“Hãy đi và mời mọi người đến dự tiệc”
(X. Mt 22,9)
Với chủ đề “Hãy đi và mời mọi người đến dự tiệc” mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã chọn cho ngày thế giới truyền giáo năm nay, 2024, được lấy từ dụ ngôn Tin Mừng về bữa tiệc cưới[1], có thể nói được rằng Đức Maria là người đầu tiên đã thực hiện lệnh truyền này.
[2]Thật vậy, ngay sau khi đáp lời “XIN VÂNG”, với quyền năng của Chúa Thánh Thần, Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể trong cung lòng Đức Mẹ. Từ giây phút ấy, Đức Mẹ trở thành Nhà Tạm đầu tiên cưu mang Thánh Thể. Trước đó, trong cuộc trò chuyện với sứ thần Gabrien, Đức Mẹ được biết bà chị họ cao niên của mình là Elisabet cũng được Chúa đoái thương ban cho một người con trai, nay đang là một thai nhi 6 tháng tuổi trong dạ mẹ. Chẳng bao lâu nữa bà Elisabet sẽ sinh con với tuổi già sức yếu, chắc chắn cần sự giúp đỡ của người khác, ông Giacaria, chồng bà, cũng già yếu.
Hài Nhi Giêsu đang gõ cửa từ trong cung lòng,
Mẹ đã mở cho Người đi ra…
Đúng là Hài Nhi Giêsu đang gõ cửa, từ trong cung lòng Đức Mẹ, và Mẹ đã mở cho Người đi ra chứ không ‘giam hãm’ Người và cũng không giữ Người lại “làm của riêng mình. Thế là, không chần chừ, Đức Mẹ “vội vã lên đường, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giu-đa. Bà vào nhà ông Da-ca-ri-a và chào hỏi bà Ê-li-sa-bét”. Đức Mẹ là người đầu tiên đã khai mở con đường truyền giáo, theo bậc sống của mình.
Được phúc con Thiên Chúa cư ngụ trong cung lòng, Đức Mẹ tràn đầy niềm vui và hy vọng, cần phải đi ra chia sẻ với gia đình hai vị cao niên này. Đúng như Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến thái độ cấp bách của việc rao giảng Tin Mừng với niềm vui vì Chúa đã đến gần…
Một khi đã trở nên đền thờ của Thiên Chúa, Đức Mẹ thông ban Thần Khí của chính Chúa Giêsu đang ngự trị trong tâm hồn Mẹ. Vì vậy, sự hiện diện của Đức Mẹ làm cho gia đình hai ông bà cao niên này đầy tràn niềm vui của Thánh thần: cả bà Elisabet và người con trong lòng bà đều vui sướng vì được Thiên Chúa viếng thăm. Đức Thánh Cha nói các môn đệ truyền giáo phải rao giảng với niềm vui, sự độ lượng và nhân hậu vốn là những hoa quả của Chúa Thánh Thần trong lòng họ (x. Gl 5:22)…bằng sự thân thiện, cảm thương và dịu dàng…
Sau lời chào hỏi bà Elisabet, Đức Mẹ đã được linh hứng công bố bài Magnificat là bài ca ngợi khen lịch sử cứu độ mà Đức Giêsu Cứu Chúa đã khởi đầu khi đến với nhân loại: Thiên Chúa giàu lòng thương xót luôn giữ lời hứa và vận mệnh kiếp người được đảo ngược. Như thế, Thiên Chúa là Đấng đi tìm những gì nghèo hèn và yếu kém mà bù đắp và nâng lên vượt bậc. Chúng ta, dù là giàu nghèo, sang hèn, chỉ còn một việc là tạ ơn, vì giữa lòng thế giới chúng ta đều được cứu độ[3]. Đức Thánh Cha khẳng định “trọng tâm của truyền giáo là ‘mọi người’, không trừ một ai…Tin Mừng của Chúa Kitô kêu gọi mọi người gặp gỡ nhau, nhìn nhận mình là anh em của nhau, và vui mừng trong sự hòa thuận giữa những khác biệt”.
Truyền giáo là đi ra và mời mọi người đến dự tiệc: Tin Mừng kêu gọi mọi người đến với bàn tiệc của Thiên Chúa, bàn tiệc ngập tràn niềm vui, sự chia sẻ, công lý và tình huynh đệ trong sự hiệp thông với Thiên Chúa và với người khác…là thực sự cảm nếm trước bữa tiệc cánh chung đã được các ngôn sứ tiên báo. Đức Maria luôn đón nhận và đưa người ta đến thờ lạy Thánh Thể: các mục đồng nghèo khó, ba vị đạo sĩ, đôi tân hôn Cana…Sau khi được Chúa triệu hồi về thiên quốc, cách này hay cách khác, Mẹ vẫn tiếp tục mời gọi con cái đến với Chúa Giêsu Thánh Thể; gần gũi với chúng ta nhất là câu chuyện giữa đêm khuya 18.7.1830 Đức Mẹ đã từ trời đi ra, đến với Sơ Catherine Labourê, một tập sinh của Tu Hội Nữ Tử Bác Ái, kém cỏi về học vấn, mời gọi Sơ và qua Sơ là mọi người đến nhà nguyện:
“Hãy đến chân bàn thờ này.
Nơi đây mọi ơn lành sẽ tuôn đổ xuống trên mọi người đến cầu xin với lòng tin tưởng nhiệt thành,
cả người quyền quí lẫn người thấp hèn”[4].
Đức Maria không giữ Sơ Catherine Labourê lại cho riêng mình, nhưng hướng Sơ tới Chúa. Mẹ không là cùng đích nhưng là tấm bảng chỉ đường dẫn đến với Chúa Giêsu hiện diện trong Bí Tích Thánh Thể và trong người anh chị em. Khi chỉ vào Nhà Tạm nơi bàn thờ, Đức Maria tạo cơ hội cho ta gặp gỡ và hiệp thông với Chúa cách cụ thể:
- “Hãy đến”, nghĩa là hãy ra khỏi chính mình con, lên đường và đi đến…Như thế, muốn đến với Chúa và kẻ khác, chúng ta phải từ bỏ / để qua một bên cái gì đó: giấc ngủ, sự an toàn, sự mê chơi…
- “Chân bàn thờ này”, quì mọp dưới chân ai, là muốn nói lên mình rất cần tới họ. Đức Mẹ dạy chúng ta cần có thái độ khiêm hạ và tin tưởng, để gặp Chúa Giêsu trong Bí Tích Thánh Thể.
- “Mọi ơn lành sẽ tuôn đổ xuống trên mọi người…”, mỗi lần đến với Chúa Giêsu Thánh Thể, Ngài đổ đầy tình thương và mọi hồng ân trên ta. Ta đón nhận tình thương và sức mạnh của Ngài một cách dồi dào để trở nên những nghệ nhân xây dựng một thế giới mới[5].
Đức Thánh Cha Phanxicô khẳng định: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để bất cứ ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.” (Ga 3:16). Bất cứ ai, bất luận nam hay nữ, đều được Thiên Chúa mời gọi thông phần vào ân sủng của Người, ân sủng có sức biến đổi và cứu sống. Người ấy chỉ cần thưa “vâng” trước món quà cho không này của Thiên Chúa, chấp nhận nó và để mình được nó biến đổi, mặc nó vào mình như một chiếc áo cưới” (x. Mt 22:12).
Vinh dự thay được làm con của Mẹ
Tiếp nối bước chân chia sẻ niềm vui
Ra đi – mời hết mọi người
Dự tiệc Thánh Thể Chúa Trời ân ban!
[1] Mt 22, 1-14
[2] Nguồn: Lc 1, 2-56 và Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô cho ngày thế giới truyền giáo 2024
[3] X. Kinh Thánh, Lời Chúa cho mọi người, trang 1723 phần chú giải
[4] René Laurentin, Cuộc đời thánh nữ Catherine Labourê, trang 32
[5] THNTBAVS, Sứ điệp của Sơ Catherine Labourê-động lực đời sống, trang 58-59