fbpx

CÙNG NHAU THI HÀNH LỜI MẸ DẠY – HÃY SIÊNG NĂNG LẦN HẠT MÂN CÔI

Ngày 13.5.1917, tại Fatima, vào lúc trưa, 1 bà mặc áo trắng hiện ra với 3 em bé chăn cừu, nói với các em là hãy lần chuỗi đọc kinh Mân Côi hàng ngày để cầu nguyện cho thế giới chấm dứt chiến tranh, được hòa bình[1]. Thật ra, Đây là một việc đạo đức đã được thẩm quyền tối cao của Giáo Hội, từ nhiều thế kỷ qua, luôn tán thành và cổ võ, cách riêng trong triều đại của Đức Lêô XIII (1878-1903). Ngài đã ban bố 12 thông điệp và 2 tông thư để cổ võ và khuyến khích việc đọc kinh Mân Côi và ban nhiều ân xá kèm theo. Năm 1883, Ngài đã long trọng ấn định tháng 10 từ năm đó sẽ hoàn toàn được dâng hiến cho “Nữ Vương Mân Côi” và thiết lập tháng 10 sẽ là tháng Mân Côi. Cũng chính Ngài từ năm đó đã cho thêm vào kinh cầu Đức Bà, lời cầu “Nữ Vương rất thánh Mân Côi”. Như thế, mệnh lệnh này của Đức Mẹ được ban ra như là một sự chuẩn nhận và thúc đẩy con cái khắp nơi thực hành việc đạo đức tốt lành này.

Đức Giáo Hoàng Lêô XIII (1878-1903)

Ý nghĩa và giá trị của kinh Mân Côi

           Trong tông huấn Marialis Cultus (Tôn sùng Đức Maria), đức Phaolô VI đã nêu lên những giá trị của kinh Mân Côi và sau này Đức Gioan- Phaolô II đã triển khai sâu rộng hơn trong tông thư Rosarium Virginis Mariae (Kinh Mân Côi của Đức Trinh nữ Maria). Đó là một kinh nguyện dựa trên Tin Mừng: kinh Mân Côi nêu lên những mầu nhiệm chính được rút ra từ các sách Tin Mừng. Kinh Mân Côi giúp việc chiêm niệm, hỗ trợ kinh nguyện phụng vụ. Ta có thể tóm tắt những nét nổi bật của kinh Mân Côi như sau:

  1. Kinh nguyện đơn giản. Kết cấu của nó chỉ gồm những kinh Lạy Cha, Kính Mừng, Sáng Danh mà người tín hữu nào cũng thuộc lòng. Lời nguyện sau kinh Sáng Danh (“Lạy Chúa Giêsu, xin tha tội cho chúng con…” đã được thêm vào và được Tòa Thánh phê chuẩn năm 1930, dựa theo lời tường thuật của ba trẻ tại Fatima, theo đó Đức Mẹ dạy đọc lời nguyện này sau mỗi chục kinh. (Kinh này là tùy ý). Kinh Mân Côi thích hợp với những người đơn sơ và bình dân, và dành cho những tâm hồn khiêm nhu bé mọn.
  2. Kinh nguyện phản ánh lược đồ lời rao giảng tiên khởi của các tông đồ nghĩa là cuộc nhập thể, đời sống, cuộc tử nạn và Phục sinh của Chúa Kitô.
  3. Kinh nguyện tập trung vào mầu nhiệm nhập thể – cứu chuộc nên có chiều kích qui hướng rõ nét về Chúa Kitô. Tâm điểm của kinh Kính Mừng là những lời: “Và Giêsu, Con lòng Bà gồm phúc lạ”. Ta có thể nói việc lặp lại kinh Kính Mừng làm thành cái nền trên đó diễn ra việc chiêm niệm các mầu nhiệm về Chúa Kitô và Đức Mẹ.
  4. Cơ cấu của kinh Mân Côi:

–           Kinh Lạy Cha: Sau khi nghe công bố Lời Chúa (mầu nhiệm suy ngắm), tâm trí chúng ta hướng lên Chúa Cha. Trong mỗi mầu nhiệm, Chúa Giêsu đều dẫn đưa chúng ta đến Chúa Cha mà Người luôn hướng lòng trí về.

–           10 kinh Kính Mừng: Phần đầu của kinh Kính Mừng rút ra từ lời chào của sứ thần Gabriel và của bà Êlisabeth, là một việc chiêm ngắm thờ phượng mầu nhiệm được thực hiện nơi Đức Trinh Nữ Nazareth. Rõ ràng trọng tâm của kinh Kính Mừng là danh Chúa Giêsu.  Việc lặp lại kinh Kính Mừng giúp cho ta tham dự vào niềm hân hoan, thán phục, tâm tình tạ ơn trước mầu nhiệm vĩ đại nhất lịch sử loài người.

–           Kinh Sáng Danh: Việc tôn vinh Ba Ngôi là đích điểm của việc chiêm ngắm kitô giáo. Thực vậy, Chúa Kitô là con đường dẫn đến Chúa Cha trong Chúa Thánh Thần. Chúng ta không ngừng ở truớc mầu nhiệm Ba Ngôi chí thánh để ca tụng, tôn thờ và cảm tạ. Quả thực kinh Sáng Danh là chóp đỉnh của việc chiêm ngắm cần được làm nổi bật.

  1. Kinh nguyện chiêm niệm. Tuy đơn giản, nhưng kinh Mân Côi mang một nội dung phong phú, bởi vì đi đôi với việc đọc kinh, chúng ta được mời gọi chiêm ngắm những mầu nhiệm căn bản của đức tin kitô giáo. Không có chiêm niệm, kinh Mân Côi trở thành cái xác không hồn và có nguy cơ biến thành việc lặp đi lặp lại những công thức như cái máy, điều Chúa Giêsu đã quở trách. Trái lại, việc lặp lại những câu kinh tạo ra sự thanh thản trong tâm hồn để có thể chiêm ngắm những cảnh tượng của cuộc đời Chúa Cứu thế.
  2. Kinh nguyện dẫn vào phụng vụ. Kinh Mân Côi không phải là một cử hành phụng vụ nhưng đầy chất Kinh Thánh và xoay chung quanh mầu nhiệm Chúa Kitô, đặc biệt là mầu nhiệm Nhập thể và Vượt qua (=Tử nạn-Phục sinh) . Nhờ tình yêu phát sinh từ việc chiêm ngắm, giúp người đọc kinh Mân Côi tưởng nhớ đến các mầu nhiệm và kích động ý chí rút ra những qui luật cho đời sống. Vì vậy kinh Mân Côi là việc chuẩn bị tâm hồn tín hữu rất tốt dẫn đến việc cử hành các Bí Tích, cách riêng là Bí Tích Thánh Thể. (Tuy nhiên, không bao giờ được lần chuỗi trong khi tham dự cử hành Phụng Vụ, đặc biệt là trong khi tham dự Thánh Lễ).
  3. Kinh nguyện đi sát với cuộc đời. Khi cùng với Đức Maria rảo qua cuộc sống của Chúa Giêsu và của Đức Mẹ qua những chặng đường từ Narareth, Bêlem, Giêrusalem, qua những biến cố vui, sáng, thương, mừng, người tín hữu tìm thấy những bài học cho cuộc sống thường nhật của mình, trộn lẫn vui buồn, âu lo và hy vọng. Vì vậy, trong cuộc gặp gỡ với cuộc sống tại thế của Đấng cứu chuộc, chúng ta có thể đem đến vô số những khó khăn, lo toan, mệt nhọc và dự án ghi dấu cuộc đời mình. “Hãy trút nhẹ gánh lo vào tay Chúa, Người sẽ đỡ đần cho” (Tv 55, 23). Suy ngắm kinh Mân Côi cốt tại việc trao phó những gánh nặng của chúng ta cho trái tim giàu lòng thương xót của Chúa Kitô và Mẹ thánh Người”.

Tóm lại, sau khi tìm hiểu về kinh Mân Côi, nhất là có sự chuẩn nhận và tán thưởng cổ võ của các Đức giáo hoàng xuyên qua bao nhiêu thế kỷ, chúng ta không còn có thể hoài nghi gì về giá trị và sự cần thiết của kinh Mân Côi. Người tín hữu công giáo chúng ta có huấn quyền của Giáo Hội, thay mặt Chúa Kitô dẫn dắt đoàn chiên Chúa, không thể sai lầm về mặt đức tin và luân lý. Chúng ta cùng nhau thi hành lời Mẹ dạy siêng năng lần hạt mân côi, xin Chúa thương xót con người, chấm dứt chiến tranh, cho thế giới được sống trong hòa bình.

Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội,

xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.

 

[1] X. https://tgpsaigon.net/bai-viet/ngay-13-05-duc-me-hien-ra-tai-fatima-47743

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *