03.07.2024 – THỨ TƯ TUẦN XIII THƯỜNG NIÊN
LỄ THÁNH TÔMA TÔNG ĐỒ
Ga 20,24-29
“Nếu tôi không thấy dấu đinh…
và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người,
tôi chẳng có tin.” (Ga 20,25)
CHIÊM NGẮM MẸ SỐNG TIN MỪNG:
Công nghệ mã vạch mới được nghiên cứu năm 1948 và đưa vào sử dụng năm 1952, nhưng đã nhanh chóng được sử dụng trong rất nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội vì sự tiện lợi của nó, đặc biệt trong vấn đề mua bán, giao dịch.[1] Mã vạch giống như một “giấy chứng minh” của hàng hóa, sản phẩm giúp phân biệt hàng thật, hàng giả…nhưng ít ai biết người đầu tiên có ý tưởng về mã vạch là ai.
Tuy nhiên, có thể nói rằng: cả thế giới Kitô giáo đều biết đến “ông tổ” đã phát minh ra “mã Kitô” từ hơn 20 thế kỷ trước, đó chính là thánh Tôma tông đồ: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin” (c.25). Thật vậy, từ sau cuộc khổ nạn, dấu đinh, lỗ đinh và vết thương nơi cạnh sườn của Thầy Giêsu trở thành dấu hiệu duy nhất, không thể nhầm lẫn với ai khác. Cho dù Thầy đã Phục sinh, những vết thương ấy vẫn còn nơi thân thể của Thầy. Do đó, lời kể lại của các anh em: “Chúng tôi đã được thấy Chúa!” không “khớp” với “mã Kitô” mà Tôma sẽ ghi nhận.
Tám ngày sau, Chúa Giêsu Phục Sinh lại hiện ra với các môn đệ. Sau khi chúc Bình an cho các môn đệ, Người cho Tôma xem và chạm đến những vết thương của Người. Chúng ta không biết Tôma có sờ vào các vết thương của Chúa hay không, nhưng ông đã thấy và đã thốt lên: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con.” Ông đã làm chứng cho Chúa bằng cả cuộc đời còn lại[2].
Từ đây, các dấu tích yêu thương ấy trở thành “mã Kitô”, để cho tất cả chúng ta dù không được thấy Chúa bằng xương bằng thịt như Tôma và các tông đồ, nhưng với đức tin, chúng ta sẽ nhận biết Chúa Kitô hiện diện nơi những người mang thương tích vì tình yêu trong cuộc sống hôm nay. Những thương tích ấy cũng phải là “mã Kitô” cho chính chúng ta, khi chúng ta dám chấp nhận hy sinh cho người khác, chấp nhận thiệt thòi để sống công bình, chính trực, chung thủy, khiêm nhường, bác ái…như Chúa Giêsu.
Thế gian không thể nhận ra chúng ta là Kitô hữu, nếu họ không nhìn thấy những dấu đinh hy sinh nơi cuộc sống chúng ta. Cũng thế, khi nhìn thấy những thương tích của Chúa nơi những người đau khổ, bệnh tật, đói khát, bị ruồng bỏ, chê ghét…chúng ta cần sử dụng “trình quét mã” của đức tin, để nhận ra Chúa Kitô nơi những anh chị em khốn khổ ấy, để trân trọng phục vụ và xoa dịu vết thương của họ với tất cả sự khiêm nhường, đơn sơ và bác ái. Khi gặp những khó khăn, thử thách, ta cũng cứ dùng “trình quét mã” đức tin ấy, để nhận biết thánh giá cứu độ Chúa đang gửi đến cho ta. Nơi thánh giá, Chúa chúng ta đang ở đó. Hãy ôm lấy Chúa nơi thánh giá, chứ đừng ôm thập giá không có Chúa.
Với Đức Maria, “trình quét mã” đức tin của Mẹ hết sức nhạy bén và đa dụng: Mẹ ghi nhận điều sứ thần nói với Mẹ về người chị họ, để nhận biết “Giờ” Thiên Chúa thực hiện ơn cứu độ của Người, Mẹ lắng nghe và chiêm ngắm để nhận ra Đấng Thánh Nhập thể nơi cung lòng Mẹ chính là “Đấng Cứu Độ tôi”. Mẹ quan sát tiệc cưới và nhận ra sự cố hết rượu để cứu giúp họ… Nhờ hiệp thông sâu xa với Chúa Giêsu trong mọi vui buồn sướng khổ, nhất là với cuộc thương khó và cái chết của Người, nên “mã Kitô” nơi Mẹ luôn rõ nét hơn tất cả chúng ta.
SỐNG TIN MỪNG VỚI MẸ:
Noi gương Mẹ Maria, tôi
- Sử dụng “trình quét mã” đức tin trước mọi việc, để nhận biết và làm theo ý Chúa.
- Tự tạo lấy “mã Kitô” cho chính mình bằng những hành vi khiêm nhường, đơn sơ, bác ái như Chúa và Mẹ đã sống.
CẦU NGUYỆN VỚI MẸ:
Lạy Mẹ Maria, xin giúp con nhận biết Chúa nơi mọi người, và cho đời sống con được in dấu yêu thương của Chúa, hầu mọi người nhận biết và tôn vinh Chúa. Amen
Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.
[1] X. https://aidcvn.com/lich-su-cua-ma-vach.html
[2] Kinh Thánh, ấn bản 2011, trang 2398 phần chú giải.