fbpx

HƯỚNG TỚI NGÀY GIỖ THỨ 364 CỦA THÁNH VINH SƠN PHAOLÔ – KỲ 1

CẦU NGUYỆN 15 NGÀY VỚI THÁNH VINH SƠN
Jean-Pierre Renouard, CM


Cha Jean-Pierre Renouard, CM
(09.7.1922 – 30.6.2014)

Vài hàng về tác giả và nội dung sách:

Cha Jean-Pierre Renouard là linh mục thuộc Tu Hội Truyền Giáo thánh Vinh Sơn, được sinh ra ngày 09.7.1922, tại Paris, nước Pháp và mất ngày 30.6.2014, tại quận 14, Paris, nước Pháp[1]. Cha say mê học hỏi, nghiên cứu Linh Đạo Vinh Sơn và phổ biến thông điệp của Thánh Vinh Sơn Phaolô, vị thánh vùng Landes.

Trong cuốn sách “15 ngày cầu nguyện với Thánh Vinh Sơn” này, gồm 15 bài suy niệm:

  • Ba bài đầu giúp đào sâu thêm đức tin của chúng ta từ kinh nghiệm của thánh nhân,
  • Sáu bài tiếp theo giải thích sự hoán cải sâu xa của tâm hồn: Cha Vinh Sơn sống hoàn toàn hiến thân cho Thiên Chúa và người nghèo, và lôi kéo chúng ta đi theo ngài,
  • Ba bài nói về động cơ đời sống của ngài là cầu nguyện,
  • Ba bài cuối cùng đưa chúng ta vào tình yêu của ngài đối với chức linh mục, các nhân đức nền tảng và một công việc của Giáo Hội được thực hiện[2].

Cùng với tác giả, chúng ta nhìn thoáng qua về cuộc đời Thánh Vinh Sơn Phaolô, để cầu nguyện với ngài trong 15 ngày sắp tới và hướng về ngày giỗ lần thứ 363 của ngài. Xin ngài phù hộ cho chúng ta được cháy lửa kính mến Chúa và yêu thương người nghèo như ngài. 

NHÌN THOÁNG QUA
VỀ MỘT CUỘC ĐỜI

            Từ hơn ba thế kỷ, Cha Vinh Sơn vẫn ở giữa chúng ta! Không có năm nào trôi qua mà không có một tác phẩm mới được xuất bản, một bài viết mới được phổ biến để đào sâu thêm một quá khứ đã quen thuộc, bằng cách chiếu một ánh sáng mới trên một cuộc đời tràn đầy sức sống và nhiều hoạt động rất khác nhau. Bí mật của sự nở rộ này nằm trong đức bác ái của ngài “sáng tạo đến vô tận“, như tình yêu Thiên Chúa. Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II đã nói điều này như sau: “Các thánh không qua đi… Tên của sức mạnh chống lại luật bất biến “mọi sự đều qua đi” là gì? Tên của sức mạnh này là tình yêu“. Vậy tại sao cần phải nói thêm điều gì nữa?

            Quyển sách nhỏ này muốn đem ra ánh sáng linh hồn của linh đạo ngài. Cha Vinh Sơn, vĩ nhân của đức bác ái này là một nhà thần bí đích thực, một người cầu nguyện thật sự. Chiêm niệm là động cơ của cuộc đời ngài và giải thích hành động cũng như sự hiểu biết của ngài về con người.

Ngài sinh vào tháng tư năm 1581, trong một gia đình kitô giáo. Cũng hoàn hảo như các gia đình kitô giáo trong làng nguyên quán của ngài ở Pouy, gần thành Dax. Ngài là người con thứ ba trong gia đình Depaul, tá điền trong làng, sống trong trang trại nhỏ Ranquines, bằng nghề trồng cỏ kê và rau cải, nhặt củi trong khu đất của xã và nuôi một ít gia súc, vừa chăm sóc bò cày ruộng vừa chăn cừu và heo như trong truyện cổ tích. “Tôi đã từng chăn heo“, cha Vinh Sơn thích lặp lại điều này. Được rửa tội ngay hôm sau ngài ra đời, ngài thừa hưởng một nền đào tạo vững chắc, một tấm gương cương trực, tình yêu lao động, và tình thương của cha mẹ ngài, Ông Jean Depaul và Bà Bertrande Demoras. Một người bác của ngài làm tu viện trưởng một tu viện, nơi dừng chân trên đường hành hương Saint-Jacques, Poymartet, cách căn nhà nhỏ của ngài bốn dặm rưỡi. Nhờ người bác này, nền giáo dục kitô giáo của ngài được củng cố và ngài có được những khóa học tiếng la-tinh. Trí thông minh của ngài được phát huy. Khi thấy ngài có khả năng suy tư và có khuynh hướng về đời tu, người ta dĩ nhiên nghĩ đến chức linh mục và, thông đồng với ngài, người ta gởi ngài đến trường trung học Cordeliers ở thành phố Dax, cách đó chỉ sáu cây số. Ngài học xuất sắc đến mức độ được mời làm gia sư cho các con Ông De Comet mà mẹ ngài kết thông gia. Đến mười lăm tuổi, ngài kết thúc chương trình trung học và lãnh các chức nhỏ trong kinh sĩ đoàn Bidache, từ tay đức tân giám mục Tarbes, bạn của gia đình Demoras. Nhờ cha ngài bằng lòng bán một cặp bò để đóng tiền học đại học cho ngài, nên mới 15 tuổi rưỡi, ngài đã vào đại học Toulouse. Để có thể tiếp tục học, ngài mở một nhà trọ có tính cách gia đình tại Buzet. Có thể ngài có học vài tháng tại đại học Saragosse. Dù sao đi nữa, ngài đậu tú tài thần học và vì thế được cấp phép dạy học. Sau khi chịu chức phụ phó tế và phó tế tại Tarbes, ngài thụ phong linh mục lúc 19 tuổi từ tay Đức Cha François de Bourdeilles, giáo phận Périgueux, ngày 23 tháng chín 1600. Chúng ta hãy để cho các sử gia lo việc giải thích tại sao ngài đuổi theo nhiều giám mục như thế. Tính khí mạo hiểm của ngài chắc chắn cho chúng ta hiểu được điều ấy như nó sẽ khiến ngài thoát khỏi “sự kiểm tra gắt gao của lịch sử” từ 1605 đến 1608… trong trường hợp ngài bị bắt làm nô lệ, một biến cố có thể giả định mà cũng có thể có thật!

            Khi chúng ta gặp lại ngài ở Paris đầu năm 1608, ngài đang tìm một chỗ ở và một mái nhà. Những người Gascon đồng hương và các mối quan hệ đầu tiên của ngài, vốn được nối kết ngay từ thuở nhỏ, với người quyền thế, đã giúp ngài gặp được cha Bérulle, một người rất có ảnh hưởng sâu sắc về linh đạo. Một sự va chạm đầu tiên với thủ đô làm cho ngài lung lay. Thật không may, ngài bị tố cáo trộm cắp một cách vô cớ. Một thử thách như thế làm thành vết nhăn sâu nơi ngài và khiến cho ngài có khả năng chia sẻ sự bất công mà kẻ yếu đuối phải thường xuyên gánh chịu. Ngoài trường học đầu tiên này chẳng bao lâu nữa còn có thêm thử thách của đức tin. Trong lúc làm người phân phát nhỏ các của bố thí tại cung hoàng hậu Margot, ngài tìm cách cứu giúp một người bạn thần học gia đang bối rối trong những sự ngờ vực về đức tin. Ngài chống đỡ, khuyên bảo, giúp người ấy và, như là phương sách cuối cùng, ngài hiến mình cho Chúa để làm vật hy sinh thay thế. Chúa vội thực hiện điều ngài ước mong và trong một thời gian lâu dài, vị linh mục trẻ sống trong đêm tối đức tin. Ngài ra khỏi đó khi biết rõ ràng ơn gọi của mình: “hiến thân suốt đời, vì tình yêu Chúa, để phục vụ người nghèo.”

            Kể từ nay, ngài ưu tiên chọn người nghèo. Bấy giờ ngài hết sức thoải mái trong giáo xứ Clichy mà ngài được Bérulle sai đến! Ở đó, ngài mở các lớp mục vụ và chỉ rời bỏ các giáo dân của ngài, năm 1613, để phục vụ gia đình Gondi, là những nhân vật rất có ảnh hưởng, nếu nói được như vậy. Tướng quân là Chỉ huy trưởng các thuyền chiến Pháp; phu nhân của Tướng quân, có tính hay bối rối và rất nhạy cảm, quản lý tài sản về vật chất và tinh thần; như vậy, Cha Vinh Sơn được bổ nhiệm làm gia sư cho các con. Một việc làm mà Chúa Quan phòng sử dụng để đưa ngài đến bên giường bệnh một nông dân sắp qua đời. Người này rất lo âu vì một lỗi chưa thú nhận trong khi ông sắp từ trần. Ông ta được xưng tội với Cha Vinh Sơn vào phút chót và mừng rỡ kể lại điều này với Bà Gondi. Tình huống này làm cho cả hai người đều khám phá cảnh nguy khốn tinh thần của người nghèo. Hôm sau, tại Folleville, ngài khuyên bảo giáo dân xưng tội chung. Vị linh mục thấy một đường lối mới, đó là bổn phận khẩn thiết đi truyền giáo. Chúng ta đang ở vào tháng giêng năm 1617, năm xảy ra tất cả các cuộc khám phá. Sáu tháng sau, luôn luôn dưới ảnh hưởng của Bérulle, giờ đây ngài phục vụ giáo xứ Châtillon-les-Dombes. Lời kêu gọi nồng nhiệt của ngài lôi kéo giáo dân đến bên một gia đình bệnh tật. Như một nút chặn bật ra, một phong trào vị tha đẹp đẽ có tổ chức được phát động và giờ đây ngài cho ra đời “hội Bác ái” đầu tiên, gồm một nhóm các bà có thế giá trong giáo xứ, sẵn sàng làm việc từ thiện có tổ chức. Lúc 36 tuổi, kể từ nay ngài có hai chìa khoá hoạt động tông đồ: phục hồi nhân phẩm cũng như khôi phục đức tin của người đã chịu phép rửa. Khi trở về nhà gia đình Gondi, ngài trở thành nhà truyền giáo và người sáng lập các hội bác ái. Ngài sai các bà có địa vị đi trên các nẻo đường phục vụ. Ngài khám phá ơn gọi đích thực của ngài, bắt đầu tìm hiểu các biến cố bỗng nhiên đặt dấu mốc cho lộ trình thiêng liêng của ngài: đó là sáng lập Tu Hội Truyền giáo năm 1625, Tu Hội Nữ tử Bác ái năm 1633. Những nhân vật danh giá đi qua đời ngài: thánh Phanxicô Salêsiô, André Duval, tiến sĩ đại học Sorbonne, cố vấn tinh thần của ngài, và nhất là Louise de Marillac, một quả phụ trẻ có đức tin cũng mãnh liệt như tính nhạy cảm của bà, sẽ trở thành cánh tay phải của ngài nếu không phải là người tiếp nối ngài trong tất cả những gì liên quan đến việc từ thiện bác ái. Từ sáng lập này đến sáng lập khác, đặc sủng Vinh Sơn càng trở nên tinh tế hơn. Thánh nhân trở thành đấng sáng lập dòng tu. Không có gì có thể làm cho ngài rời xa suy luận bác ái của ngài. Việc đánh thức đức tin mọi người đòi hỏi phải có những mục tử tốt lành. Không sao, ngài chuẩn bị các linh mục tiến chức ngay từ năm 1632 trong khi nhà Saint-Lazare trở thành cơ sở chỉ huy của ngài; năm 1633 ngài khai mạc tại đây các cuộc “Hội thảo ngày Thứ Ba”, và mở các chủng viện đầu tiên. Trên con đường bác ái thẳng tiến, ngài đặt để công trình các Trẻ em bị bỏ rơi, cứu giúp vùng Lorraine rồi vùng Picardie, vùng Champagne và Ile-de-France đang nguy khốn, xúc tiến một cuộc vận động cho hoà bình đến mức độ phải chịu sự trừng phạt của Mazarin, và được bổ nhiệm làm tổng tuyên uý các chiến thuyền của nhà vua. Ngài trở thành người của mọi hoàn cảnh! Khi vua Louis XIII băng hà, ngài có mặt bên cạnh nhà vua lúc hấp hối, giờ đây ngài được bổ nhiệm vào Hội đồng lương tâm, cơ quan xét xử của nhà vua phụ trách cố vấn về giáo sĩ trong vương quốc. Ảnh hưởng của ngài gia tăng trên bình diện giáo hội, đạo lý và chính trị. Ngài dám đề nghị và chi phối các vụ bổ nhiệm giám mục. Các “Hội Bác ái” ở nông thôn trở thành hội “Các Bà Bác ái” ở Paris; 10.000 người nghèo được nuôi ở Saint-Lazare, 15.000 người nghèo được cứu giúp trong thủ đô; Nữ Tử Bác Ái mở các trường học nhỏ và đi tới các chiến trường. Còn các cha truyền giáo thì dũng cảm ở Ý, Ái Nhĩ Lan, Ba Lan, xứ Barbaria và Madagascar. Lòng nhiệt thành của ngài tung các anh em ra tất cả các mặt trận của cảnh khốn khổ. Từ Saint-Lazare, ngài khuyến khích, nâng đỡ, kích thích, cảnh cáo và thúc giục các con cái của ngài; ngài có thể viết hơn 30.000 bức thư mà hậu thế chỉ giữ lại được một phần mười. Mỗi tuần hai lần, ngài khích lệ các cha Truyền giáo và các Nữ Tử Bác Ái qua những cuộc nói chuyện hoặc những bài huấn đức. Ngài để lại những chỉ thị thiêng liêng xuyên qua “các Quy luật chung” của Tu Hội Truyền giáo của ngài. Và khi an nghỉ ngày 27 tháng chín 1660, ngài để lại một công trình bao la mà làn sóng của cuộc va chạm vẫn còn vang dội. Trong tiềm thức tập thể, ngài vẫn là “người cha của kẻ nghèo” và tất cả các bạn của ngài đều biết về bài ca tụng ngài đầu tiên xuất hiện tại Paris, ngày 23 tháng mười một 1660, của Đức Cha Henri de Maupas du Tour, giám mục Puy: “Hầu như cha Vinh Sơn đã thay đổi bộ mặt Giáo Hội!”

            Gia đình thiêng liêng của ngài ngày nay vẫn rộng lớn: 4.000 tu sĩ Tu Hội Truyền giáo (lazaristes), 25.000 Nữ Tử Bác Ái, 260.000 phụ nữ thuộc các nhóm Thánh Vinh Sơn, thừa kế các Bà Bác ái; theo trường phái ngài có hơn 930.000 thành viên kế thừa thiêng liêng của chân phước Frédéric Ozanam, các hội viên Hiệp hội thánh Vinh Sơn Phaolô; 200.000 người thuộc Hội Con Đức Mẹ. Và, có khoảng 268 tu hội nhận ảnh hưởng của ngài. Một chòm sao những công trình sáng lập! Một bằng chứng tình yêu!

(Còn tiếp)


[1] https://en.wikipedia.org/wiki/Jean-Pierre_Renouard

[2] X. Cầu nguyện 15 ngày với Thánh Vinh Sơn, trang bìa sau. ()

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *