CẦU NGUYỆN 15 NGÀY VỚI THÁNH VINH SƠN
Jean-Pierre Renouard, CM
Ngày thứ năm
NIỀM ĐAM MÊ NƯỚC TRỜI
A! Lạy Chúa, xin kéo chúng con theo Chúa, xin ban cho chúng con ơn được noi gương Chúa và tuân giữ quy luật của chúng con, để chúng con tìm kiếm Nước Chúa và công lý của Nước Chúa, và phó thác mọi sự vào Nước Chúa; xin hãy làm cho Chúa Cha ngự trị trong chúng con và chính Chúa cũng hãy ngự trị trong chúng con, đồng thời làm cho chúng con được ngự trị trong Chúa bằng đức tin, đức cậy và đức mến, bằng đức khiêm nhường, đức vâng lời và sự kết hiệp với Chúa Chí Tôn. Và như thế, chúng con có cơ sở để hy vọng một ngày kia sẽ ngự trị trong vinh quang Chúa, vì Chúa đã cho chúng con xứng đáng được hưởng nhờ máu quí báu của Chúa. Đó là, anh em thân mến, điều chúng ta phải xin Chúa trong giờ nguyện gẫm; và suốt ngày, từ lúc thức dậy, tự nhủ: “Tôi sẽ làm sao để Chúa toàn quyền ngự trị trong tâm hồn tôi? Tôi cũng sẽ làm sao để sự hiểu biết và yêu mến Đức Giêsu Kitô lan rộng khắp thế gian? Lạy Chúa Giêsu nhân lành của con, xin hãy dạy con biết làm và thực hiện điều này!” (XII, 147-148).
Vinh Sơn là một người đam mê và quà tặng này của Chúa cho chúng ta thấy khuôn mặt đích thực của ngài. Chính ngài thú nhận: “Tôi hay nổi nóng, tôi hay thay đổi, tôi hay than phiền, tôi hay trách móc” (XII, 187). Với tâm hồn của người Gascogne, ngài có cá tính riêng! Ngài có các đức tính của kẻ mạnh: can đảm, táo bạo, cương quyết, hơi liều lĩnh và, trên hết, nhiệt thành, hăng hái. Ngài không chịu đựng được biện pháp nửa vời, và muốn luôn luôn ở trên thực địa, sẵn sàng đương đầu, xung phong đứng đầu chiến tuyến, hô hào, thúc giục, xông ra trận chống lại “sự dửng dưng” và không chịu đựng được “những người tìm kiếm bóng mát“: “Khi có được tất cả những sự thoải mái như vậy, thì làm sao trở thành một nhà truyền giáo được?” (XI, 201). Người ta đã bàn tán quá nhiều về chính sách đợi thời, nhịp độ chậm chạp của ngài. Thật vậy, ngài suy nghĩ, tính toán với thời gian, nhưng một khi đã hiểu rõ mục đích từng chi tiết, thì ngài không còn tránh né nữa. Ngài đặt cho mình nguyên tắc kép này: “Có hai điều cần xem xét, đó là không những làm việc thiện, mà còn phải làm việc này thật tốt” (XI, 442). Ngài là con người hoạt động và kiên trì. Vì thế, ngài muốn hoạt động cũng như thúc đẩy người khác hoạt động, và ngoan cường trong hành động. Con người ngài chỉ là sự căng thẳng và ngoan cố. Đó là tính cách riêng của người đam mê. Một trong các nhà viết tiểu sử của ngài đã gọi ngài là: “con người hành động”. Phải đi theo ngài trên các nẻo đường truyền giáo, từ làng này đến làng khác, từ nhà thờ này đến nhà thờ khác, từ nhà này đến nhà khác. Nhà mẹ Saint-Lazare sẽ phát động khoảng 700 cuộc truyền giáo và đích thân Vinh Sơn sẽ tham gia khoảng một trăm cuộc trước năm 1632. Lúc 72 tuổi, ngài đi giảng thuyết ở Sevran. Ai nói thấy ngài gắn chặt vào văn phòng của ngài ở ngoại thành Paris thì thật sai lầm! Ngài đi qua các đường phố thủ đô từ cửa Saint-Denis đến Palais-Royal với một sự cương quyết đã từng thúc giục lòng đạo đức bình dân: ngài xuống xe ngựa để cứu giúp một người nghèo và chia sẻ với người ấy chiếc xe mà ngài gọi là “sự sỉ nhục” của ngài. Ngài không ngần ngại ngồi vào bàn đức vua ở Hội đồng lương tâm, là nơi đưa ra các quyết định liên quan đến hàng giáo sĩ, để làm việc tông đồ công khai, một cách nào đó, ngài trở thành bộ trưởng bộ tôn giáo… Ngài cổ vũ các bà quý tộc và trưởng giả, van xin họ duy trì việc theo dõi giúp đỡ trẻ em bị bỏ rơi; ngài giảng dạy các thành viên của Những buổi Hội Thảo Ngày Thứ Ba”, là nơi bồi dưỡng các giám mục; ngài kêu mời các anh em yêu quý nhất của ngài, Mathurin Regnard và Jean Parre, đến với công tác truyền giáo nguy hiểm cho những người tỵ nạn khốn khổ ở các tỉnh lâm nạn vùng Lorraine, Champagne, Picardie và Ile-de-France. Ngài có mặt trên mọi công trường và giám sát chặt chẽ hay từ xa tất cả các công trình. Jean Anouilh, viết những câu đối thoại trong phim Cha Vinh Sơn, đã không sai lầm, khi tìm thấy nét thiên tài ấy cuối cuộc nói chuyện buồn nhớ quá khứ giữa vĩ nhân của đức bác ái và bà hoàng hậu nước Pháp, bên cạnh một lò sưởi mà ngọn lửa tàn lụi dần như chính cuộc đời họ :
– Tôi đã ngủ! Tôi đã ngủ mê, thưa Bà… ! Vâng, thưa Bà, tôi đã không làm gì cả!
– Vậy thì phải làm gì trong một đời người, thưa Cha, phải làm một điều gì?
– Phải làm nhiều hơn nữa, thưa Bà! Chúng ta hờ hững kinh khủng!
Phải làm nhiều hơn nữa, thưa Bà!
Chúng ta hờ hững kinh khủng!
Ở đây, chúng ta đang ở giữa cái “nhiều hơn nữa” của thánh Inhaxiô de Loyola mà Vinh Sơn đã biết đến: “Điều chúng ta sắp tìm, đó là làm nhiều hơn nữa theo thánh ý Chúa, nghĩa là yêu mến “nhiều hơn nữa” “(Linh thao, số 23, 7). Trên thực tế, Cha Vinh Sơn cầu nguyện như sau: “Ôi lạy Chúa Cứu Thế, xin Chúa đừng cho phép chúng con lạm dụng ơn gọi của mình” (XI, 342).
Ngài có hấp tấp chăng? Đúng hơn, ngài quá nhiệt thành. Ngài quá “hăng hái “; yêu điên cuồng hành động đã được chuẩn bị, đã chín muồi dưới ánh nắng của suy gẫm. Ngài đặt chúng ta trong tình trạng thiêu đốt, mắt gắn chặt vào tương lai Nước Chúa, và ngài tóm tắt điều này trong những công thức ngắn gọn và cổ động: “Chúng ta phải hoàn toàn thuộc về Chúa và phục vụ công chúng …” (XI, 402) và: “Chúng ta hãy cố gắng tự sinh động hóa bằng tinh thần sốt mến” (XII, 321). Ngài sử dụng một từ vựng rất diễn cảm, sẵn sàng dùng chữ “lửa” và các từ phát sinh: “linh hồn bị đốt cháy, nung đốt, thiêu hủy…”. Tâm hồn ngài mở rộng, và ngài ước mong tâm hồn các Cha Truyền giáo của ngài cũng “rộng lớn”. Năm 1657, ngài khuyến khích họ: “Phải… chuẩn bị sẵn sàng đi đến bất cứ nơi nào đẹp lòng Chúa, hoặc ở Ấn Độ hoặc ở nơi nào khác, cuối cùng vui lòng hy sinh phục vụ tha nhân, để mở rộng vương quốc Đức Giêsu Kitô trong các linh hồn” (XI, 402).
Thật ngạc nhiên! Chủ đề tử vì đạo rất được triển khai nơi nhà thần bí thực thụ này. Ngài nói về “tinh thần tử vì đạo” như một điều hiển nhiên đối với ngài và các con cái của ngài: “Xin Chúa phù hộ, các Cha và các Thầy thân mến, tất cả những ai đến để thuộc về Tu Hội, đến với Tu Hội trong tư tưởng tử vì đạo” (XI, 371). Ngài bức xúc vì ý tưởng tận hiến này đến mức độ nghĩ ra một cụm từ của riêng ngài: “Cuộc tử đạo của đức bác ái“; ngài thấy các Nữ tử Bác ái làm việc đến kiệt sức, điều mà truyền thống vẫn còn công nhận cho các Chị ngày nay, và ngài không ngần ngại phong thánh cho các Chị: “Chúng ta hãy nhìn xem các Chị ấy như là các thánh tử đạo của Đức Gêsu Kitô, bởi vì các Chị phục vụ tha nhân vì tình yêu Chúa” (IX, 270).
“Lạy Chúa, xin sai chúng con đi!”
Các Cha Truyền giáo và các Nữ tử Bác ái noi gương Đức Kitô, “Đấng đã tiêu hao sức lực và hy sinh mạng sống để phục vụ tha nhân” (Bút tích thiêng liêng của thánh nữ Louise, tr. 539). Ngài cũng muốn làm như Mục tử nhân lành “liều mạng sống mình” (sđd, tr. 118) và khi ngài lần lượt gửi mười hai Cha trong tu hội đến Madagascar, các Cha hấp hối trên tàu hay khi tới nơi, và khi có nhiều người xung quanh ngài muốn rút lui, ngài liền cầu nguyện lớn tiếng và hơi khiêu khích: “Nếu chúng ta không vướng mắc điều gì, thì tất cả chúng ta hãy thưa với Chúa: “Lạy Chúa, xin sai con đi, con xin hiến thân cho Chúa để đến bất cứ nơi nào trên trái đất này mà các bề trên của con xét thấy đã đến lúc con phải tới đó loan báo Đức Giêsu Kitô”(XII, 241). Cùng với ngài, chúng ta hãy lặp lại: “Lạy Chúa, xin sai chúng con đi!” ()