fbpx

CÙNG MẸ SỐNG TIN MỪNG – 03.10.2024 – THỨ NĂM TUẦN XXVI THƯỜNG NIÊN

03.10.2024 – THỨ NĂM TUẦN XXVI THƯỜNG NIÊN

Lc 10,1-12

 “Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói:
‘Bình an cho nhà này!’” 
(Lc 10,5)

ĐỌC TOÀN BÀI PHÚC ÂM

CHIÊM NGẮM MẸ SỐNG TIN MỪNG:

Bài đọc I kể lại chuyện ông Gióp bị những tai ương bất ngờ xảy đến dồn dập, khiến ông trở nên trắng tay và bệnh tật hủy hoại thân thể. Nhưng ông vẫn một lòng xác tín: “Tôi biết rằng Đấng bênh vực tôi vẫn sống, và sau cùng, với tấm thân này, tôi sẽ được ngắm nhìn Thiên Chúa.[1] Niềm xác tín mãnh liệt ấy đem lại bình an cho ông trong lúc đau khổ tận cùng, nó giúp ông kiên trì chờ đợi cuộc gặp gỡ diện đối diện với Thiên Chúa, Đấng không hề xa lạ và lòng ông những ước ao gắn bó với Người. Chính niềm tin vào Thiên Chúa đem lại bình an cho ông Gióp, ngay cả khi ông đã mất tất cả tài sản, con cái, sức khỏe và cả sự tôn trọng của mọi người.

Vì thế, khi sai các môn đệ đi truyền giáo, Chúa Giêsu dặn các ông hạn chế tối đa các phương tiện vật chất, nhưng phải mang thật nhiều “Bình An” để chia sẻ, phân phát cho tất cả mọi người: “Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: ‘Bình an cho nhà này!” (c.5). Cho dù túi tiền, bao bị, giày dép là những hành lý cần thiết cho cuộc hành trình, nhưng đó vẫn là thứ yếu, là không quan trọng cho bằng sứ điệp mà người môn đệ phải rao giảng, đó là Sự Bình An, là chính Thiên Chúa. Thiên Chúa là nguồn Bình An đích thực, chỉ nơi Người mới có sự Bình an mà thế gian không ban được và cũng chẳng thể lấy đi được khỏi người môn đệ.

Kinh nghiệm của ông Gióp cho thấy rõ: giàu sang, của cải, con cháu hay được mọi người ca tụng không đem lại bình an đích thực. Chỉ khi thực sự có Chúa, chúng ta mới có thể đem bình an đến cho người khác qua sự chân thành trong lời nói và hành động, để xoa dịu, chữa lành những thương tích thù hận, giải tỏa những nghi kỵ, hiềm khích. Chỉ khi cảm nhận được sự bình an, họ mới có thể chấp nhận sứ điệp Tin Mừng về triều đại của Thiên Chúa. Đương nhiên, với những vùng ngoại biên còn gặp nhiều khó khăn thiếu thốn, hay với những vùng vừa bị thiên tai bão lũ, thì sự chia sẻ vật chất kèm theo là điều thiết thực. Chúng ta đem Bình An đến cho người khác không chỉ bằng lời nói, nhưng còn là sự hiện diện vui tươi, nhiệt thành, trong cung cách ứng xử khiêm tốn, hiền hòa và quảng đại…

Đức Maria chính là mẫu gương trao ban bình an cách tuyệt vời nhất của người truyền giáo. Cho dù trải qua một cuộc hành trình khá dài và khá vất vả, Mẹ xuất hiện trước thềm nhà bà Elizabeth với nụ cười rạng rỡ và lời chào “Salom”: Bình An – Đó là lời chào trên cửa miệng của người Do thái, nhưng cùng với âm thanh vui tươi và nụ cười, ánh mắt của Mẹ, đã làm cho người chị họ không chỉ được bình an mà còn rất đỗi vui mừng.

Sự Bình An mà Mẹ cưu mang chính là sự hiện diện của Ngôi Hai Thiên Chúa – Hoàng tử Bình An, và sự hoan lạc trong Thánh Thần. Chính vì thế, Mẹ hiện diện ở đâu, thì ở đó được tràn đầy bình an và sự vui mừng. Có Mẹ hiện diện, căn nhà cô quạnh của ông Dacaria chợt bừng lên niềm vui hạnh phúc. Ngay tại nơi hang bò lừa tối tăm hôi hám, sự có mặt của Mẹ và Chúa Giêsu cũng làm bừng lên niềm vui cho các mục đồng cùng với tiếng ca hát của các thiên thần. Ngày nay cũng vậy: Mẹ hiện ra ở bất cứ nơi nào, dù xa xôi hẻo lánh đến mấy, thì tại đó cũng trở thành những trung tâm hành hương, để biết bao người tìm về đó và kín múc sự Bình An từ sự hiện diện của Mẹ.

SỐNG TIN MỪNG VỚI MẸ:

Noi gương Mẹ, tôi sống kết hiệp với Chúa Giêsu, học nơi Người sự khiêm nhường, đơn sơ và bác ái, để sống và làm cho mọi người quanh tôi được bình an.

CẦU NGUYỆN VỚI MẸ:

Lạy Mẹ là Nữ Vương ban sự Bình An, xin dẫn dắt con đến đón nhận nguồn mạch bình an từ Trái Tim Chúa và thông chuyển đến mọi người, để những ai gặp con, đều cảm nhận được sự hiện diện đầy yêu thương của Chúa. Amen

Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.

 

[1] Bài Đọc I, G 19,21-27

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *