Ngày lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống
của thánh nữ Louise de Marillac
1623 – 04.6 – 2023
Cách đây 400 năm, thánh nữ Louise de Marillac, khi đó được gọi bằng tên họ của người chồng, là Cô Legras. Cô vốn dĩ là người sức khỏe yếu kém, lại phải chăm sóc người chồng đau bệnh nhiều và người con trai chậm phát triển. Đứng trước hoàn cảnh bi đát này, Cô tự đặt ra nhiều câu hỏi TẠI SAO??? (Xem THÁNH NỮ LU-I-SA Sainte Louise de Marillac-1591-1660)
Không tìm được câu trả lời, Cô qui tội cho mình phải chịu trách nhiệm về những đau khổ này, vì đã không trung thành giữ lời hứa với Chúa là trở thành nữ tu. Cô băn khoăn lo lắng, mặc cảm tội lỗi nặng nề, Cô muốn đi trốn: rời bỏ chồng con đang bệnh hoạn! Cô nghi ngờ và tự hỏi có Thiên Chúa hay không? Linh hồn có bất tử như Giáo Lý Công Giáo dạy không?… Cô quay cuồng trong “cơn lốc”này từ ngày lễ Chúa Lên Trời! Tất cả xung quanh đều là tối tăm, Cô gia tăng việc ăn chay, thức khuya và cầu nguyện![1]
Đến ngày thứ mười, đúng vào ngày Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống 04/ 6/ 1623, trong nhà thờ Thánh Nicolas-des-Champs ở Paris, Cô nhận được luồng ánh sáng của Chúa Thánh Thần chiếu rọi trong tâm hồn, hé mở cho Cô câu trả lời cho các nghi vấn trên, đồng thời cho thấy dự định của Thiên Chúa trên cuộc đời Cô…
Thánh nữ Louise de Marillac đã viết lại biến cố “đổi đời” này để ghi nhớ nó.
Bản viết tay chỉ vỏn vẹn một mảnh giấy dài 28 phân, rộng 9 phân, được chia thành 10 nếp gấp…
để được giữ trong túi, trong xắc tay[2].
Chúng ta hãy nghe chính Thánh nữ Louise de Marillac nói với chúng ta về cuộc trải nghiệm thần bí của bà: cuộc Vượt Qua của Chúa Thánh Thần.
“Năm 1623, Lễ Thánh nữ Monica[3], Thiên Chúa đã ban cho tôi một ơn là khấn hứa sống thủ tiết, nếu Ngài gọi chồng tôi về với Ngài.
ĐÊM ĐEN
Hoài Nghi I: Ngày Lễ Thăng Thiên tiếp đó, tâm trí tôi bứt rứt chán chường vì hoài nghi, không biết có nên rời bỏ chồng mình, như tôi vẫn hằng ao ước để thực hiện lời khấn đầu tiên[4] của tôi, và được tự do hơn để phụng sự Thiên Chúa và tha nhân.
Hoài Nghi II: Tôi lại còn hoài nghi rằng mối quan hệ chặt chẽ giữa tôi với vị linh hướng[5] ngăn cản tôi tiếp nhận một vị khác làm linh hướng trong thời gian ngài vắng mặt quá lâu như thế, và e ngại rằng mình đành phải chấp nhận điều đó.
Hoài Nghi III: Tôi còn khổ sở vô cùng khi hoài nghi về sự bất tử của linh hồn.
ÁNH SÁNG
Nhà thờ thánh Nicolas-des-champs, quận 3 của Paris,
nơi Louise đón nhận Ánh Sáng Chúa Thánh Thần.
Ngày Lễ Hiện Xuống[6], trong khi dâng Thánh Lễ hoặc nguyện gẫm ở nhà thờ[7], trong một giây phút, tâm trí tôi được giải tỏa hết mọi nghi ngờ.
Ánh Sáng I: tôi được chỉ dạy là phải ở lại với chồng[8]. Thế nào rồi cũng có ngày tôi được khấn giữ khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục, và sẽ có ngày tôi được sống trong một cộng đoàn nhỏ, nơi đó cũng có một số chị em khấn giữ như tôi. Tôi nghe chừng lúc đó mình sẽ ở một nơi nào đó để phục vụ tha nhân, nhưng tôi lại không thể hiểu được điều ấy bởi vì những người sống ở nơi đó phải có thể đi đi-lại lại[9].
Ánh Sáng II: tôi còn được bảo đảm rằng cứ an tâm về vị linh hướng của mình, sớm muộn gì Thiên Chúa cũng sẽ ban cho tôi một vị khác…
Ánh Sáng III: nỗi khổ sở của tôi đã được cất đi khi tôi cảm thấy được bảo đảm ràng chính Chúa dạy tôi những điều trên, và nếu đã có Chúa rồi thì tôi không được nghi ngờ điều gì khác nữa.[10]
Chính Ánh Sáng này sẽ lôi kéo theo một sự thay đổi hoàn toàn trong cuộc đời bà. Tương lai của bà sẽ chỉ là một sự triển khai điều mà Chúa Thánh Thần đã ban cho bà như một trực giác rất rõ rệt vào lúc đó.
Với ơn Chúa, bà hiểu rằng sẽ đến một thời điểm bà có thể khấn hứa với Thiên Chúa là hoàn toàn tận hiến cho Ngài, cùng với những người khác, trong cộng đoàn, để phục vụ những người đau khổ, theo một cách thức đặc biệt và mới mẻ đối với thời đại của bà.[11]Bà nhận ra rằng những phụ nữ thánh hiến có thể phụng sự Thiên Chúa “đi đi-lại lại”, theo lối diễn tả của bà, nghĩa là không ở trong nội vi kín như tất cả các nữ tu thời đó.
Sau đó, theo dòng thời gian, Thiên Chúa, các sự kiện, Thánh Vinh Sơn Phao-lô và ngay cả chính những người nghèo khó cho phép bà xác định được điều mà Chúa Thánh Thẩn đã thổi cho bà và đã trở thành ơn gọi cho các Nữ Tử Bác Ái: tận hiến cho Thiên Chúa để phục vụ Chúa Giêsu Kitô nơi những anh chị em nghèo khổ về thể xác và tinh thần.
Chúng ta có thể nói rằng Ánh Sáng này đã được truyền tới tận ngày nay,
hầu mang màu sắc của thời đại chúng ta,
tại 97 quốc gia có các Nữ Tử Bác Ái hiện diện[12].
Xem video “THÁNH NỮ LOUISE DE MARILLAC, NHÀ THẦN BÍ CỦA CHÚA THÁNH THẦN”
(Còn tiếp)
[1] X. Elisabeth Charpy, Tiểu sử thánh Louise de Marillac, trang 16
[2] Nt. trang 17
[3] Thời đó, lễ thánh nữ Monica được mừng vào ngày 04.5
[4] Lời khấn trở thành nữ tu Capuxinô
[5] Đó là Đức Cha Pierre Camus, Giám Mục giáo phận Belley.
[6] Chúa Nhật 04.6.1623
[7] Nhà thờ thánh Nicolas-des-champs, quận 3 của Paris, nước Pháp.
[8] Ông Legras qua đời ngày 21.12.1625
[9] Thời đó, các nữ tu tận hiến cho Thiên Chúa đều phải tu kín trong đan viện.
[10] X. Elisabeth Charpy, Tiểu sử thánh Louise de Marillac, trang 19-22
[11] Thông điệp của Nữ tu Françoise Petit, BTTQ
[12] Thông điệp của Nữ tu Françoise Petit, BTTQ
()