08.7.2023 – THỨ BẢY TUẦN XIII THƯỜNG NIÊN
Mt 9,14-17
“…tới ngày chàng rể bị đem đi, bấy giờ họ mới ăn chay.” (Mt 9,15)
CHIÊM NGẮM MẸ SỐNG TIN MỪNG:
Chúng ta thường thấy các cặp sinh đôi rất giống nhau, nhưng trong Cựu Ước, cặp song sinh Ê-xau và Gia-cóp lại hoàn toàn khác biệt từ màu da, ánh mắt, mái tóc cho đến tính cách và sở thích hằng ngày. Gia-cóp trắng trẻo, lịch lãm nên được mẹ yêu hơn. Ngược lại, Ê-xau da đỏ, mình đầy lông, tính bộc trực, ưa săn bắn. Người cha thương Ê-xau, vì ông thích ăn thịt rừng, và ông muốn dành lời chúc phúc đặc biệt cho Ê-xau. Tuy nhiên, người mẹ muốn đoạt lời chúc phúc ấy cho Gia-cóp, nên đã hóa trang cho Gia-cóp để đánh lừa người cha mù lòa, và Gia-cóp đã nhận được lời chúc phúc.[1]
Xét về phía con người, Gia-cóp thật đáng trách vì đã lừa cha và anh. Nhưng trong kế hoạch của Thiên Chúa, Ê-xau không xứng đáng nhận lời chúc phúc, vì cậu không trân trọng lời chúc phúc dành cho trưởng nam. Cậu đã từng đánh đổi quyền trưởng nam để lấy một bát cháo đậu của Gia-cóp.[2]
Vâng, ơn ban của Thiên Chúa chỉ dành cho những kẻ xứng đáng lãnh nhận. Vì thế, người Do Thái khi cầu xin ơn gì, họ thường thực hành chay tịnh với vẻ u sầu buồn bã, như một hình thức sám hối cụ thể để mong được Chúa nhận lời. Nhiều người Do thái đạo đức ăn chay để mong chờ Đấng Thiên Sai. Ông Gioan Tẩy Giả và các môn đệ cũng ăn chay rất nghiêm ngặt.[3] Thế mà Chúa Giêsu và các môn đệ của Chúa thì chẳng có vẻ gì là khổ hạnh.
Vì thế, các môn đệ của Gioan đến thắc mắc với Chúa Giêsu về điều đó. Đức Giê-su trả lời: “Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể than khóc, đang khi chàng rể còn ở với họ? Nhưng khi tới ngày chàng rể bị đem đi khỏi họ, bấy giờ họ mới ăn chay” (c.15). Đức Giêsu mặc khải cho họ biết Người chính là Chàng Rể trong tiệc cưới Nước Trời, như thánh vịnh 85 đã nói tới cuộc gặp gỡ giữa Trời và Đất, là cuộc giao duyên giữa công lý và hòa bình, giữa ân tình và tín nghĩa… Trong tiệc cưới ấy, các môn đệ là bạn của Chàng Rể và cũng là những khách dự tiệc, họ phải có thái độ vui mừng và y phục xứng hợp.
Gia-cóp hóa trang để thay đổi bản thân cho giống Ê-xau vì lợi ích riêng, nên việc thừa hưởng lời chúc phúc vẫn chưa trọn vẹn. Việc chay tịnh đưa ta đến chỗ chế ngự và thay đổi bản thân cho phù hợp với ý Chúa, vì yêu mến Chúa và tha nhân. Đó chính là “rượu mới” mà Chúa Giêsu đổ vào lòng chúng ta. Điều quan trọng là ta trở nên “bầu da mới”, như Chúa Giêsu đã từng ăn chay 40 ngày trước khi bắt đầu sứ vụ.[4]
Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nói về ý nghĩa của sự chay tịnh trong bài giáo huấn hồi tháng 3 năm 1979: “Chay tịnh là khước từ khoái cảm, các kích thích lạc thú và ngay cả của ăn thức uống, tự nó không phải là mục đích, nhưng nó phải mở đường cho những giá trị sâu xa hơn mà con người nội tâm cần phải được nuôi dưỡng. Một sự khước từ, một sự hãm dẹp thân xác như thế, phải giúp tạo nên trong con người những điều kiện, để có thể sống những giá trị cao cả mà nó hằng khao khát”.[5]
Bước theo Chúa Giêsu, Mẹ Maria đã sống chay tịnh trong tinh thần khiêm nhường, vâng phục và bác ái. Mẹ luôn biểu lộ niềm vui và hạnh phúc khi cưu mang Chúa Giêsu. Cho dù phải đối diện với biết bao khó khăn và cả nguy hiểm đến tính mạng, bài Magnificat của Mẹ vẫn không ngừng vang lên: “Linh hồn tôi ngợi khen Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng trong Chúa là Đấng cứu chuộc tôi…”[6]
SỐNG TIN MỪNG VỚI MẸ:
Noi gương Mẹ, tôi thể hiện niềm vui vì được kết hợp với Chúa, đồng thời xét mình và hoán cải mỗi ngày cho đẹp lòng Chúa hơn.
CẦU NGUYỆN VỚI MẸ:
Lạy Mẹ Maria, xin giúp con năng kết hiệp với Chúa Giêsu qua việc cầu nguyện, tham dự thánh lễ và rước lễ, để “Chàng Rể Giêsu ở với con” mọi nơi mọi lúc, và qua đời sống vui tươi của con, Chúa Giêsu cũng luôn hiện diện trong thế giới này. Amen
Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.
[1] St 25,25-28; 27,15-29
[2] X. St 25,29-34
[3] X. Mt 3,4
[4] X. Mt 4,2
[5] https://tgpsaigon.net/bai-viet/thu-bay-tuan-13-thuong-nien-nam-ii-mt-9-14-17-63831
[6] Lc 1,46-55
()