fbpx

GIA ĐÌNH VINH SƠN – NĂM 2025: NĂM THÁNH

Tác giả: Weliton Martins Costa, CM 
Trong Tông sắc công bố Năm Thánh Thông thường 2025, Spes non confundit  (Hy vọng không làm thất vọng), Đức Thánh Cha Phanxicô gửi lời đến toàn thể tín hữu: “Những người hành hương của hy vọng, những ai sẽ đến Rôma để trải nghiệm Năm Thánh, cũng như những người khác, dù không thể đến Thành phố của các Tông đồ Phêrô và Phaolô, sẽ mừng lễ tại Giáo hội địa phương của mình. Đối với tất cả, mong rằng Năm Thánh trở thành một khoảnh khắc gặp gỡ cá vị, chân thành với Chúa Giêsu, Đấng là ’cửa’ cứu độ của chúng ta (x. Ga 10,7.9), Đấng mà Giáo Hội được giao nhiệm vụ loan báo mãi mãi, ở mọi nơi và cho tất cả mọi người như là ’niềm hy vọng của chúng ta’ (1 Tm 1,1).”
Theo tinh thần này, các nhà truyền giáo của Tu Hội Truyền Giáo cùng toàn thể những ai thiện chí được mời gọi trở thành “Những người hành hương của hy vọng,” những người cảm nghiệm sâu sắc lòng thương xót của Chúa Cha và bước ra để gặp gỡ người nghèo. Qua vòng tay yêu thương này, chính họ cũng sẽ cảm nghiệm được tình yêu, sự chào đón, an ủi và khích lệ của Thiên Chúa chúng ta.
Chúng ta được mời gọi sống một đời sống cầu nguyện sâu sắc. Như Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nhắn nhủ trong bài giáo lý về cầu nguyện: “Đời sống cầu nguyện không phải là một lựa chọn thay thế cho công việc và các bổn phận mà chúng ta được mời gọi thực hiện trong ngày, mà đúng hơn, nó là điều đồng hành với mọi hành động của cuộc sống.” Nói cách khác, người Kitô hữu mong muốn sống trong cuộc đối thoại liên lỉ với Thiên Chúa, phó thác bản thân vào bàn tay Ngài với niềm tín thác trọn vẹn vào sự quan phòng của Ngài, và học từ Ngài cách biểu lộ tình yêu của Thiên Chúa dành cho thế giới, đặc biệt là cho những người nghèo.
Trong lời mời gọi này, chúng ta chiêm ngắm sự tái sinh của một thực hành vừa cổ xưa vừa mới mẻ cho thời đại của chúng ta. Dường như ngày nay, thời gian trôi qua với tốc độ làm méo mó chính khái niệm về thời gian; chúng ta hằng ngày bị bủa vây bởi vô số thông điệp và tin tức về các chủ đề khác nhau; phần lớn thời gian của chúng ta được dành cho điện thoại di động và mạng xã hội; chúng ta bận rộn với vô vàn công việc và bổn phận, và đôi khi, hoặc hầu hết thời gian, chúng ta dành rất ít thời gian cho cầu nguyện.
Chúng ta biết rằng cầu nguyện là nguồn năng lượng cho đức tin của chúng ta. Đó là “hơi thở của sự sống” cho người Kitô hữu, không thể bị ngắt quãng “ngay cả khi chúng ta ngủ.” Điều này dẫn chúng ta thực hành một trong những châm ngôn của Thánh Vinh Sơn khi ngài nhấn mạnh rằng chúng ta phải “hoạt động trong chiêm niệm và chiêm niệm trong hành động.” Cầu nguyện dẫn chúng ta đến cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa và với chính bản thân mình. Mỗi ngày, chúng ta cần trèo lên núi để gặp gỡ Chúa, và trên hành trình này, bước vào sự thân mật với Ngài qua sự thinh lặng, cô tịch, phó thác, lắng nghe những điều không thể nghe bằng tai thường, và sự vâng phục trong việc lắng nghe.
Từ cuộc gặp gỡ hằng ngày và cần thiết này, chúng ta cùng gặp gỡ, cùng bước đi, chia sẻ những ước mơ, và nhận ra mình là anh chị em trong một gia đình. Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhắc nhở rằng cầu nguyện là nơi chúng ta nhận ra mình thuộc về “một gia đình duy nhất của Thiên Chúa”, vì cầu nguyện “thắt chặt mối dây huynh đệ liên kết chúng ta với cùng một Cha.” Chính cầu nguyện mang lại ý nghĩa cho đời sống chung của chúng ta, bởi trong đó, chúng ta tìm thấy sợi dây liên kết mình vào cùng một mục đích sống, là dâng hiến cho Thiên Chúa và tha nhân. Cầu nguyện cộng đoàn dẫn chúng ta đến việc cử hành tình huynh đệ, củng cố sứ vụ, gặp gỡ người khác, cử hành sự tha thứ, đến với lòng thương xót của Cha và vun đắp niềm hy vọng.
Để bước đi trên con đường này như những người hành hương của hy vọng, tái khám phá sức mạnh và quyền năng của cầu nguyện, Giáo hội, qua tài liệu “Xin dạy chúng con cầu nguyện”  (của Bộ Loan báo Tin Mừng, đề xuất một hành trình giúp chúng ta sống và phát triển đời sống cầu nguyện cá nhân và cộng đoàn.
• Cầu nguyện trong cộng đoàn giáo xứ trước hết giúp chúng ta trân quý Thánh Thể như nơi gặp gỡ ưu việt với Chúa, nơi chúng ta được nuôi dưỡng bởi sự hiện diện sống động của Ngài. Chúng ta cũng được mời gọi cử hành Phụng vụ các Giờ Kinh vì lợi ích của Giáo hội, Dân Chúa và toàn thể nhân loại. “24 Giờ Cho Chúa” (thứ Sáu và thứ Bảy trước Chúa Nhật IV Mùa Chay) là dịp cả Giáo hội hiệp nhất trong khoảnh khắc mạnh mẽ của cầu nguyện và cử hành lòng thương xót Chúa. Chầu Thánh Thể cũng là một thời gian thuận lợi để hiện diện trước Chúa trong sự thinh lặng chiêm niệm, sẵn sàng đón nhận mọi phúc lành từ Ngài.
• Cầu nguyện gia đình mời gọi chúng ta cử hành những khoảnh khắc cầu nguyện cụ thể trong cộng đoàn địa phương, để những khoảnh khắc ấy trở nên ý nghĩa và sinh hoa trái. Gia đình – cộng đoàn địa phương – là một ngôi trường cầu nguyện. Chúng ta cố gắng cầu nguyện chung qua Phụng vụ các Giờ Kinh, trước và sau các buổi họp mặt, các bữa ăn, vào đầu và cuối mỗi ngày.
• Cầu nguyện của giới trẻ, ngay cả giữa guồng quay của những hình ảnh, thông điệp và lượt thích, vẫn lắng nghe tiếng Chúa nói trong lòng họ. Trong Ngài, họ tìm thấy con đường mang ý nghĩa cho cuộc sống… biết bao bạn trẻ đã tìm thấy chính mình trong sự kiếm tìm này và quay về với cầu nguyện.
• Cầu nguyện qua các kỳ tĩnh tâm, nơi những giây phút cầu nguyện sâu sắc giúp chúng ta được củng cố trong sứ vụ và đáp ứng các nhu cầu của mình, đồng thời được đồng hóa với nhu cầu của Chúa Giêsu, Đấng “thường lánh vào nơi hoang vắng để cầu nguyện.”
• Cầu nguyện trong giáo lý, nơi chúng ta cam kết như những nhà giáo dục đức tin, hướng dẫn anh chị em mình sống cầu nguyện như một thực hành hàng ngày của đời sống Kitô hữu, đồng thời tổ chức những khoảnh khắc cầu nguyện mạnh mẽ trong các mùa phụng vụ của Giáo hội.
• Cầu nguyện trong các tu viện kín nhắc nhở chúng ta rằng đời sống thánh hiến, tận hiến cho cầu nguyện và lao động, là những ngọn đèn đức tin soi sáng thế giới qua lời cầu nguyện của biết bao người nam nữ chọn đời sống thầm lặng với Chúa. Trong đời sống tông đồ, biết bao tu sĩ cũng soi sáng thế giới bằng chứng tá của đời sống họ.
• Cuối cùng, cầu nguyện tại các đền thánh là nơi ưu tiên để đón tiếp, cầu nguyện, ngợi khen, cảm tạ và hành hương gặp gỡ Thiên Chúa, Đấng đầy lòng thương xót vì Ngài là Cha. Đây là lý do Chúa Giêsu dạy chúng ta gọi Thiên Chúa là “Abba,” Cha, Cha yêu dấu. Kinh Lạy Cha chính là sự kết tinh của mối tương quan giữa chúng ta với Thiên Chúa và anh chị em mình. Đó là lời mời gọi thực hành đức tin như một chứng tá. Là khao khát xây dựng những mối quan hệ nhân văn và huynh đệ. Là sự khích lệ để bước đi từ “niềm hy vọng này sang niềm hy vọng khác.”
Thánh Vinh Sơn Phaolô giảng trong Thánh lễ 
ngày 25.01.1617 tại Folleville
Trong bầu khí cầu nguyện sâu sắc, trong Thánh lễ ngày 25 tháng 1 năm 1617, lễ kính Sự Hoán Cải của Thánh Phaolô tại Folleville (Pháp), Thánh Vinh Sơn Phaolô đã thực hiện kinh nghiệm truyền giáo đầu tiên của mình qua bài giảng Thánh lễ đầu tiên! “Khi ấy đang giờ lễ. Dân chúng tuôn đến nhà thờ. Thánh Vinh Sơn gọi các trẻ em lên bàn thờ, trong khi người lớn chen chúc trong những khoảng trống còn lại… Sau khi đọc Phúc Âm, Vinh Sơn bước lên giảng đài. Mọi ánh mắt đều đổ dồn vào vị linh mục nghiêm nghị này, trái ngược với thói quen thời đó, ngài để tóc ngắn. Không gian im lặng tuyệt đối. Dường như tất cả mọi người, ngay cả trẻ em, đều nín thở. Vinh Sơn nhìn mọi người bằng ánh mắt tràn đầy dịu dàng và bắt đầu nói… Ngài nói về Thánh Phaolô, về sự hoán cải của ngài, rồi tiếp tục nói về sự hoán cải của người Kitô hữu, điều được cụ thể hóa trong bí tích của lòng thương xót, của hòa giải… Ngài nói về những hoa trái của một cuộc xưng tội tốt: bình an, niềm vui, sự thanh thản, an lành…” (GOCH, Aloisio. O meu herói Vicente de Paulo. Gráfica Vicentina, Curitiba, 2000).
Trong kinh nghiệm đức tin này, Thánh Vinh Sơn cảm nhận rằng đây chính là sứ vụ của ngài, là công trình Thiên Chúa dành cho ngài: mang Tin Mừng đến cho những người nông dân nghèo. Đặc sủng Vinh Sơn đã được khai sinh từ đó, nhưng Tu Hội Truyền Giáo chỉ được thành lập tám năm sau, vào ngày 17 tháng 4 năm 1625. Trùng với Năm Thánh của Giáo hội, năm 2025 đánh dấu kỷ niệm 400 năm ngày thành lập Tu Hội.
Bà Gondi ký hợp đồng với Cha Vinh Sơn, cung cấp phương tiện  
thành lập Tu Hội Truyền Giáo ngày 17.4.1625
Là những người con của Giáo hội, các thành viên Tu Hội Truyền Giáo chúng tôi là những người hành hương của hy vọng giữa người nghèo và những người bị loại trừ, trong cuộc đấu tranh cho phẩm giá sự sống và quyền lợi của mọi người. Chúng tôi là dấu chỉ của tình huynh đệ, nhạy cảm với những người dễ bị tổn thương. Chúng tôi chỉ ra con đường dẫn đến Chúa Kitô trong các cuộc gặp gỡ với những anh chị em đang chịu đau khổ. Chúng tôi mang ánh sáng hy vọng đến nơi tuyệt vọng đang ngự trị.
Trong lá thư luân lưu kêu gọi cử hành Năm Thánh, đề ngày 4 tháng 4 năm 2023, Cha Tổng Quyền Tomaž Mavrič, CM, đã cầu xin Thiên Chúa “dẫn dắt chúng ta trong hai năm đầu tiên chuẩn bị để có được sự hồi sinh mạnh mẽ về căn tính thiêng liêng và tông đồ, hướng đến một lễ kỷ niệm xứng đáng với Bốn Thế Kỷ của “Tu Hội nhỏ bé” này.” Ngài mong ước rằng “mỗi ngày đều là một thời gian hoán cải, đổi mới và trở lại với lòng nhiệt thành ban đầu dành cho Chúa Giêsu Kitô, ‘Tình Yêu Đầu Tiên’ của chúng ta, để theo cảm hứng của Thánh Vinh Sơn Phaolô, chúng ta có thể lãnh nhận ân sủng để trở thành ‘Những Nhà Thần Bí của Đức Ái’ trong thế kỷ 21 và xa hơn nữa.”
Để đổi mới chính mình trên hành trình này, cùng với Đức Maria, các Tông Đồ và Thánh Vinh Sơn Phaolô, chúng ta hãy trở thành những con người của cầu nguyện (cá nhân và cộng đoàn), của sự thân mật với Thiên Chúa, của sự thinh lặng nội tâm, của tôn thờ và chiêm niệm, để sống Năm Thánh 2025: Những Người Hành Hương của Hy Vọng, với niềm vui và chứng tá ngôn sứ.
Nguồn: Informativo São Vicente, Vol. LXI, số 329, năm 2024,
Tỉnh dòng Brazil, Tu Hội Truyền Giáo.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *