Mahatma Gandhi (1869- 1948)

Bạn thân mến, Mahatma Gandhi là 1 trong 100 nhân vật có ảnh hưởng nhất thế giới thế kỷ 20 theo bình chọn của tạp chí Time.

Ông là vị anh hùng giải phóng dân tộc Ấn Độ khỏi ách thống trị của Anh quốc, cha đẻ của phong trào đấu tranh bất bạo động. Khi chia sẻ về Kitô Giáo, ông đã nói rằng: Tôi thích Chúa Kitô của bạn; tôi không thích các bạn, những Kitô hữu. Các bạn, những người Kitô hữu không giống như Chúa Kitô của các bạn. Trong quyển “Tự thuật” của mình ông còn kể lại rằng, ông rất say mê Kinh Thánh, Bài Giảng Trên Núi hay còn gọi là Tám Mối Phúc Thật là niềm cảm hứng cho thuyết đấu tranh bất bạo động của ông. Ông xác tín rằng Kitô Giáo chính là giải pháp cho các vấn đề tồn tại trong xã hội Ấn Độ bao thế kỷ qua. Ông đã nghĩ tới việc gia nhập Giáo Hội Công Giáo. Nhưng một lần nọ, khi vừa bước vào nhà thờ để tham dự Thánh Lễ thì một người da trắng chặn ông lại và nói:  “Nếu ông muốn tham dự thánh lễ thì hãy tìm đến nhà thờ dành cho người da màu. Vậy là Gandhi đã ra khỏi nhà thờ và không bao giờ trở lại với bất cứ nhà thờ nào nữa.[1]

 Câu chuyện về Mahatma Gandhi chắc hẳn đã gợi cho ta không ít những băn khoăn, suy nghĩ và đâu đó phảng phất một nỗi buồn tê tái. Giáo Hội đã mất đi một tín hữu tốt lành, người mà có thể làm cho cả một dân tộc trở về với Chúa, chỉ vì đó là người “da mầu”. Tại sao mầu da lại là một “rào cản” đến với Thiên Chúa? Ai có quyền làm trọng tài ở đây?

Tuy nhiên, câu chuyện trên không chỉ là câu chuyện lịch sử của hậu bán thế kỷ 19 sang tiền bán thế kỷ 20 mà còn phản ảnh thực trạng sống đạo của người Công Giáo chúng ta thế kỷ 21 này. Đâu đó chính chúng ta trong nhiều hoàn cảnh khác nhau: hạnh phúc hay đau khổ, thành công hay thất bại… trong nhiều môi trường khác nhau: nông thôn hay thành thị, gia đình hay công sở, trường học hay bệnh viện… cũng đang là “rào cản” nhiều người đến với Thiên Chúa, Cha của chúng ta và cũng là Cha của họ nữa.

Bạn có nghĩ như vậy không? Có bao giờ bạn và tôi giống như người da trắng trong câu chuyện trên làm cho ai đó thay vì đến gần Cha, lại tránh xa Cha vì cung cách hành xử của chúng ta không đúng là  con cái của Cha?

  • Đó có thể là một lần làm dấu vụng về, dấu diếm vì không dám tuyên xưng danh tính Công Giáo của mình.
  • Đó có thể là những lần ùa theo những câu chuyện xấu xí, dung tục nơi công sở; hay có thể là những chia sẻ hời hợt, sáo rỗng vô thưởng vô phạt trên mạng xã hội…
  • Đó có thể là những lần chúng ta kỳ thị người anh, chị, em; chỉ vì họ khác tôn giáo với chúng ta, khác mầu da, sắc tộc với chúng ta, khác giới tính và nhiều thứ khác nữa…

So với người tín hữu của những thế kỷ trước, chúng ta đã tiến xa và cao về nền văn minh khoa học, nhưng lại tụt hậu về nền “văn minh tình thương”. Chúng ta đã không vượt qua được những “rào cản” để đến với những người anh chị em kém may mắn hơn chúng ta về mặt này, mặt khác, để cùng nắm tay nhau đi tới Thiên Chúa là Cha của chúng ta.

Thật vậy, vào những năm đầu thế kỷ 19, kỹ thuật, khoa học đang triển nở bên trời Âu, bước đường danh vọng của nhiều người, cách riêng người trẻ, có rất nhiều triển vọng đi lên rất nhanh. Chính trong bối cảnh này, một thanh niên người Ý, 18 tuổi, con nhà quyền quí, đã không kỳ thị, không khinh bỉ những người da mầu, những người khốn khổ trong xã hội. Ngược lại, cậu hướng lòng đến họ, tìm cách phá bỏ mọi rào cản mầu da, sắc tộc để nối liền con đường và cùng họ đi đến với Chúa. Chính vì vậy, cậu đã gia nhập Tu Hội Truyền Giáo  và được chịu chức linh mục năm 24 tuổi. Đó chính là thánh THÁNH GIÚT-TI-NÔ GIA-CÔ-BÍT.

GIÚT-TI-NÔ GIA-CÔ-BÍT (1800-1860)
Lễ nhớ hằng năm: 30.7

Sau 15 năm phục vụ hăng say tại miền nam nước Ý, thời gian có bệnh dịch hạch kéo dài; cha được bề trên sai đến Phi Châu. Cha đã học ngôn ngữ và lao động với dân chúng địa phương để có những tương quan tốt với họ. Vào thời đó, cha là người đi tiên phong trong việc hội nhập văn hóa để rao giảng Tin Mừng. Cha sử dụng những truyền thống văn hóa của dân địa phương từ tiếng nói, trang phục đến nếp sống, đúng là làm người da đen với người da đen. Cha cũng là vị tiền hô vĩ đại về đối thoại đại kết giữa người Công Giáo và các Kitô hữu khác. Mười năm sau, cha được thụ phong Giám Mục. Trong suốt 21 năm, Đức Cha Giút-ti-nô Gia-cô-bít  đã làm sinh động hóa cộng đoàn Kitô hữu thiểu số ở đó, dù gặp rất nhiều đau khổ. Ngài dâng hiến cuộc đời cho Thiên Chúa và cho đoàn chiên được trao phó. Ngài đã viết trong một lá thư mục vụ:Anh chị em là chủ cuộc đời tôi, vì Thiên Chúa đã ban cho tôi sự sống này vì anh em”.

Ngài đã qua đời trong một chuyến đi kinh lý mục vụ năm 1860. Được phong Chân Phước năm 1939 và được ĐTC Phaolô VI tuyên phong hiển thánh ngày 26.10.1975. 

Bạn ơi, hãy chặt bỏ hết những rào cản nơi bạn và xung quanh bạn nhé. Chúng ta sẽ có một con đường nối liền đưa mọi người chúng ta cùng bước vào nhà CHA CHÚNG TA. Ôi! Vui quá!


[1] Nhà thờ cho người da màu. http://vntaiwan.catholic.org.tw/lesong/05lesong5.htm