu mang và sinh hạ Đấng Cứu Thế. Khi thưa tiếng “Xin vâng” tham dự vào chương trình cứu độ, Mẹ lại được bao phủ bằng quyền năng Thánh Thần. Bởi thế, Mẹ hân hoan hát lên lời kinh ca ngợi: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi.”[5] Mẹ không dừng lại ở những lo lắng phiền sầu khi gặp khó khăn trái ý, trái lại, Mẹ sẵn sàng dấn thân phục vụ tha nhân, làm lan tỏa niềm vui và bình an trong mọi nơi Mẹ hiện diện. Ngay cả khi không tìm được chỗ trọ để sinh Con, Mẹ vẫn vui lòng tận dụng hang đá, máng cỏ và những gì tốt nhất cho Chúa. Cũng thế, Mẹ luôn “bền chí” cùng đi với Người tới chân thập giá để hoàn tất công trình cứu độ.
SỐNG TIN MỪNG VỚI MẸ:
Noi gương Mẹ, tôi bình thản, vui tươi khi gặp điều trái ý, tìm cách nhận ra sự hiện diện của Chúa ngay trong nghịch cảnh.
CẦU NGUYỆN VỚI MẸ:
Lạy Mẹ Maria, con biết rằng: tin và sống đức tin không bao giờ là điều dễ dàng. Xin Mẹ dạy con luôn xác tín thập giá là dấu chỉ của ơn cứu độ, để con sẵn sàng dấn thân làm chứng cho Chúa và “bền chí đến cùng” như Mẹ, cho dù gặp khó khăn thử thách. Amen
Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.
[1] X. Ga 1,11
[2] Ga 1,10-11
[3] Lc 1,79
[4] Ga 1,12
[5] Kinh Magnificat. Lc 1,46-47