THỨ BA – 31.12 – NGÀY VII TRONG TUẦN BÁT NHẬT GIÁNG SINH
Ga 1,1-18
“Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta.”
(Ga 1,14)
CHIÊM NGẮM MẸ SỐNG TIN MỪNG:
Khi Israel còn là một nhóm người ô hợp vừa chạy thoát khỏi kiếp nô lệ ở Aicập, họ được Môsê dẫn đi trong sa mạc suốt 40 năm và dần hình thành một dân tộc duy nhất, có thể chế và lề luật hơn cả quy chế của những quốc gia có lãnh thổ trước họ. Điều đó cho thấy biệt tài lãnh đạo của ông Môsê, và nhất là qua ông, chính Thiên Chúa đã đồng hành và dẫn dắt Dân của Người. Sự đồng hành của Thiên Chúa được biểu hiện cụ thể qua chiếc “Lều Hội Ngộ” để “Ai thỉnh ý Đức Chúa thì ra Lều Hội Ngộ”.[1] Chiếc lều ấy cũng chính là nơi họ thờ phượng Thiên Chúa.
Khi nhập thể làm người, Ngôi Lời Thiên Chúa đã “trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (c.14). Người muốn “cắm lều” ở lại giữa con người và đồng hành với Dân của Người. Chúa Giêsu là là Đấng Emmanuel – Thiên Chúa ở cùng chúng ta,[2] là Đền Thờ đúng nghĩa nhất, để con người đến thờ phượng Chúa Cha nhờ Người, với Người và trong Người.
Để cứu độ con người, Thiên Chúa không ngồi trên ngai ban cho chúng ta những lời chỉ dẫn rồi để mặc chúng ta tự tìm cách bước đi, Người cũng không đưa tay túm lấy và nhấc ta ra khỏi cái hố sâu tội lỗi và sự chết. Thiên Chúa đã ban cho chúng ta Lời của Người, để Lời ấy ở với và hiệp hành với chúng ta mọi ngày: “vì loài người chúng ta và để cứu độ chúng ta, Người đã từ trời xuống thế…”[3] để trở nên giống bạn, giống tôi. Người muốn bước vào lòng tôi, vào cuộc đời tôi… Vì muốn ở với tôi, Người hiệp thông, chấp nhận những bất toàn của tôi, cùng tôi sống giữa những khó khăn, những vấn đề của ngày hôm nay mà tôi đang phải đối diện…Người đang tiếp tục công cuộc Nhập Thể của Người trong cuộc đời tôi…
Cùng với Giáo Hội toàn cầu, chúng ta bước vào Năm Thánh thường lệ 2025 với niềm hy vọng. Để sống Năm Thánh một cách ý nghĩa, chúng ta cần ý thức đây là thời gian của lòng thương xót. Vì thế, chúng ta không chỉ tham gia các nghi thức để lãnh nhận ân xá, mà còn được mời gọi để Chúa biến đổi cuộc đời mình. Qua việc trở về với Chúa nơi Bí tích Hòa Giải, chúng ta đồng thời đổi mới mối tương quan với tha nhân và với chính mình.
Năm Thánh mời gọi chúng ta biết ta thứ: buông bỏ những oán giận, bất đồng và xung đột, gia tăng việc cầu nguyện và học hỏi Lời Chúa. Dành thời gian chiêm ngắm Chúa Giêsu Thánh Thể, để cảm nghiện tình thương của Chúa dành cho ta: Người đã làm người để đồng hành với ta mọi nơi mọi lúc. Từ đó, ta sẽ không quản ngại đồng hành với những người gặp khó khăn cần đến sự giúp đỡ của ta.
Từ lúc Đức Maria đáp Xin Vâng, Ngôi Lời Thiên Chúa đã trở nên người phàm và “hiệp hành” với Mẹ. Người đã ở cùng Mẹ mọi ngày, cùng Mẹ bước đi thăm viếng và giúp đỡ bà Êlisabeth, cùng Mẹ trong những bước khó nhọc đến Belem, cùng chịu chối từ và thiếu thốn mọi thứ… Mẹ cũng hiệp hành với Chúa trong tâm tình vâng phục Chúa Cha, thực thi kế hoạch cứu độ con người. Mẹ “hiệp hành” với Thánh Giuse, mau mắn ôm Chúa trốn qua Ai-cập tỵ nạn, chăm chỉ làm việc kiếm sống, rồi lại trở về quê Nazareth với cuộc sống bình dị, khó nghèo. Sự hiệp hành của Thánh gia là luôn đi cùng nhau xuyên qua mọi gian nan khốn khó, nhờ luôn biết cùng nhau tìm kiếm và thực thi ý Chúa, cùng nhau chu toàn lề luật (lên Đền thờ, vào Hội đường…).
SỐNG TIN MỪNG VỚI MẸ:
Noi gương Mẹ và Thánh Gia, tôi sống cùng, sống với mọi người (trong gia đình, trong giáo xứ, công ty…), cùng nhau tìm ý Chúa, cảm thông, tha thứ và giúp đỡ nhau.
CẦU NGUYỆN VỚI MẸ:
Lạy Mẹ Maria, xin giúp con nhận ra Chúa đang sống cùng và sống với con qua những người thân trong gia đình và qua mọi người con gặp gỡ, để con cũng biết sống cùng và sống với Chúa, biết liên đới với mọi nỗi khó khăn, vui buồn của anh chị em con. Amen
Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.
[1] X. Xh 33,7-11
[2] X. Mt 1,23; 28,20
[3] Kinh Tin Kính