09.6.2023 – THỨ SÁU TUẦN IX THƯỜNG NIÊN
Mc 12,35-37
“Chính vua Đa-vít gọi Đấng Ki-tô là Chúa Thượng” (Mc 12,37a)
CHIÊM NGẮM MẸ SỐNG TIN MỪNG:
Trong lịch sử Do thái, có một vị vua nổi tiếng vừa thánh thiện, vừa có công đánh đuổi ngoại xâm và thống nhất đất nước, đó là thánh vương Đa-vít. Ông đã sáng tác nhiều thánh vịnh được lưu truyền lại trong Kinh Thánh như là lời cầu nguyện chính thức của Dân Chúa. Ông là vị vua được Thiên Chúa sủng ái nhất và được Chúa hứa cho một dòng dõi trường tồn. Chính vì thế, người Do thái đã liên kết vị ngôn sứ của lời hứa với người con nối dòng của Đa-vít nơi một nhân vật là “Đấng Kitô” mà họ vẫn trông chờ, nhưng lại hiểu theo nghĩa chính trị.
Cũng với cách hiểu đó, giới lãnh đạo Do thái không nhìn nhận Chúa Giêsu là Đấng Kitô, vì Người không đáp ứng những điều họ tìm kiếm. Họ cũng đã tương kế tựu kế để gài bẫy và chất vấn Chúa Giêsu nhiều điều, nhưng không thể làm gì được Người. Hôm nay, Chúa Giêsu đặt vấn đề chất vấn họ về nguồn gốc thần linh và sứ mạng đích thực của Đấng Kitô. Người trưng dẫn thánh vịnh 110 của vua Đa-vit, nói về Đấng Mêsia (Kitô) là Vua và Thượng tế rằng: “Đức Chúa phán cùng Chúa Thượng tôi: bên hữu Cha đây, Con lên ngự trị, để rồi bao địch thù, Cha sẽ đặt dưới chân Con”. Và Chúa lập luận: “Chính vua Đa-vít gọi Đấng Ki-tô là Chúa Thượng, thì Đấng Ki-tô lại là con vua ấy thế nào được?”
Chính Thánh Thần đã linh hứng cho vua Đa-vít thấy cảnh huy hoàng của Đức Kitô chiến thắng và được đăng quang “bên hữu Thiên Chúa” như một ngôi vị thần linh. Đó là một viễn tượng mà ý nghĩa đích thật chỉ có thể được hiểu trọn vẹn sau biến cố tử nạn và Phục Sinh: Chúa Giêsu đã đánh bại tội lỗi và sự chết, Người được Chúa Cha phục sinh và tôn vinh, được ban cho một “danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu”, và mọi loài phải tuyên xưng Người là Chúa.[1] Tuy nhiên, để lời Kinh Thánh được nên trọn, Chúa Giêsu vẫn sinh ra trong dòng dõi vua Đa-vit,[2] và cũng nhiều lần người ta gọi Người là “con vua Đa–vit”.[3] Nhưng Chúa Giêsu chưa bao giờ tự nhận cho mình danh hiệu ấy, để khỏi làm cho người ta hiểu sai về Người, cho đến khi Người hoàn tất sứ mạng trên thập giá.
Chúng ta thật may mắn vì được nhận biết Chúa Giêsu là người thật sinh ra trong dòng dõi Đa-vít, đồng thời cũng là Thiên Chúa thật và là Đấng cứu độ của chúng ta. Tuyên xưng ngoài miệng là thế, nhưng có thể ta lại không tôn thờ Người: không thực hành giáo huấn của Chúa, hoặc không dám nhận mình là người có đạo, chỉ vì thích chạy theo sự giả trá, tìm kiếm lợi lộc vật chất, vun vén cho cuộc sống chóng qua này… Nếu chọn bước theo Chúa, sống vâng phục và hiệp thông trong Giáo Hội, thực hành sự công chính và đôi khi chịu thiệt thòi, chắc chắn ta sẽ được tham dự vào vinh quang Phục Sinh, và được dự phần vinh phúc với Đức Kitô, Người là Chúa và là Đấng Cứu Độ chúng ta.
Dù được làm mẹ Đấng Cứu Thế, Đức Maria vẫn ý thức và xác tín Người là Thiên Chúa của mình. Chính vì thế, Mẹ luôn dành cho Người sự tôn thờ đối với Thiên Chúa. Mẹ chiêm ngắm và suy niệm trong lòng những lời nói và hành động của Người để tìm biết ý Chúa. Khi hành động của Chúa trở nên quá khó hiểu, như khi Người tự ý ở lại Đền Thờ, Mẹ không lấy quyền làm mẹ để trách mắng, mà chỉ trình bày nỗi lo lắng đau khổ vì không hiểu được ý của Người: “Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy?…” Rồi Mẹ lắng nghe sự mặc khải của Chúa: “Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?”[4]
SỐNG TIN MỪNG VỚI MẸ:
Noi gương Mẹ Maria, tôi có thái độ cung kính khi lắng nghe và suy niệm Lời Chúa, khi viếng và chầu Thánh Thể, khi tham dự Thánh Lễ…
CẦU NGUYỆN VỚI MẸ:
Lạy Mẹ Thiên Chúa, xin giúp con mỗi ngày thêm xác tín vào Chúa Giêsu là Thiên Chúa, biết cung kính tôn thờ Chúa các xứng hợp, và xin Mẹ dẫn con vào sâu trong tương quan cá vị với Chúa hơn. Amen
Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.
[1] X. Pl 2,9-11
[2] X. Mt 1,1-16; Lc 3,23-38
[3] X. Mc 10,47-48; Mt 21,9
[4] Lc 2,48
()