20.01.25 – THỨ HAI TUẦN II THƯỜNG NIÊN
Mc 2,18-22
“Rượu mới, bầu cũng phải mới! ” (Mc 2,22)
CHIÊM NGẮM MẸ SỐNG TIN MỪNG
Thấy mẹ mua miếng thịt nạc thật ngon, bé Mai thắc mắc:
- Mẹ ơi, hôm nay ăn chay kiêng thịt, sao mẹ lại mua thịt vậy?
- Con của mẹ giỏi lắm. Hôm nay nhà mình ăn chay và kiêng thịt. Nhưng mẹ mua thịt để nấu cháo cho bà cụ neo đơn ở cuối xóm, đó là việc chia sẻ bác ái mà chúng ta nên làm để giúp bà. Con sẽ đem cháo cho bà giúp mẹ chứ?
- Vâng ạ.
Người mẹ đạo đức trong câu chuyện trên đây đã giúp con mình hiểu được ý nghĩa của việc chay tịnh, khi nó được thực hiện cùng với tinh thần bác ái. Thật vậy, việc chay tịnh sẽ không có giá trị nếu chỉ được thực hiện theo hình thức bên ngoài là kiêng cữ một vài món, ăn ít hoặc nhịn ăn mà thôi. Người Do thái thời Chúa Giêsu giữ chay để diễn tả lòng sám hối và trông đợi Đấng Mêsia đến giải thoát họ. Gioan Tẩy Giả và các môn đệ của ông cũng ăn chay với tinh thần đó. Vì thế, họ thắc mắc sao Chúa Giêsu và các môn đệ của Người không giữ chay?
Chúa Giêsu đã giải thích cho họ: Người chính là Đấng Thiên Sai các ngôn sứ đã loan báo. Khi Người xuất hiện thì tiệc cưới Nước Trời được bắt đầu.[1] Trong hôn lễ giữa Thiên Chúa và Dân Người, Chúa Giêsu chính là Chàng Rể, Cô Dâu là Dân Israel. Vì thế, thái độ phù hợp nhất của các môn đệ phải là hân hoan vui mừng trong Thánh Thần chứ không ai lại ăn chay khi tham dự tiệc cưới. Rượu Mới của Tin Mừng là Thần Khí không thích hợp với các hình thức giữ đạo cũ kỹ tiêu cực, nhưng cần phải vượt ra khỏi những phạm vi thể chế cứng ngắc, chật hẹp của những lề thói cũ.[2] “Rượu mới phải đổ trong bầu da mới”.
Chay tịnh theo tinh thần mới chính là sống tha thứ nhường nhịn, khoan dung với những người không tốt với mình, can đảm sống ơn gọi Kitô hữu dù có phải trải qua những thử thách, gian nan khốn khó, nghĩ tốt và làm tốt cho mọi người, dấn thân “hiệp hành” với những người bất hạnh bị loại trừ…còn khó thực hiện hơn việc nhịn ăn một vài món hay một bữa chính trong ngày. Đó chính là tinh thần chay tịnh đích thực mà Chúa mong muốn, vì nó có tác dụng biến đổi nội tâm chúng ta, biến đổi những mối tương quan giữa ta với người khác, là sức mạnh của Thần Khí biến đổi Giáo Hội, biến đổi thế giới từ bên trong.
Ngày nay, việc kiêng bớt “ăn vặt” hay những món ăn “khoái khẩu” cũng giúp tránh được nhiều nguy cơ bệnh tật; giảm bớt thói quen mua sắm không cần thiết cũng là dịp để tiết kiệm chi tiêu, tiết kiệm điện, nước, không phung phí thức ăn…để chia sẻ với những người khốn khổ và là cách bảo vệ môi trường. Khước từ những cám dỗ về vật chất, danh lợi, để sống chân thật, công bình, bác ái như Chúa dạy cũng là những thực hành chay tịnh trong tinh thần, để người khác nhận ra Chúa đang hiện diện với ta và qua ta trong thế giới này. Chúng ta thường nghe nói “một câu nhịn chín câu lành” là một thực hành rất tốt về chay tịnh đem đến bình an.
Khi xin vâng cưu mang Con Thiên Chúa, Mẹ Maria đã hòa nhập vào Niềm Vui của Dân Thánh trước sự hiện diện của Đấng Cứu Độ: “Thần trí tôi hớn hở vui mừng…”[3] Mẹ đã sống niềm vui Ơn Cứu Độ cho dù trải qua biết bao thách đố, gian nan. Sự chay tịnh của Mẹ không mang hình thức buồn sầu thảm não, nhưng là sống vui tươi, bác ái với tất cả mọi người; là đón nhận và thuận theo thánh ý Chúa qua những nghịch cảnh trong cuộc sống và sống mỗi biến cố với niềm tin-yêu, phó thác vào Chúa.
SỐNG TIN MỪNG VỚI MẸ
Noi gương Mẹ, tôi
- Sống chay tịnh trong tư tưởng, lời nói, việc làm: nói tốt, nghĩ tốt, làm tốt cho mọi người.
- Vui vẻ khi gặp điều trái ý
CẦU NGUYỆN VỚI MẸ
Lạy Mẹ Maria, xin dạy con biết sống tinh thần chay tịnh như Mẹ trong từng lời nói, hành vi mỗi ngày, đồng thời diễn tả cho mọi người thấy niềm vui được Chúa hiện diện và cứu độ. Amen
Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.
[1] X. Is 62,4-5
[2] X. Lời Chúa cho mọi người, trang 1665-1666, phần chú giải
[3] Kinh Magnificat