18.01.2023 – THỨ TƯ TUẦN II THƯỜNG NIÊN
Mc 3,1-6
“Đức Giê-su giận dữ rảo mắt nhìn họ, buồn bực vì lòng họ chai đá.” (Mc 3,5)
CHIÊM NGẮM MẸ SỐNG TIN MỪNG:
Người ta kể rằng: có một rabbi Do thái cưỡi ngựa từ Giêricô về Giêrusalem, vừa đi vừa hát thánh ca. Chẳng may con ngựa trượt chân ngã xuống vực. Ông nhanh tay vớ được cành cây nên thoát nạn, con ngựa rơi xuống nước cũng không hề hấn gì, nhưng bờ cao nó không lên được. Ông định chặt nhành cây lấp đất cho con ngựa lên, nhưng sực nhớ hôm đó là ngày sabat không được làm việc nên lại thôi. Thế là ông phục trong bụi cây, thấy một người hành hương cưỡi ngựa đi qua. Ông rút súng bắn người ấy rơi xuống vực, cướp ngựa phóng đi và tiếp tục hát thánh ca…[1]
Bạn thân mến,
Câu chuyện trên có thể phản ánh phần nào thái độ giữ luật về hình thức đưa tới cực đoan của những người Pharisêu thời Chúa Giêsu. Họ thực hành thật tỉ mỉ những điều luật dạy, nhưng lại không quan tâm đến tinh thần cốt lõi của Lề Luật là đời sống công bình, bác ái, vị tha…như Chúa dạy. Họ chăm chú thực thi Lề Luật của Chúa, nhưng lại không nhận biết ý Chúa và không tôn vinh Thiên Chúa. Họ coi luật nghỉ việc ngày Sa-bát là trên hết và không chấp nhận bất cứ ai làm việc, kể cả việc rất tốt lành là bênh vực và cứu chữa con người. Thế nên “Họ rình xem Đức Giê-su” có chữa bệnh trong ngày sa-bát không, để tố cáo Người. (c.2)
Ngược lại, Chúa Giêsu nhìn người bại tay và thấy được nỗi khổ của anh, Người động lòng thương và muốn chữa cho anh được lành. Cho dù Người có thể để qua ngày khác, nhưng vì muốn dạy cho họ biết rằng: cách tôn vinh Thiên Chúa và giữ luật ngày Sa-bát đẹp nhất là thực thi đức ái, là làm việc tốt lành cho người khác. Chính vì thế, Chúa gọi người bại tay ra đứng giữa Hội đường, và công khai mời những người Pharisêu đối thoại trực tiếp với Người: “Ngày Sabbath, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay giết đi?” (c.4).
Hẳn ai cũng rõ là được phép làm điều lành, được phép cứu người! Nhưng nếu công nhận những gì Chúa Giêsu dạy trước mặt mọi người, thì cũng phải tin và làm theo những gì Người đòi hỏi. Như thế là đụng tới danh dự và quyền lợi của họ, nên họ lặng thinh. Chúa Giêsu đã phải đau lòng, giận dữ vì sự cố chấp của họ. Nhưng không để cho sự dữ thắng thế, Người vẫn cứu chữa người bệnh vì tình yêu và lòng trắc ẩn của Người. Kết quả là sau khi “ra khỏi đó, nhóm Pharisêu lập tức bàn tính với phe Hêrôđê, để tìm cách giết Đức Giêsu.” (c.6)
Lối sống vị kỷ và cố chấp của những người Pharisêu như bầu da cũ, không thể phù hợp với rượu mới là tinh thần bác ái, vị tha của Chúa Giêsu. Ngược lại, nếu ta mở lòng đón nhận Thánh Thần của Chúa Giêsu, Người sẽ giúp ta thay đổi lối suy nghĩ, để sống cởi mở và đầy yêu thương trong cách tương quan với Chúa và tha nhân, ta sẽ tôn vinh Chúa trong chính hành động bác ái đó, làm đẹp lòng Chúa và nên giống Chúa hơn.
Cùng một cái nhìn đầy yêu thương và cảm thông với Chúa Giêsu, Mẹ Maria luôn hành động vì lợi ích của tha nhân và làm vinh danh Chúa. Mẹ tôn trọng và thực thi mọi điều Lề Luật dạy[2], nhưng vẫn xin vâng lời sứ thần, chấp nhận cưu mang Con Thiên Chúa, dù biết rằng Mẹ có nguy cơ bị xử tử theo Luật, vì người Con ấy không phải là kết quả của cuộc hôn nhân giữa Mẹ và thánh Giuse. Cũng thế, ở tiệc cưới Cana, Mẹ xin Chúa ra tay tiếp cứu, giải nguy cho chủ tiệc vì sự cố hết rượu, cho dù chưa tới giờ Chúa bày tỏ quyền năng của Người.
SỐNG TIN MỪNG VỚI MẸ:
Noi gương Mẹ Maria, tôi nhìn mọi người, mọi việc dưới nhãn quan của tình yêu và sự cảm thông, và hành động để tôn vinh Thiên Chúa.
CẦU NGUYỆN VỚI MẸ:
Lạy Mẹ Maria, xin cho con được nhạy bén với nỗi đau của tha nhân như Mẹ, để con luôn biết hành động theo quy luật tối thượng của tình yêu, và sẵn sàng cộng tác với Chúa trong việc hiến thân phục vụ con người, trong âm thầm, vui tươi và khiêm tốn. Amen
Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.
(Đọc toàn bài Phúc Âm: https://bom.so/GF7QGU)
[1] X. https://tgpsaigon.net/bai-viet/thu-tu-tuan-2-thuong-nien-ngay-sa-bat-mc-3-1-6-59318
[2] X. Lc 2,39
()