MẸ LÀ MẸ CỦA HY VỌNG[1]
Đức Maria không phải là người phụ nữ dễ dàng suy sụp trước những biến động của cuộc sống, nhất là khi cuộc sống luôn có những bất ngờ. Mẹ cũng không phải là người nữ chống lại bạo lực hay than vãn về số phận cuộc đời đầy nghịch cảnh. Ngược lại, Mẹ là người nữ biết lắng nghe, đừng quên rằng luôn luôn có mối liên hệ giữa hy vọng và lắng nghe, và Đức Maria là người lắng nghe. Hãy đón nhận những gì cuộc đời mang đến cho chúng ta, có những ngày hạnh phúc, nhưng cũng có những bi kịch mà chúng ta không bao giờ muốn gặp. Đức Maria đã đi đến tận cùng con đường-đến tận đêm cuối cùng khi Con của Mẹ bị đóng đinh trên Thập giá.
Mẹ vẫn ở đó, trung tín hiện diện, trong nơi u tối đêm đen.
Cho đến lúc đó, Đức Maria đã hầu như biến mất khỏi khung cảnh của các Tin Mừng: các tác giả thiêng liêng đã cho thấy Mẹ dần vắng bóng, sự thinh lặng của Mẹ trước mầu nhiệm của một người Con vâng phục người Cha. Nhưng Đức Maria lại xuất hiện vào chính thời khắc quan trọng: khi mà phần lớn các bạn hữu đã bỏ trốn vì sợ hãi. Nhưng những người mẹ thì không bao giờ phản bội vào lúc này, dưới chân thập giá, không ai có thể nói hết được sự nhẫn tâm tột độ trong cuộc khổ nạn này: một người vô danh phải chịu hình phạt chết trên thập giá, hay sự đau đớn của một người mẹ đồng hành với con, trong những khoảng khắc cuối cùng. Các Tin Mừng giới thiệu ngắn gọn và kín đáo. Họ chỉ dùng một từ đơn giản để nói về sự hiện diện của Đức Maria: “Mẹ đứng đó” (Ga 19,25). Mẹ đứng đó. Các Tin Mừng không hề nói gì về phản ứng của Mẹ: Mẹ khóc hay không khóc…không có gì cả; cũng không diễn tả thêm điều gì về nỗi đau của Mẹ. Nhường chỗ lại cho các nhà thơ và họa sĩ vẽ lên những tình tiết, mang đến cho chúng ta những hình ảnh thuộc về lĩnh vực hội họa và văn chương. Nhưng các Tin Mừng chỉ nói: Mẹ “đứng đó”. Mẹ đứng đó, vào thời khắc kinh hoàng nhất, vào lúc nhẫn tâm nhất và cùng đau khổ với Con. “Mẹ đứng đó”. Đức Maria đứng đó, chỉ vậy thôi, Mẹ hiện diện ở đó. Lại một lần nữa, người thiếu nữ thành Nazareth, mái tóc bạc dần theo thời gian, lại đối diện với một Thiên Chúa, Đấng duy nhất đã chọn lựa Mẹ, cùng với một cuộc đời đã đi tới ngưỡng cửa của sự u ám nhất. Đức Maria “đứng đó”, trong u tối dày đặc nhất, nhưng Mẹ vẫn “đứng đó”. Mẹ không bỏ đi. Mẹ vẫn ở đó, trung tín hiện diện, mỗi khi cần phải cầm cây nến cháy sáng trong nơi u tối đêm đen. Thậm chí, Mẹ không còn biết đến viễn cảnh của sự sống lại mà Con Mẹ đã mở ra vào thời khắc đó cho tất cả mọi người: Mẹ đứng đó do lòng trung tín vào kế hoạch của Thiên Chúa, mà Mẹ đã tự nhận là nữ tỳ trong ngày đầu tiên của ơn gọi của Mẹ, nhưng còn một lý do khác, đó là bản năng của người làm mẹ, đơn giản là đau khổ mỗi khi một người con phải chịu đau khổ. Những thương đau của các bà mẹ: tất cả chúng ta đều biết đến những người mẹ mạnh mẽ, những người đã đối diện với biết bao nỗi đau thương của con cái mình!
Tất cả các ông đều đồng tâm nhất trí,
chuyên cần cầu nguyện… với bà Ma-ri-a, thân mẫu Đức Giê-su (Cv 1,14).
Chúng ta gặp lại Đức Maria vào buổi bình minh của Giáo Hội, Mẹ là Mẹ của hy vọng, giữa cộng đoàn mỏng giòn là các môn đệ: người thì phản bội, những người khác thì bỏ trốn, tất cả đều sợ. Nhưng Đức Maria đứng đó, đơn giản vậy thôi, rất đỗi bình thường và tự nhiên: Hội Thánh sơ khai được bao bọc bởi ánh sáng phục sinh, nhưng cũng không thiếu những run sợ của những bước đi đầu tiên mà Giáo Hội phải thực hiện trong thế giới.
MẸ LÀ MẸ CỦA HY VỌNG
Chính vì vậy, chúng ta yêu mến Giáo Hội như yêu mến Mẹ Maria. Chúng ta không mồ côi: chúng ta có một người Mẹ trên trời, đó là Mẹ Thánh của Thiên Chúa. Để Mẹ dạy chúng ta giá trị của chờ đợi, ngay cả khi ý nghĩa của nó bị giới hạn: Mẹ dường như tín thác vào mầu nhiệm của Thiên Chúa, ngay cả khi Mẹ cảm thấy chao đảo vì sự dữ của thế gian. Nguyện xin Đức Maria, người Mẹ của Chúa Giêsu, ban tặng cho tất cả chúng ta, trong những thời khắc khó khăn, luôn nâng đỡ bước đường chúng ta, luôn nói trong trái tim của chúng ta: “Con hãy đứng dậy! Hãy nhìn về phía trước, nhìn về phương xa”, vì MẸ LÀ MẸ CỦA HY VỌNG.
Đức Thánh Cha Phanxicô
[1] Nguồn: Một suy tư mới của Đức Giáo Hoàng Phanxicô-Kinh Kính Mừng, trang 124-129