HÃY ĐẾN CHÂN BÀN THỜ NÀY
Cuộc đời 70 năm của Sơ Catherine Labourê được trải dài xuyên suốt trong thế kỷ 19 tại Pháp (1806-1876). Bối cảnh kinh tế, xã hội và chính trị của nước Pháp thời đó rất khó khăn cũng như tình hình chung của các nước Châu Âu khác. Đó là một bối cảnh hỗn loạn kéo dài, bối cảnh của cuộc cách mạng, bạo lực và những luồng tư tưởng vô thần. Rất nhiều đau khổ và rất nhiều sự khốn cùng trong dân chúng, ở các thành thị cũng như nông thôn[1]. Sơ Catherine Labourê không là ngoại lệ, Sơ đã cùng đồng hành với dân tộc mình, không được đến trường, phải lao động vất vả ngay từ nhỏ để nuôi sống mình và gia đình…
Tuy nhiên, buồn tủi và cô đơn vì mất mẹ khi mới 9 tuổi, Catherine đã để Chúa Thánh Thần thúc đẩy ôm tượng Đức Mẹ trên tủ thờ của gia đình, xin Mẹ làm mẹ của mình luôn mãi. Sau khi được rước lễ lần đầu ở tuổi 12, Catherine quyết định tham dự thánh lễ nhiều lần trong tuần, dù phải đi bộ mỗi ngày 6 km vừa đi vừa về, bất kể thời tiết đẹp hay xấu, hoặc trời mưa phùn lạnh buốt…
“Hãy đến chân bàn thờ này,
nơi đây sẽ tuôn ra nhiều hồng ân cho mọi người đến cầu xin
với lòng tin tưởng, sốt sắng; dù là người quyền quí hay bé mọn”.
Thế rồi, 12 năm sau, ở tuổi 24, Sơ được nhận vào Tập Viện của Tu Hội Nữ Tử Bác Ái. Sau 3 tháng, vào đêm 18.7.1830, Sơ Catherine Labouré nghe tiếng Thiên Thần đánh thức dậy giữa đêm khuya, xin Sơ tới nhà nguyện gặp Đức Maria, vì Mẹ muốn gặp Sơ ở đó. Rất bất ngờ nhưng đầy tin tưởng, Sơ đi theo sự hướng dẫn của Thiên Thần và đã được gặp Đức Mẹ. Sơ Catherine đã vượt qua sự an toàn của mình là giấc ngủ ngon để “đi ra”. Sơ được cảm nếm những giây phút hạnh phúc bên Mẹ, lắng nghe lời nhắn nhủ của Mẹ và thật bất ngờ là Sơ được Mẹ dẫn tới Chúa Giêsu Thánh Thể: “Hãy đến chân bàn thờ này…”
TẠI SAO “ĐIỂM HẸN” CỦA MẸ LẠI LÀ NHÀ CHẦU?
“Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa,
thần trí tôi hớn hở vui mừng, vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi”
Đơn giản là nơi đây có sự hiện diện thật sự của Chúa Giêsu, Con của Mẹ. Chính Mẹ đã cảm nếm niềm vui có Chúa và được ở với Chúa. Sự hiện diện của Chúa đem lại niềm vui cho Mẹ, một niềm vui trọn vẹn: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng, vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi”[2].
Quả thật, trong bữa tiệc cuối cùng với các môn đê, Chúa Giêsu đã trao bí quyết niềm vui cho các ông: “Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người. Các điều ấy, Thầy đã nói với anh em để anh em được hưởng niềm vui của Thầy, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn”[3].
Sơ Catherine Labourê thật không ngờ niềm tin-yêu phó thác Sơ đặt vào Mẹ từ khi còn nhỏ, được lớn lên và làm sinh động tâm hồn Sơ và dẫn dắt Sơ phục vụ Thiên Chúa nơi các cụ già trong suốt 46 năm. Chính niềm vui của Thiên Chúa được truyền qua Đức Maria, Đấng mời gọi Sơ phó thác cho Chúa mọi đau đớn và thống khổ, nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Người: “Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ”. Sơ Catherine đã hiểu điều này, đối diện với những khó khăn gặp phải khi phục vụ các cụ cao niên trong viện dưỡng lão Enghein, với nỗi đau bị cha giải tội đuổi ra khỏi tòa, khi Sơ trình bày với ngài về việc Đức Mẹ hiện ra và xin ngài thực hiện những yêu cầu của Đức Mẹ. Ngoài cha ra, Sơ không được phép nói với ai …Sơ thường đến gặp gỡ Chúa Giêsu Thánh Thể, thờ lạy Ngài, thổ lộ với Ngài tất cả những ưu tư phiền muộn, lo lắng và khắc khoải…Sơ lắng nghe Chúa nói, bình an và niềm vui trở lại dạt dào tâm hồn, là động lực giúp Sơ tiếp tục sứ mạng phục vụ các cụ và ước mơ của Đức Mẹ cho đến cuối đời.
Dành thời gian đi tới “ĐIỂM HẸN CỦA MẸ”
Là người con hiếu thảo, chúng ta thường tìm về với mẹ để ở với mẹ và hưởng sự dịu dàng, âu yếm của mẹ mình. Đó cũng là niềm vui của bất cứ bà mẹ nào khi được gặp con của mình. Trong tháng 7 này, chúng ta dành thời gian đi tới “ĐIỂM HẸN” CỦA MẸ. Mẹ vui biết chừng nào, và cùng với Mẹ đến với Chúa Giêsu Thánh Thể, tại các nhà thờ, nhà nguyện có Nhà Chầu để “lòng anh em sẽ vui mừng; và niềm vui của anh em sẽ không ai lấy mất được”[4]. Đó là niềm vui Kitô giáo, niềm vui của Chúa Kitô Phục Sinh ban cho chúng ta. Thêm vào đó, chúng ta làm Tuần Cửu Nhật, dâng lên Mẹ những ý nguyện chân thành cầu cho cá nhân, gia đình, thế giới, Giáo Hội địa phương, hoàn vũ…và mở lòng đón nhận những hồng ân của Chúa với lòng biết ơn, nhờ lời chuyển cầu của Mẹ.
Cầu nguyện với Tuần Cửu Nhật Đức Mẹ Ban ơn liên tiếp trong 9 ngày…
[1] X. Bài giảng của ĐGM Laurent Ulrich-TVTHNTBA,
[2] Lc 1,46-47
[3] Ga. 15,10-11
[4] Ga. 16,22