fbpx

GIA ĐÌNH VINH SƠN – CÙNG NHAU LOAN BÁO TIN MỪNG

Tu Hội Nữ Tử Bác Ái

Ngày thành lập: 29.11.1633

Tự bản chất, Tu Hội Nữ Tử Bác Ái là truyền giáo. Các chị sẵn sàng phục vụ ở bất cứ nơi nào được sai đến, xác tín rằng các chị đang góp phần vào việc thực hiện sứ mệnh do  Giáo Hội trao phó[1].

Được thành lập tại Pháp vào thế kỷ 17, do Thánh Vinh Sơn Phaolô và Thánh Louise de Marillac. Bước đầu của Tu Hội Nữ Tử Bác Ái rất đơn sơ và bất ngờ, chính cha Vinh Sơn Phaolô đã xác nhận: “Có ai nghĩ rằng sẽ có Nữ Tứ Bác Ái khi có những thiếu nữ thôn quê đầu tiên đến phục vụ tại vài giáo xứ ở Paris? Ô! Không, các con thân mến, cha đã không nghĩ đến điều đó, cô Le Gras cũng không, cả cha Portail cũng chẳng hề có ý nghĩ đó. Thiên Chúa đã nghĩ đến điều đó thay cho các con. Chính Thiên Chúa, chúng ta có thể nói Người là Đấng sáng lập ra Tu Hội này; chính người mới thật là tác giả chứ không phải ai khác…[2]”.

  • Thậy vậy, cha Vinh Sơn Phaolô, sau 17 năm sống đời linh mục, từ 1600-1617, đã gặt hái nhiều thất bại hơn thành công. Thế rồi, nhờ biết chăm chú theo dõi sự Quan Phòng của Thiên Chúa và với cặp mắt đức tin, nhận ra những dấu chỉ thời đại: những nỗi khốn khổ về vật chất và tinh thần của đa số dân chúng thời đó, nhưng không mấy ai quan tâm đến họ! Cha lắng nghe tiếng Chúa mời gọi tận hiến cuộc đời cho Thiên Chúa để phục vụ và rao giảng Tin Mừng cho người nghèo. Cha đã tạo mọi điều kiện để có nhiều người cộng tác vào công việc rộng lớn chỉ mới bắt đầu này.
  • Thời gian đó, Louise de Marillac, đang trong cuộc khủng hoảng đức tin, cũng được Chúa cho thoáng thấy dự định của Chúa trên bà.

Sau khi chu toàn bổn phận với người chồng, bà dành thời giờ câu nguyện tìm kiếm thánh ý Chúa. Bà có dịp quen biết với cha Vinh Sơn Phaolô, quan sát những công việc bác ái ngài thực hiện, bà được thu hút vào công việc phục vụ những người nghèo khổ này. Cha Vinh Sơn đón tiếp bà, giúp bà phân định và tìm kiếm thánh ý Chúa. Sau một thời gian, bà “được sai đi” đến thăm viếng các Hội Bác Ái mà cha đã thành lập tại các giáo xứ, do các mệnh phụ điều hành. Trong khi thăm viếng, bà louise nhận ra những khó khăn của các hội bác ái là các mệnh phụ không đảm trách được việc phục vụ người nghèo, nên sai các đầy tớ của các bà đến thay thế và dĩ nhiên người nghèo bị thiệt thòi nhiều về thể xác cũng như tinh thần.

  • Chẳng bao lâu sau, cha Vinh Sơn nhận được tín hiệu có một vài thiếu nữ ước ao tự hiến cho Thiên Chúa để phục vụ những người nghèo khổ: “Bấy giờ có cô Marguerite Naseau, một thiếu nữ nhà quê đến xin đảm nhận những công việc thấp kém mà các bà trong các hội bác ái không thể làm được…[3]

Các cô bạn cũng được thu hút đi theo cô đến xin phục vụ người nghèo. Cha Vinh Sơn rất vui mừng và giao cho bà Louise đồng hành với các cô, trong các Hội Bác Ái khác nhau ở Paris. Bà Louise giúp các cô chăm sóc đời sống tâm linh cá nhân, dạy họ yêu thương và kính trọng người nghèo vì đó là hình ảnh của Chúa Kitô. Lòng bác ái của cô Marguerite Naseau cao cả đến độ cô đã chết vì để cho một thiếu nữ nghèo bị mắc bệnh dịch hạch ngủ cùng giường với cô…[4]. Cái chết vì đức ái của Marguerite Naseau, vào tháng 02.1633, chất vấn bà Louise cũng như cha Vinh Sơn. Cả hai đã dành giờ cầu nguyện và suy nghĩ về việc tiếp nhận các thiếu nữ tự nguyện này, hướng dẫn họ sống tận hiến cho Thiên Chúa để phục vụ người nghèo.

Tu Hội Nữ Tử Bác Ái được hình thành: 29.11.1633

Biến cố nền tảng đã xảy ra ngày 29.11.1633: các thiếu nữ tụ họp tại nhà bà Louise vào buổi tối. Trong ngôi nhà này, các thiếu nữ không đóng kín trong phòng, nhưng sống phong cách “đi đi-lại lại” để phục vụ người nghèo về thể xác và tinh thần. Sống và thực hành bác ái theo cách này, chính là cách thức Loan Báo Tin Mừng của các cô thiếu nữ này, ngay từ thuở ban đầu, và dân chúng đã đặt tên cho các cô là “con gái của bác ái/filles de la charité”: “Chính Thiên Chúa đã ban danh hiệu ấy cho Tu Hội; bởi vì không phải cô Le Gras, cũng không phải cha Portail, cũng không phải cha đã gọi các con là Nữ Tử bác Ái . Nên nhớ rằng khi thấy những điều các con làm và việc phục vụ mà các chị em đầu tiên đã làm cho người nghèo, người ta đã đặt cho các con danh hiệu đó, một danh hiệu rất thích hợp với công việc của các con …”[5].

Tại Việt Nam

Theo lời mời của Đức Giám mục Isidore Dumortier Đượm, Giám mục Giáo phận Saigon thời đó, ngày 11/ 12/ 1928, ba Nữ Tử Bác Ái người Pháp đầu tiên đặt chân lên đất Việt Nam. Các chị phục vụ tại bệnh viện Gia Định và được ban giám đốc bệnh viện tặng một căn nhà trong khu vực bệnh viện (đây là ngôi nhà đầu tiên của Tỉnh dòng, sau đó trả lại cho bệnh viện). Tháng 03 năm 1929, một chị Nữ Tử Bác Ái người Trung Hoa đến ở với ba chị, làm thành cộng đoàn Nữ Tử Bác Ái đầu tiên của Tỉnh Dòng Việt Nam, hiện nay là cộng đoàn Mẹ Vô Nhiễm-Gia Định, số 10 Phan Đăng Lưu, P.7, Q. Bình Thạnh.

 Năm 1932, Tỉnh Dòng Việt Nam được thành lập, với Tuyển Viện – Chuẩn Viện – Tập Viện, đặt Nhà Chính tại Thủ Đức (1932-1940), sau đó là Đà Lạt (1941-1975) và từ 1975 đến nay, tại 42 Tú Xương, Quận 3, TP. HCM.

Kết:

Năm 1655, sau khi được Đức Hồng Y De Retz phê chuẩn Tu Hội, cha Vinh Sơn tái khẳng định với các Nữ Tử Bác Ái tầm quan trọng của đức tin và của bản chất ơn gọi: “Để trở nên các Nữ Tử Bác Ái thật sự, phải làm những gì Con Thiên Chúa đã làm trên trần gian…Ngài đã liên tục làm việc vì tha nhân, thăm viếng và chữa lành bệnh nhân, dạy dỗ những người dốt nát vì ơn cứu độ của họ[6]

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

[1] X. Hiến Pháp của Nữ Tử Bác Ái, số 25

[2] SV. IX,113- 114.127, ngày 14/6/1643

 

[3] Coste IX trang 78-79

[4] BNC của Thánh Vinh Sơn với các Nữ Tử Bác Ái, tập 2, trang 51

 

[5] SV. X,472-473, ngày 4/3/1658

[6] Coste IX, trang 15

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *