4
CẦU NGUYỆN 15 NGÀY VỚI THÁNH VINH SƠN
Jean-Pierre Renouard, CM
Ngày thứ mười một
RỜI CHÚA VÌ CHÚA
Có vài trường hợp chúng ta không thể giữ đúng thời khóa biểu trong ngày; chẳng hạn, sẽ có người đến gõ cửa các Chị trong giờ nguyện gẫm, để xin một Chị đi thăm gấp một bệnh nhân nghèo trong tình trạng nguy cấp, vậy Chị ấy sẽ làm gì? Chị ấy nên đi và bỏ giờ nguyện gẫm, hay đúng hơn, bỏ giờ nguyện gẫm, nhưng vẫn tiếp tục cầu nguyện, bởi vì Chúa truyền lệnh cho Chị làm như vậy. Các Chị thấy không, đức bác ái vượt lên trên mọi quy luật của Tu Hội, và tất cả các quy luật đều phải liên quan đến quy luật bác ái kia. Đây là một bà lớn. Phải làm điều gì bà ấy ra lệnh. Vì thế trong trường hợp này, hãy rời Chúa vì Chúa. Chúa kêu gọi các Chị làm giờ nguyện gẫm và đồng thời Chúa gọi các Chị đến với bệnh nhân nghèo ấy. Điều này gọi là rời Chúa vì Chúa (X, 595).
Giáo huấn này của Vinh Sơn không lẻ loi; trong các văn bản chúng ta đang có, giáo huấn này trở đi trở lại khoảng hai mươi lần! Ôi, quả thật, ngài thường xuyên thúc giục phải cố gắng hết sức đừng bỏ lỡ một cuộc hẹn thiêng liêng hay một thánh lễ nào, nhưng ngài luôn luôn nhấn mạnh đến giáo huấn này: ưu tiên phục vụ người nghèo khi cần, đó là “rời Chúa vì Chúa“. Ngài kín múc phương châm nổi tiếng này từ các bậc thầy lỗi lạc, như thánh Tôma Aquinô, thánh nữ Têrêxa Avila trong “chỗ ở thứ năm”, Camille de Lellis mà ngài đã được thấy bệnh viện của thánh nhân khi ngài đến ở Rôma một năm, Cha Bérulle… Ngài biết mình trung thành với Phúc Âm. Và ngài nhấn mạnh điều ấy lúc thuận lợi cũng như lúc không thuận lợi.
Trước hết, những điều liên quan đến thánh lễ: “Nếu phải giúp đỡ một bệnh nhân ngày Chúa nhật để làm đẹp lòng Chúa, thay vì đi dự thánh lễ, mặc dù bắt buộc, ôi! Chị sẽ phải làm điều ấy. Chúng ta gọi đó là: “Rời Chúa vì Chúa!”(X, 94-95) và còn nữa: “Phải hết sức cố gắng dự thánh lễ mỗi ngày; nhưng, nếu việc phục vụ cộng đoàn hoặc người nghèo đòi hỏi, thì Chị không được tự gây một khó khăn nào để bỏ quên việc làm này” (IX, 42).
“Phục vụ một bệnh nhân, đó là nguyện gẫm“
Với việc nguyện gẫm, ngài lặp lại: “Phục vụ một bệnh nhân, đó là nguyện gẫm” (IX, 326); và một câu khác: “Đang là giờ nguyện gẫm, nếu Chị nghe người nghèo gọi, thì Chị hãy hãm mình và rời bỏ Chúa vì Chúa mà vẫn phải cố gắng hết sức để không bỏ qua giờ nguyện gẫm, vì đó là điều giữ cho Chị hiệp thông với Chúa; và khi nào sự kết hiệp này còn kéo dài, Chị sẽ không có gì phải sợ” (X, 3).
Cuối cùng, ngài đối chiếu lời đề nghị của ngài với tất cả các quy luật của Tu Hội: “việc Phục vụ người nghèo phải được mến chuộng hơn tất cả mọi sự” (IX, 215).
Đó là, một cách ngắn gọn, một lời dạy thường xuyên, mềm dẻo và cân bằng. Chúng ta nghe ngài khẳng định: “Bổn phận bác ái ở trên mọi quy luật” (VI,47), ngài viết cho Chị Charlotte Royer, bề trên ở Richelieu, ngày 26 tháng bảy 1656, khi Chị này gặp khó khăn trong cộng đoàn và liên lạc với cha linh hướng. Khi ra khỏi chính mình để nghĩ tới việc phục vụ tha nhân, Chị dùng biện pháp sửa chữa này của riêng Chị để giải quyết các khó khăn hằng ngày. Giúp đỡ các bệnh nhân là phương thuốc điều trị mọi khó khăn!
Như vậy, một bậc thang giá trị bất ngờ được thiết lập. Thay vì đặt ra phía trước các giá trị cách chung theo quan điểm cổ điển, Vinh Sơn phác họa một ưu tiên khác, đó là ưu tiên phục vụ người nghèo; đây không phải là giá trị độc chiếm, mà là giá trị đầu tiên. Điều này buộc phải có một sự kiểm tra thường xuyên, một sự quan tâm cá nhân và cộng đoàn. Quả thật, mọi người thánh hiến đều múc lấy nguồn lực nội tâm trong việc nguyện gẫm, thánh lễ, Quy luật của Tu Hội, nhưng việc phục vụ người nghèo này là tiêu điểm của tất cả các năng lực ấy. “Đức bác ái là nữ hoàng của các nhân đức, phải rời bỏ tất cả vì bác ái” (VII, 457).
Vì hai tình yêu này chỉ là một. Thánh Vinh Sơn đã thật sự nội tâm hóa Mt 22, 37-39: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, và hết trí khôn ngươi”, đó là điều răn quan trọng nhất. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: “Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình”. Và ngài có một dụ ngôn nhỏ tuyệt vời để diễn tả điều này: “Một người cha có một đứa con trai đã trưởng thành và có phong cách tốt, thích nhìn dáng đi đẹp đẽ của con mình từ cửa sổ trông ra đường, và ông thấy vui vô cùng. Cũng vậy, các con thân mến, Chúa nhìn thấy các con không phải từ một cửa sổ, nhưng khắp nơi, ở bất cứ nơi nào có các con, và Chúa xem các con sắp phục vụ những chi thể nghèo đáng thương của Người như thế nào, và Chúa cảm nhận một niềm vui khôn tả, nếu Chúa thấy các con phục vụ thật tốt và chỉ với một ước muốn là phục vụ Chúa. A! đó là điều làm đẹp lòng Chúa, đó là niềm vui của Chúa, đó là sự thích thú của Chúa. Hạnh phúc thay, các con thân mến, vì có thể làm cho Đấng Tạo Hóa chúng ta được vui!” (IX, 471).
Chúa được phục vụ nơi người thân cận. Nói rõ hơn, đó là Đức Kitô được phục vụ. “Và điều này cũng thật sự đúng như sự kiện chúng ta đang có mặt ở đây” (IX, 252), vị thánh của chúng ta nói điều này, như để cụ thể hóa, bằng sự so sánh ấy, thực tại tuyệt đối của sự thích đáng mà chúng ta đã nói đến. Chúng ta quan hệ với Đức Kitô ngay khi chúng ta quan hệ với người nghèo, dù cho chúng ta có biết hay không. “Cả cuộc đời chúng ta ở trong hành động“, thánh Vinh Sơn lặp lại, nhưng trong một hành động liên quan đến Đức Kitô, xuyên qua người nghèo. Vì thế, trong trường hợp này, Chúa Giêsu là Chúa của người nghèo. Như Cha Alain Durand, dòng Đa Minh, chủ tịch Ủy ban Công lý và Hòa bình dòng Đa Minh, nói: “Sự hiện diện của Đức Kitô trao cho thái độ của chúng ta đối với người nghèo một quyền năng quyết định dứt khoát: các hành động của chúng ta hay việc chúng ta bỏ quên chúng có thể có tính quyết định dứt khoát cho chúng ta được sống hay phải chết” (Chính nghĩa người nghèo, trang 62). Đó là lý do tại sao có sự liên tục giữa việc tìm kiếm Chúa trong cầu nguyện và việc gặp gỡ người nghèo trong đời sống. Đức Giêsu Kitô luôn luôn cho chúng ta thấy một sự ưu đãi mặc nhiên dành cho người nghèo, nhất là khi điều này tương hợp với cảm thức công bình ở nơi Người. Kẻ bé nhỏ càng không được nhận để thụ hưởng sự cứu rỗi dành cho mọi người thì Chúa càng muốn họ được cứu rỗi. Nếu Chúa ước ao tất cả mọi người đều được cứu, thì phương chi, Chúa biểu hiện một tình yêu ưu đãi dành cho những ai ở trong hoàn cảnh đặc biệt bất bình đẳng.
Bạn đọc thân mến, ở điểm mà Cha Vinh Sơn đã dẫn bạn đến, bạn hãy nghĩ đến cuộc đời và gánh nặng tuổi tác của bạn: bạn đã làm gì về cuộc đời bạn? Tiêu chuẩn phổ quát duy nhất sẽ đè nặng linh hồn bạn ở đây, một cách trọn vẹn, trong câu Phúc Âm ngắn đầy cảm động này, “là ngươi đã làm cho chính Ta vậy”. Bạn có thể và phải dành thời giờ cho Chúa trong cầu nguyện, nhưng bạn cũng phải dành bấy nhiêu thời giờ, nếu không phải là nhiều hơn, để công nhận quyền xét xử của Chúa. Và bạn đừng là một trong những người không muốn nghe Giáo Hội mà bạn yêu mến nói về “sự lựa chọn ưu tiên hay ưu đãi dành cho người nghèo”. Bạn hãy nghe tiếng kêu của Cha Vinh Sơn của bạn: “Người nghèo! Đó là công việc chính của anh em, và chính vì nó mà anh em phải rời bỏ tất cả mọi sự!” (X, 203).
(Còn tiếp)
()