fbpx

CÙNG MẸ SỐNG TIN MỪNG – 18.9.2023 – THỨ HAI TUẦN XXIV THƯỜNG NIÊN

18.9.2023 – THỨ HAI TUẦN XXIV THƯỜNG NIÊN

Lc 7,1-10

“…xin Ngài cứ nói một lời, thì đầy tớ của tôi được khỏi bệnh.” (Lc 7,7)

ĐỌC TOÀN BÀI PHÚC ÂM

CHIÊM NGẮM MẸ SỐNG TIN MỪNG:

Gần 200 năm trước đây, Abraham Lincoln (1809 –1865)[1], vị tổng thống vĩ đại nhất của Hoa Kỳ đã xóa bỏ chế độ nô lệ tồn tại rất lâu trong lịch sử phát triển của nhân loại, và thiết lập sự bình đẳng về nhân quyền ở đất nước này. Nhưng từ hơn 2000 năm trước, Chúa Giêsu là Ngôi Hai nhập thể, xuống thế chịu chết để giải phóng con người khỏi ách nô lệ không những phần xác mà vượt trổi hơn là giải phóng linh hồn khỏi sự thống trị của ma quỉ.

Có lẽ những người bạn Do Thái đã nói với viên sĩ quan người Rôma về giáo huấn yêu thương của Chúa Giêsu. Viên sĩ quan này có một người nô lệ đang bệnh nặng, ông đã yêu thương và hết lòng chạy chữa cho người nô lệ của ông như với người thân, nhưng không kết quả. Ông muốn nhờ Chúa Giêsu cứu chữa anh ta, nhưng biết người Do thái cho rằng nhà của dân ngoại là nơi ô uế, nên ông không dám phiền Đức Giêsu phải bước vào nhà ông. Ông khiêm tốn nhìn nhận thân phận “dân ngoại” của mình, thậm chí, ông còn cho rằng mình không xứng đáng đến gặp Chúa! Vì thế, ông nhờ các bạn hữu Do Thái đến gặp Chúa Giêsu. Ông tin rằng Người có quyền năng ra lệnh cho căn bệnh mà không cần trực tiếp gặp bệnh nhân. 

Thế nhưng, điều làm cho ông hết sức ngạc nhiên và cảm động, là Chúa Giêsu sẵn sàng đích thân đến chữa bệnh cho tên nô lệ gần chết của ông. Nghe thế, ông vội ra đón Đức Giêsu với tất cả sự khiêm tốn: “Thưa Ngài, không dám phiền Ngài quá như vậy, vì tôi không đáng rước Ngài vào nhà tôi. Cũng vì thế, tôi không nghĩ mình xứng đáng gặp Ngài. Nhưng xin Ngài cứ nói một lời, thì đầy tớ của tôi được khỏi bệnh.” (cc.6-7). Việc làm của viên sĩ quan đã khiến Đức Giê-su phải thốt lên: “ngay cả trong dân Ít-ra-en, tôi cũng chưa thấy một người nào có lòng tin mạnh như thế” (c.9).

Đức tin của viên sĩ quan này quả là món quà nhưng không của Thiên Chúa, như sách giáo lý của Giáo Hội Công Giáo đã dạy: “Đức tin là một hồng ân nhưng không của Thiên Chúa, được trao ban cho tất cả những ai cầu xin với lòng khiêm hạ; đó là nhân đức siêu nhiên cần thiết để được cứu độ.”[2] Chúa Giêsu trân trọng lòng tin, sự chân thành khiêm tốn và lòng tốt của ông với người nô lệ, nên Người chữa lành cho người nô lệ của ông ngay lập tức.

Giáo Hội mượn lời của viên đại đội trưởng này, để giúp ta ý thức sự bất xứng của mình khi chuẩn bị Rước lễ trong Thánh Lễ, đồng thời xin Người chữa lành và thánh hóa chúng ta. Nếu ý thức và xác tín thật sự, chắc chắn ta sẽ phải thốt lên như viên đại đội trưởng với tất cả sự kính cẩn và khiêm tốn: “Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con, nhưng xin Chúa phán một lời thì linh hồn con sẽ lành mạnh.” Rước Lễ với niềm xác tín này, chắc chắn ta sẽ được Chúa chữa lành mọi bệnh tật linh hồn và làm cho ta ngày càng lớn lên trong đức Tin-Cậy-Mến Chúa và luôn bước đi trong bình an của Chúa.

Đức Maria cũng từng ngạc nhiên và xúc động trước tình thương của Thiên Chúa dành cho Mẹ: “Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới…”[3] Vì thế, Mẹ tin tưởng và khiêm tốn “Xin vâng”, cộng tác vào kế hoạch cứu độ của Người, cho dù có nguy cơ bị ném đá theo lề luật vì mang thai do quyền năng Thiên Chúa chứ không do người phối ngẫu của mình.[4] Chính Thánh Thần đã bao phủ Mẹ bằng ân sủng và quyền năng của Người, che chở và làm cho Mẹ nên mạnh mẽ để chu toàn vai trò làm mẹ của Đấng Cứu Thế, Đấng hiệp công cứu chuộc nhân loại.

SỐNG TIN MỪNG VỚI MẸ:

Noi gương Mẹ Maria, tôi tập biết ngạc nhiên trước những dấu chỉ tình thương của Chúa, sốt sắng dọn mình rước lễ và khiêm tốn cám ơn chịu lễ…

CẦU NGUYỆN VỚI MẸ:

Lạy Mẹ Maria, xin cho con luôn vững tin vào Chúa, sống khiêm tốn và quảng đại với mọi người như Mẹ. Amen

Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.

[1] https://vi.wikipedia.org/wiki/Abraham_Lincoln

[2] X. GLHTCG số 28.

[3] Lc 1,48

[4] X. Mt 1,18

()

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *