21.04.25 – THỨ HAI TUẦN BÁT NHẬT PHỤC SINH
Mt 28,8-15
“Chị em đừng sợ! Về báo cho anh em của Thầy để họ đến Ga-li-lê.
Họ sẽ được thấy Thầy ở đó.” (Mt 28,10)
CHIÊM NGẮM MẸ SỐNG TIN MỪNG:
Chúa Phục Sinh là một biến cố “có một không hai” trong lịch sử nhân loại! Niềm vui bất ngờ và quá lớn lao vượt trên tầm hiểu biết của con người, khiến người ta nghi ngờ “có thật không?” Mặc dù trước đó, Chúa Giêsu đã nhiều lần loan báo cho các môn đệ, nhưng các ông chưa thể hiểu được. Kinh Thánh, đặc biệt là vua Đa-vít cũng đã nói trước về cái chết và Phục Sinh của Chúa Kitô: “xác tôi yên nghỉ trong niềm cậy trông; vì Chúa không để linh hồn tôi trong cõi chết, và không để Đấng Thánh của Chúa thấy sự hư nát.”[1] Nhưng vẫn không ai ngờ việc ấy được ứng nghiệm nơi Đức Giêsu.
Thấu biết giới hạn của con người, Chúa Giêsu Phục Sinh đã đi bước trước để tỏ mình cho các môn đệ. Trước hết, Người tỏ mình cho các phụ nữ – những người bị coi thường nhất trong xã hội thời đó. Ngay lúc họ vừa mừng vừa sợ vì nghe các thiên thần nói Chúa đã sống lại, thì chính Người đón gặp và bảo họ: “Chị em đừng sợ! Về báo tin cho các anh em của Thầy để họ đến Galilê, họ sẽ được thấy Thầy ở đó” (c.10).
Tiếp đến, Chúa tỏ mình cho các tông đồ, là những người chài lưới, ít học. Chúa không tỏ lộ cho hết mọi người, nhưng chỉ cho những kẻ đơn sơ, vì đó là đường lối của Thiên Chúa: “Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn.”[2]
Khi nhắn các tông đồ trở về Galilê – điểm hẹn tình yêu đầu tiên giữa họ với Người, Chúa Phục Sinh muốn các ông hồi tưởng lại “cái thuở ban đầu lưu luyến ấy” Chúa chọn và gọi từng người một, để họ hiểu những lời dạy và việc làm của Chúa dưới ánh sáng Phục Sinh. Nhờ đó, họ thêm xác tín khi loan báo Tin Mừng và minh chứng Người là Thiên Chúa quyền năng đã chết và đã sống lại.
Để đón nhận Tin Mừng Phục Sinh, chúng ta cần khiêm tốn và khao khát tìm kiếm Chúa như các phụ nữ trong Tin Mừng, đồng thời năng “trở về Galilê” của đời mình như các tông đồ, để gặp được Chúa Phục Sinh, lãnh nhận sức sống mới. Galilê của mỗi chúng ta có thể là những kỷ niệm ngày ta được Rước Lễ Lần Đầu, lãnh nhận Bí tích Thêm Sức, một kỳ tĩnh tâm, một biến cố thoát nạn hiểm nguy …mà ta cảm nhận được tình thương và lời mời gọi của Chúa…
Biến cố vĩ đại và duy nhất về Chúa Phục sinh đã diễn ra cách âm thầm, chỉ một mình Người biết giây phút sự sống chiến thắng sự chết[3]. Phúc âm đã không nói gì về việc Chúa Phục Sinh hiện ra với Đức Mẹ, nhưng “người Phụ Nữ đứng gần thập giá” đã không chút nghi ngờ. Mình BÀ luôn mang hy vọng cho cả thế giới. Đức tin của BÀ đi trước “giờ” và Bà biết rằng Đức Kitô đã sống lại! Nhưng trong âm thầm và chỉ mình Chúa biết niềm vui hớn hở của Đức Maria[4]. Điều này thật dễ hiểu: Mẹ luôn hiệp hành với Chúa Giêsu trong đau khổ từ giây phút đầu tiên trong cung lòng Mẹ… cho đến tận cùng là cái chết; thì khi Chúa Phục Sinh, Mẹ cũng là người được gặp Chúa trước tiên. Thật là chính đáng khi cả Giáo Hội ca khen Mẹ: “Lạy Nữ Vương thiên đàng, hãy vui mừng. Alleluia! Vì Đấng Mẹ đã đáng cưu mang trong lòng. Alleluia…”[5]
SỐNG TIN MỪNG VỚI MẸ:
Cùng với Mẹ Maria, tôi luôn có mặt tại những “điểm hẹn” Chúa dành cho tôi, để gặp được Chúa Giêsu Phục Sinh nơi đó và cảm nếm niềm vui có Chúa.
CẦU NGUYỆN VỚI MẸ:
Lạy Mẹ Maria, xin cho con biết sống niềm vui Phục Sinh và biết lan tỏa niềm vui ấy với mọi người trong cuộc sống. Amen
Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.
[1] Tv 16,9-10; Bài Đọc I, Cv 2,27
[2] Mt 11,25
[3] X. Thánh Thi “O nuit, de quel éclat tu resplendit!” – Prière du temps présent, p. 341
[4] Nt.
[5] Kinh Lạy Nữ vương Thiên Đàng