07.02.25 – THỨ SÁU TUẦN IV THƯỜNG NIÊN
“Ông Gioan bảo vua Hêrôđê:
Ngài không được phép lấy vợ của anh ngài.” (Mc 6,18)
CHIÊM NGẮM MẸ SỐNG TIN MỪNG:
Tháng 01/2021, sau tuyên bố của Tổng thống Joe Biden về việc ủng hộ phá thai, Hội đồng giám mục Hoa Kỳ đã nhanh chóng nói lên tiếng nói ngôn sứ của mình: “Chúng tôi đặc biệt kêu gọi tổng thống loại bỏ việc phá thai và thúc đẩy việc hỗ trợ bảo vệ sự sống cho phụ nữ và các cộng đồng nghèo.” Bởi vì: “Từ thế kỷ thứ nhất, Giáo Hội đã khẳng định sự ác về luân lý của mọi trường hợp phá thai cố tình. Giáo huấn này không thay đổi và không thể thay đổi.”[1]
Sở dĩ giáo huấn này không thay đổi và không thể thay đổi, vì sự sống là của Thiên Chúa và thuộc quyền Thiên Chúa, mà “Đức Giê-su Ki-tô vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay, và như vậy mãi đến muôn đời.”[2] Thế nhưng, thời thánh Gioan Tẩy Giả, vua Hêrôđê bất chấp lề luật của Thiên Chúa và lễ nghĩa gia phong, đã lấy chị dâu làm vợ. Các quan trong triều và cả các vị lãnh đạo tôn giáo đều không dám lên tiếng, nhưng Thánh Gioan Tẩy Giả đã dám nói SỰ THẬT, dù biết chắc “sự thật thì mất lòng” và mất cả đầu nữa. Ngài kêu gọi vua hãy tuân hành lề luật của Thiên Chúa. Hậu quả là Gioan đã bị vua Hêrôđê tống ngục và chém đầu.
“Ngài không được phép lấy vợ của anh ngài.” (c.18) Gioan Tẩy Giả đã phản đối lối sống vô luân, không chỉ với người thường dân mà là với người lãnh đạo cao nhất trong xã hội. Bởi lẽ gương xấu của người lãnh đạo sẽ lôi kéo quần chúng làm theo, cùng với các thói hư và tệ nạn khác nữa. Tiếng nói ngôn sứ là tiếng nói bênh vực Sự Thật và tôn trọng giới luật của Thiên Chúa, mưu ích cho con người, chứ không phải là sự chống đối quyền bính hoặc cổ võ cho một ý thức hệ nào. Thánh Phaolô đã nói: “Được ơn làm ngôn sứ, thì phải nói sao cho phù hợp với đức tin.”[3]
Ngày nay, vẫn có những người dám đứng lên nói ngược lại đám đông để bênh vực Chân Lý, bất chấp hậu quả là bị cô lập, đàn áp, bị chặn đường sống. Trong lịch sử Giáo Hội tại Việt Nam và nhiều nơi khác trên thế giới, các thánh tử đạo đã vì bảo vệ chân lý, bảo vệ đức tin vào Chúa Kitô mà phải chịu những cực hình cho đến chết, và đã được Thiên Chúa ân thưởng.
Khi lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, mỗi Kitô hữu cũng được tham dự vào ba chức năng làm ngôn sứ, tư tế và vương đế với Chúa Kitô. Thế nhưng, nhiều người không sống đức tin vào Thiên Chúa, không tin có sự thật tuyệt đối, nên chỉ sống theo thời thế, để bảo vệ danh dự, địa vị, quyền hành, tài sản… Xin Chúa ban cho chúng ta sức mạnh của Chúa để can đảm sống sứ vụ ngôn sứ này ngay trong gia đình, trong các hội đoàn, trong giáo xứ, biết khiêm tốn nhìn nhận sự thật, đón nhận sự góp ý và sửa chữa, khi thực thi giới răn Chúa và chỉ nhắm làm vinh danh Chúa thôi.
Mẹ Maria, người phụ nữ chân yếu tay mềm cũng không sợ hãi trước quyền lực thế gian. Biết Con mình nhiều lần đụng chạm đến những người có quyền, cả đạo cả đời, Mẹ vẫn tin Người làm mọi việc để tôn vinh Thiên Chúa, vì Người chính là Thiên Chúa thật. Mẹ luôn đồng hành với Con, Mẹ rơi lệ khi nhìn Con bị đánh đòn và bị đem đi giết vì bảo vệ chân lý, bảo vệ sự sống cho con người. Mẹ đã hiệp thông sâu xa với Con trong cái chết vì Sự Thật, nên Mẹ cũng thấu hiểu những gian nan của bất cứ ai làm chứng cho chân lý của Thiên Chúa phải kinh qua.
SỐNG TIN MỪNG VỚI MẸ:
Noi gương Mẹ, tôi
- Dám chấp nhận thiệt thòi khi làm chứng cho Sự Thật.
- Hỗ trợ và cầu nguyện cho những ai dám nói Sự Thật.
CẦU NGUYỆN VỚI MẸ:
Lạy Mẹ Maria, xin cho con xác tín rằng: khi con sống sứ mạng làm ngôn sứ, thì chính Chúa cùng sống và làm chứng với con. Xin Mẹ giúp con không bị cuốn vào sự giả dối có hệ thống, nhưng biết phân biệt đúng-sai dù có bị cô lập, loại trừ; và dám nói Sự Thật như thánh Gioan Tiền Hô. Amen
Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.
[1] https://www.vaticannews.va/vi/world/news/2021-01/giam-muc-hoa-ky-tong-thong-biden-loai-bo-quyen-pha-thai.html
[2] Bài đọc I
[3] Rm 12,6