CHUNG NHỊP YÊU THƯƠNG
“Chữ M ở trên có thập giá và hai trái tim đã nói lên đủ rồi.”
Năm 1830, khi Đức Mẹ hiện ra trao cho Sơ Catherine Labouré sứ mạng truyền bá đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội của Đức Mẹ qua Mẫu Ảnh Phép Lạ: mặt phải là hình Mẹ đứng giang hai cánh tay xuống với những tia sáng, tượng trưng cho những ân sủng Thiên Chúa ban cho con người, nhờ lời chuyển cầu của Đức Mẹ; mặt trái là chữ M trên có thánh giá, phía dưới là hai trái tim. Sơ Catherine Labouré nhìn ngắm Mẫu Ảnh và suy nghĩ phải để mặt trái như thế nào thì nghe tiếng nói: “Chữ M ở trên có thập giá và hai trái tim đã nói lên đủ rồi”[1].
Vậy, hai trái tim này nói gì với chúng ta?
Sau khi sinh con được 40 ngày, Đức Maria và thánh Giuse đem Hài Nhi Giêsu lên Giêrusalem để tiến dâng cho Chúa[2]. Ông Si-mê-on chúc phúc cho hai ông bà, nói tiên tri về Hài Nhi rồi nói với bà Ma-ri-a: “Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà.”
“Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà.“
“Lưỡi gươm có lẽ chỉ nỗi đau khổ của Đức Mẹ khi thấy con mình chết trên thập giá; nhưng cũng chỉ tất cả những khi ngài đau khổ vì không hiểu được những việc con mình làm.”[3]
33 năm sau, trên đồi Can-vê, dưới chân thập giá, Mẹ đã hiểu Con mình chính là Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa bỏ tội trần gian[4], khi chứng kiến “một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người. Tức thì, máu cùng nước chảy ra.”[5] Từ Trái tim Đức Giêsu – Con yêu dấu của Mẹ – đã chết trên thập giá, những giọt máu và nước còn lại đã đổ ra cho đến giọt cuối cùng.
Trái tim của Chúa Giêsu có vòng gai chung quanh, nhắc nhở chúng ta biết rằng cuộc thương khó của Chúa Giêsu là sự biểu lộ tình yêu vô biên của Thiên Chúa đối với loài người. Trái tim của Đức Maria bị lưỡi đòng đâm thâu, kề bên Trái Tim Chúa Giêsu, không chỉ nói lên sự khăng khít của tình mẫu tử, mà còn nói lên sự liên kết đặc biệt của Mẹ Maria trong mầu nhiệm cứu độ mà Đức Giêsu thực hiện. Hơn ai hết, Mẹ được hiệp thông sâu xa với những đau khổ của Con Mẹ.
Giáo Hội Công Giáo luôn dành riêng tháng 6 hàng năm cho việc tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu, để tôn thờ và tri ân Tình Thương Cứu Độ của Thiên Chúa như nguồn mạch không hề cạn của lòng nhân từ và thương xót của Thiên Chúa dành cho con người.
Thụ tạo đầu tiên được hưởng kho tàng ân sủng này chính là Đức Maria: “Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà”. Thiên Chúa đã chọn Đức Maria để cưu mang Đấng Cứu Thế, cộng tác vào công trình cứu chuộc của Người. Ngôi Hai Thiên Chúa đã nhập thể với một trái tim con người. Như thế, ngay từ ban đầu, hai Trái Tim đã kết hợp khắn khít với nhau.
Năm 1854, Đức Giáo Hoàng Piô IX công bố tín điều Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Bốn năm sau, năm 1858, Đức Mẹ đã hiện ra với thánh nữ Bernadette và nói tên mình: “Ta là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội”, như con dấu đóng ấn cho tín điều trên. Năm 1917, với 3 trẻ tại Fatima, thì một trong 3 mệnh lệnh của Đức Mẹ khi hiện ra cũng là “Hãy tôn sùng Trái Tim Vẹn Sạch Đức Mẹ.”[6]
Kỷ niệm 25 năm sau biến cố Đức Mẹ hiện ra ở Fatima, vào năm 1942, Đức Thánh Cha Piô XII đã dâng thế giới cho Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ và mừng lễ này vào ngày 22 tháng 8, một tuần sau lễ Đức Mẹ Hồn Xác Về Trời. Với những cải cách về phụng vụ trong Công Đồng Vatican II, lễ kính Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ được dời về ngày thứ Bảy sau Lễ Kính Thánh Tâm Chúa Giêsu.[7]
Mẹ ơi, xin dẫn con vào
Trái Tim của Chúa dạt dào yêu thương
Trái Tim lân tuất khôn lường
Luôn rực cháy Lửa Yêu Thương trần đời
Kề bên tim Mẹ không rời
Trái Tim Thiên Chúa yêu người trần gian
Đau thương tủi nhục chẳng màng
Một lòng thương xót cưu mang phận hèn
Thứ tha tội luỵ bao phen
Chữa lành muôn vết tội hoen tấc lòng
Thánh Tâm gạn đục khơi trong
Ủi an, nâng đỡ ai mong tìm về
Trái Tim Mẹ cũng một bề
Dắt dìu những kẻ ê chề lầm than
Đưa về cùng Chúa khoan nhân
Hưởng nguồn vinh phúc muôn phần an vui.
- Đơn Thành
[1] NTBAVS-Sứ điệp của chị Catherine Labouré , động lực đời sống, trang 91.
[2] X. Lc 2,22 tt
[3] Lời chúa cho mọi người, trang 277, phần chú giải.
[4] X. Ga 1, 29
[5] Ga 19, 33-34
[6]http://www.cungmedonghanh.com
[7]X. www.tonggiaophanhanoi.org/phung-vu/loi-chua-moi-ngay