fbpx

CÙNG MẸ SỐNG TIN MỪNG – 15.01.25 – THỨ TƯ TUẦN I THƯỜNG NIÊN

15.01.25 – THỨ TƯ TUẦN I THƯỜNG NIÊN

Mc 1,29-39

 “Người lại gần, cầm lấy tay bà mà đỡ dậy;
cơn sốt dứt ngay và bà phục vụ các ngài” (Mc 1,31)

ĐỌC TOÀN BÀI PHÚC ÂM

CHIÊM NGẮM MẸ SỐNG TIN MỪNG:

Với tình thương đầy quyền năng của một Vị Thiên Chúa, trong suốt hành trình rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu đã chữa lành hết những bệnh tật phần hồn cũng như phần xác cho những ai tìm đến với Người. Cũng có khi Người chủ động đi bước trước đến với họ, như khi Người  đến thăm nhà ông Simon Phêrô. Tới nơi, Người được biết tình trạng sức khỏe của mẹ vợ ông ấy: bà đang lên cơn sốt. Nghe thế, “Người lại gần, cầm lấy tay bà mà đỡ dậy, cơn sốt dứt ngay và bà phục vụ các ngài” (c.31a).

Thời Chúa Giêsu, sốt còn là một căn bệnh có nguy cơ đưa tới cái chết, và phụ nữ thường không được xã hội quan tâm đến. Nhưng Chúa Giêsu đã quan tâm ngay đến bà, đầy lòng thương cảm, làm cho cơn sốt phải xuất ra khỏi bà. Được giải thoát, bà có thể đứng dậy dọn bữa phục vụ Chúa và các môn đệ. Đó là một hành động tốt đẹp để cảm tạ và tôn vinh tình thương của Chúa. Được phục vụ người khác, phục vụ gia đình và xã hội là một niềm vui, nhưng nếu không có sức khỏe, ta không thể phục vụ, trái lại còn phải nhờ người khác phục vụ mình và đó là một nỗi buồn lớn lao cho người bệnh.

Ở đây, Chúa Giêsu không nói gì, nhưng Người hiện diện, lắng nghe và hành động. Tác giả thư Do thái nói rằng: “Vì bản thân Người đã trải qua thử thách và đau khổ, nên Người có thể cứu giúp những ai bị thử thách.”[1] Noi gương Chúa Giêsu, khi đi thăm viếng bệnh nhân, chúng ta cần hiện diện và lắng nghe, để thấu cảm nỗi đau của bệnh nhân và “chạm” được nỗi khổ của họ, hơn là nói nhiều… Chính sự gần gũi sẽ giúp họ cảm nhận được hơi ấm của sự cảm thông, được nâng dậy trong đức tin và đức cậy. Như thế, khi được phục hồi, họ sẽ trở thành những cộng sự viên tiếp nối chúng ta, làm cho vòng tay ấm được nối liền và lớn mãi.

Louise de Marillac,[2] người phụ nữ đã từng chịu biết bao đau khổ và bất hạnh trong cuộc sống, nhưng Thiên Chúa đã “chạm đến” tâm hồn bà và với cộng sự viên của Chúa là Thánh Vinh Sơn Phaolô, bà đã vượt lên trên số phận, và làm cho những khả năng yêu thương mà Người đã đặt để trong tâm hồn bà được triển nở. Sau khi “trỗi dậy”, bà đã dấn thân trọn vẹn để phục vụ Chúa nơi những người nghèo đến cuối cuộc đời.

Ngoài việc thăm viếng và chữa lành, Chúa Giêsu luôn dành thời gian cầu nguyện với Cha của Người. Cầu nguyện là “đường dây nóng” giúp ta đón nhận sức mạnh từ Chúa, để ta có thể nâng đỡ những ai yếu đuối, truyền hơi ấm yêu thương đến mọi người xung quanh. Thánh Vinh Sơn Phaolô đã xác tín về tầm quan trọng của việc cầu nguyện: “Hãy cố gắng xây dựng đời sống nội tâm, vì nếu thất bại trong việc này thì cũng thất bại trong mọi việc[3]

Như Chúa Giêsu, Đức Maria đã đến thăm và ở lại với Bà Ê-li-sa-bét để giúp đỡ bà khi thai nghén và sinh nở[4]. Vì Mẹ biết người chị họ lớn tuổi sắp sinh con đầu lòng rất cần được giúp đỡ. Cũng thế, tại tiệc cưới Cana, Mẹ đã không hiện diện như là khách mời, nhưng như một người thân và người có trách nhiệm với tiệc cưới hôm ấy. Mẹ quan sát và biết nỗi lo lắng của chủ tiệc khi gặp sự cố hết rượu, Mẹ thấy trước những nguy cơ và hậu quả có thể sẽ xảy đến với đôi tân hôn và Mẹ mau mắn giải cứu, để họ có được niềm vui trọn vẹn. Mẹ là mẫu gương cho ta về đời sống cầu nguyện, và dấn thân phục vụ, lắng nghe và cảm thông, bác ái trong sự tin tưởng vào quyền năng của Chúa.

SỐNG TIN MỪNG VỚI MẸ:

Noi gương Mẹ Maria, tôi

  • Tận dụng những khả năng Chúa ban để phục vụ Chúa và tha nhân.
  • Luôn hiện diện với tinh thần trách nhiệm, âm thầm và tận tụy.

CẦU NGUYỆN VỚI MẸ:

Lạy Mẹ Maria, xin giúp con nhận biết và đáp lại tình yêu Chúa bằng cách dấn thân phục vụ tha nhân như Mẹ. Amen.

Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.

[1] Bài Đọc I, Dt 2,18

[2] https://gdanhducmebanon.org/thanh-nu-lu-i-sa

[3] Thánh Vinh Sơn Phaolô 21.02.1659

[4] Lc 1,39-56

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *