fbpx

CÙNG MẸ SỐNG TIN MỪNG – 20.02.25 – THỨ NĂM TUẦN VI THƯỜNG NIÊN

20.02.25 – THỨ NĂM TUẦN VI THƯỜNG NIÊN

Mc 8,27-33

 “Tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa,
mà là của loài người.” (Mc 8,33)

ĐỌC TOÀN BÀI PHÚC ÂM

CHIÊM NGẮM MẸ SỐNG TIN MỪNG:

Sau đại hồng thủy, Thiên Chúa đã lập giao ước với ông Nô-ê và giải thoát mọi sinh vật khỏi nạn lụt. Thiên Chúa chúc phúc cho dòng dõi ông Nô-ê sinh sôi thật nhiều, Người ban cho họ mọi thứ rau cỏ và mọi giống vật làm lương thực. Thiên Chúa không cần con người phải làm gì cho Chúa, ngoại trừ việc tuân giữ giao ước, bằng cách tôn trọng sự sống của mọi người, đồng thời mọi sinh vật cũng phải tôn trọng mạng sống của con người.[1]  

Cũng như trong trình thuật sáng tạo, con người vẫn luôn là tạo vật được Thiên Chúa ưu ái nhất. Nhưng dù được giống hình ảnh của Thiên Chúa và bá chủ muôn loài, con người vẫn chỉ là thụ tạo trước mặt Chúa:

 “Trời cao hơn đất chừng nào

thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối các ngươi,

và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng các ngươi chừng ấy”[2].

Chúa Giêsu – Con Thiên Chúa làm Người, mang trong mình vận mạng của cả nhân loại.[3] Chính Người tỏ cho chúng ta biết tư tưởng của Thiên Chúa và cách thế trở nên con người hoàn thiện như Chúa muốn.

Sau một thời gian ở với các môn đệ, Chúa Giêsu đã hỏi họ: “Anh em bảo Thầy là ai?” (c.29) Ông Phêrô thưa: “Thầy là Đấng Ki-tô”, là Đấng được Thiên Chúa tuyển chọn. Ông đã nói rất đúng, nhưng chính ông và các môn đệ khác cũng chỉ hiểu sứ mạng Kitô của Thầy như những người Do Thái lúc đó vẫn hiểu: Thầy là Vị Cứu Tinh mà họ chờ đợi, Đấng giải thoát dân tộc khỏi đế quốc Rôma và thiết lập một thể chế chính trị mới.

Ngay lập tức, Đức Giêsu cấm các ông không được nói với ai về sứ mạng Kitô của Người; đồng thời Người tỏ cho các ông biết rõ con đường Người sẽ phải đi, để chấn chỉnh cách nghĩ và cách sống của các ông: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày sẽ sống lại” (c.31). Những đau khổ mà Đức Giêsu sẽ phải chịu chính là số phận của con người tội lỗi mà Người đã mang lấy, và đó là cách thức duy nhất để cứu độ nhân loại. Ông Phêrô đã “trách” Đức Giêsu, vì thật ra các ông không muốn theo Người trên con đường đau khổ ấy. Nhưng Chúa Giêsu phản hồi lại Phêrô: “tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người” (c.33).

Khi thấy trong Giáo Hội có những khó khăn, thất bại, hay những đau khổ, nghịch cảnh trong cuộc sống, ta dễ thất vọng, sợ hãi hay “trách” Chúa, đôi khi còn muốn “dẫn đường cho Chúa” như Phêrô… Nhưng sau khi Chúa Phục Sinh, Phêrô đã hiểu và can đảm tử đạo giống như Thầy. Chúng ta cũng hãy xác tín vào đường lối của Chúa, và nhận ra Chúa nơi thập giá thường ngày: đó là dấu chỉ tình yêu của Chúa với ta, và khi ta can đảm đón nhận những khó khăn, cảm thông và kiên nhẫn với người làm mệt mỏi, chán nản…là ta vác lấy thập giá như Chúa.

Ý thức mình chỉ là nữ tỳ hèn mọn của Chúa, Đức Maria đã vâng phục thánh ý Người cách trọn vẹn. Khi chưa hiểu rõ, Mẹ đã đơn sơ hỏi sứ thần: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào?”, và khi biết được ý Người, Mẹ khiêm nhường xin vâng cách mau mắn: “Xin Chúa cứ làm cho tôi như lời Sứ thần nói.”[4] Mẹ tự nguyện đi vào kế hoạch của Thiên Chúa trong tất cả mọi việc: khi Thánh Giuse không tìm được chỗ trọ ở Belem, khi đang đêm phải bồng Con đi tỵ nạn… Mẹ không than trách nhưng bình thản đón nhận mọi nghịch cảnh, vì xác tín ý Chúa không giống tư tưởng của người đời.

SỐNG TIN MỪNG VỚI MẸ:

Noi gương Mẹ, tôi hiệp hành với Chúa và với tha nhân bằng sự khiêm nhường lắng nghe, cảm thông và chia sẻ bác ái.

CẦU NGUYỆN VỚI MẸ:

Lạy Mẹ Maria, xin giúp con hiểu biết Chúa hơn mỗi ngày, để con thêm yêu mến và sống gắn bó với Chúa, biết đón nhận đau khổ như phương thế đem lại ơn cứu độ cho chính con và tha nhân. Amen

Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.

[1] Bài Đọc I, St 9,1-13

[2] Is 55,9

[3] X. Lời Chúa cho mọi người, trang 1686, phần chú giải

[4] Lc 1,38

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *