fbpx

CÙNG MẸ SỐNG TIN MỪNG – 29.03.25 – THỨ BẢY TUẦN III MÙA CHAY

29.03.25 – THỨ BẢY TUẦN III MÙA CHAY

Lc 18,9-14

 “Lạy Thiên Chúa xin thương xót con là kẻ tội lỗi.”
(Lc 18,13c)

ĐỌC TOÀN BÀI PHÚC ÂM

CHIÊM NGẮM MẸ SỐNG TIN MỪNG:

Chúa Giêsu đã thâu tóm toàn bộ Lề Luật vào một giới răn quan trọng duy nhất, đó là yêu mến Thiên Chúa hết lòng và yêu thương tha nhân như chính mình. Yêu mến Thiên Chúa là sống mối tương quan cá vị với Người, cụ thể nhất qua việc cầu nguyện.

Như người vợ bất trung, dân Do Thái đã từng bỏ Chúa để chạy theo các thần của dân ngoại. Thiên Chúa cũng bỏ mặc, không bênh vực họ nữa. Khi bị những dân tộc khác uy hiếp, họ mới bảo nhau phải quay về với Chúa. Nhưng họ tưởng có thể qua mặt Thiên Chúa bằng lối sống hời hợt bên ngoài như dâng các lễ vật hy sinh để đền bù tội lỗi, rồi sau đó lại tiếp tục phạm tội. Qua ngôn sứ Hô-sê, Thiên Chúa ngỏ lời với họ: “Ta muốn tình yêu chứ không cần hy lễ, thích được các ngươi nhận biết hơn là được của lễ toàn thiêu.”[1]

Người Pharisêu trong dụ ngôn của Chúa Giêsu đã kể lể mình làm được nhiều việc đạo đức mà ít ai theo kịp, và ông “tự hào cho mình là công chính và khinh chê kẻ khác” (c.9). Những lễ vật và sự chay tịnh của ông không có hương thơm của tình yêu, vì ông không quan tâm đến việc “nhận biết Chúa”. Ông lấy mình làm chuẩn để xét đoán người khác, thấy mình đáng ngưỡng mộ, đáng được Thiên Chúa thưởng công, còn kẻ này người nọ thì đầy tội lỗi.

Ngược lại, mọi tâm tình, ngôn ngữ và hành vi của người thu thuế lại diễn tả sự “nhận biết Chúalà Đấng công chính và thương xót, đồng thời ý thức mình là kẻ có tội cần được Chúa xót thương. Biết mình đầy tội lỗi, anh “đứng đằng xa,… vừa đấm ngực vừa thưa rằng: ‘Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi’” (c.13). Nhìn nhận mình yếu đuối cần đến Chúa là điều Thiên Chúa yêu thích và được Chúa nhận lời.

Sự khiêm nhường thống hối của người thu thuế là chìa khóa mở kho tàng ân sủng của Thiên Chúa. Khiêm nhường giúp ta nhìn nhận đúng về bản thân mình, không tự cao tự đại, cũng chẳng tự ti, hạ thấp giá trị của mình. Khiêm nhường giúp ta nhận biết những ân huệ Chúa ban và tạ ơn Chúa, nhận ra điều tốt nơi người khác và vui mừng với họ… Thánh Vinh Sơn Phaolô nói: “Khiêm nhường là nền móng của sự hoàn thiện”.[2] Khiêm nhường giúp ta biết mình rõ hơn để sám hối, mở lòng đón nhận ơn Chúa để được biến đổi. Chính khi cảm nhận được ơn tha thứ và lòng thương xót của Chúa, ta sẽ dễ dàng cảm thông với tha nhân.

Khiêm nhường là đức tính căn bản nơi Mẹ Maria: Mẹ nhận biết Chúa là “Đức Chúa, Đấng Cứu Độ tôi”. Ý thức mình là “Phận nữ tỳ hèn mọn Người đoái thương nhìn tới… Mẹ nhìn nhận những đặc ân Mẹ có được là do Chúa ban và ca ngợi Chúa. Mẹ đắm mình vào đại dương lòng thương xót của Thiên Chúa, để cảm nếm tình thương và muôn vàn ân huệ Chúa ban. Chính vì Mẹ tự hạ mình xuống nên được Chúa nâng lên: “Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả…[3] Từ đó, Mẹ mở rộng lòng để phân phát những ân huệ ấy cho mọi người bằng sự cảm thông, giúp đỡ những ai gặp khó khăn, đau khổ… Mẹ luôn đi bước trước đến với những ai cần giúp đỡ.[4]

SỐNG TIN MỪNG VỚI MẸ:

Noi gương Mẹ, tôi tạ ơn Chúa về những gì làm được, khiêm tốn nhìn nhận giới hạn của mình, cảm thông với những bất toàn của người khác và cầu nguyện cho họ.

CẦU NGUYỆN VỚI MẸ:

Lạy Mẹ Maria, xin giúp con không ngừng khao khát được nên thánh nhờ lòng thương xót của Chúa. Xin Mẹ dạy con sống khiêm nhường như Mẹ, luôn ý thức con cần đến sự tha thứ của Chúa và quyết tâm sám hối, canh tân, trở nên con người mới trong Chúa, nhờ đó, con biết cảm thông với những yếu đuối của người khác. Amen

Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.

 

 

[1] Bài Đọc I, Hs 6,6

[2] Luật Chung II,7

[3] Lc 1,46-55

[4] X. Lc 1,39; Ga 2,3

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *