17.11.2023 – THỨ SÁU TUẦN XXXII THƯỜNG NIÊN
Lc 17,26-37
“…trong những ngày của Con Người, sự việc cũng sẽ xảy ra như vậy.” (Lc 17,26)
CHIÊM NGẮM MẸ SỐNG TIN MỪNG:
Tiếp nối đoạn Tin Mừng hôm qua, khi người Pharisêu hỏi bao giờ Triều Đại Thiên Chúa đến, Chúa Giêsu đã cho họ biết: Triều Đại Thiên Chúa không phải là một cuộc cách mạng để thay đổi thể chế, nhưng nó đã bắt đầu hoạt động nơi những ai đón nhận Tin mừng, tức là đón nhận Người[1]. Còn về ngày, giờ của Chúa thì luôn mang tính bất ngờ. Để giúp cho họ hiểu rõ hơn, Chúa Giêsu đã trưng dẫn hai câu chuyện trong Cựu Ước để mời họ “ôn cố tri tân”: khi “giờ của Chúa đến” bất ngờ, nhưng ông Nô-ê và ông Lót đều biết lắng nghe Lời Chúa và làm theo nên đều được cứu thoát.
Khi nói đến “Ngày của Con Người”, Chúa Giêsu muốn nó về ngày cánh chung của nhân loại, khi Người đến lần thứ hai, và cụ thể là ngày chết của mỗi người chúng ta. Ngày ấy chắc chắn sẽ đến cách nhanh chóng và bất ngờ, nhưng ngày giờ nào thì chỉ có Thiên Chúa biết. Khi người ta mải mê ăn uống, vui chơi, dựng vợ gả chồng, mua bán tích cóp, trồng trọt và xây cất…và quên rằng mình sẽ chết. Rồi Chúa kết luận: “trong những ngày của Con Người, sự việc cũng sẽ xảy ra như vậy.”
Vì thế, người khôn ngoan là người luôn biết nhắm đến cùng đích đời mình, để mọi việc làm và chọn lựa đều đưa mình đến cùng đích một cách tốt nhất. Đó chính là thái độ tỉnh thức để nhận biết các dấu chỉ thời đại và luôn sẵn sàng đón Chúa bất cứ lúc nào. Chúa không đến để trừng phạt, nhưng để giải thoát người công chính. Nhưng với những người không sẵn sàng, thì Người dùng các dấu chỉ để cảnh báo, nhắc nhở, như việc Người bảo ông Nô-ê đóng tàu suốt 100 năm,[2] để chờ đợi người ta sám hối. Cũng thế, sự hiện diện của người công chính là gia đình ông Lót giữa dân thành Sôđôma cũng là lời mời gọi dân thành hoán cải và thay đổi lối sống xa đọa. Chỉ sau khi đã nhẫn nhịn chờ đợi mà con người vẫn ngoan cố không chịu hối cải, thì Thiên Chúa mới để mặc họ lãnh lấy hậu quả do chính họ chọn lựa, là sự hủy diệt đời đời.
Thiên Chúa cũng ban cho chúng ta những vị đại thánh trong thời đại hôm nay: Thánh Têrêsa Calcutta, Thánh GH Gioan Phaolô II, Chân phước Carlo Acutis, Đấng Đáng Kính P.X Nguyễn Văn Thuận… và rất nhiều tấm gương tốt lành bên cạnh chúng ta. Đó chính là những dấu chỉ thời đại để mời gọi ta sám hối và thay đổi đời sống. Vậy khi Chúa đến, ta sẽ là người được đem đi hay bị bỏ lại (c.34-35)? Vì Thiên Chúa thấu suốt tâm can từng người. Tin vào ngày Chúa trở lại, tôi sử dụng tự do để sống giây phút hiện tại một cách ý nghĩa nhất, vì đây chính là giây phút quyết định số phận đời đời của tôi. Tôi làm mọi việc với tinh thần trách nhiệm, chu toàn bổn phận trong gia đình, bổn phận một Kitô hữu: ưu tiên tham dự thánh lễ và các việc đạo đức, sống yêu thương, công bình, chân thật, liên đới…và bổn phận một công dân: tuân thủ luật đi đường, giữ an ninh trật tự…
Ý thức mình là “nữ tỳ” trung tín của Chúa, Mẹ Maria luôn tỉnh thức trước những lần viếng thăm của Chúa. Với “gói hành trang thiết yếu” là lắng nghe, suy gẫm và vâng phục ý Chúa trong mọi biến cố xảy đến, Mẹ được sứ thần chúc mừng: “bà đẹp lòng Thiên Chúa”.[3] Sự kiện phải về Belem khi sắp đến ngày sinh, hay việc bồng con trẻ non nớt chạy trốn… cho đến cái chết tủi nhục của Chúa trên thập giá… tất cả đều luôn bất ngờ, nhưng Mẹ vẫn bình tâm và sẵn sàng để ý Chúa được thể hiện.
SỐNG TIN MỪNG VỚI MẸ:
Noi gương Mẹ, tôi sống trọn vẹn giây phút hiện tại bằng việc chu toàn bổn phận mỗi ngày và bình tâm tín thác vào Chúa trước những biến cố xảy đến.
CẦU NGUYỆN VỚI MẸ:
Lạy Mẹ Maria, xin dạy con biết chọn lựa thực thi ý Chúa trong mọi biến cố và cả trong những việc nhỏ nhặt, biết canh tân đời sống mỗi ngày để luôn sẵn sàng chờ đón Chúa đến với con. Amen
Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.
[1] X. Lời Chúa cho mọi người, phần chú giải trang 370
[2] X. St 5,32; 7,6
[3] Lc 1,30
()