fbpx

CÙNG MẸ SỐNG HY VỌNG

NIỀM VUI ĐÓN CHÚA ĐẾN

  

Cám ơn Mẹ mang Chúa đến cho con!

            Mùa Vọng đến khai mạc một năm Phụng Vụ mới. Ý nghĩa của mùa này là trông đợi, mong chờ Chúa đến, với niềm vui kiên trì và lòng tín trung, được thể hiện qua màu tím trong Phụng Vụ. Vậy khi nào Chúa mới đến?

  • Chúa đã đến lần thứ nhất cách đây hơn 2000 năm, tại Bê-lem, trong thân phận làm người. Mùa vọng giúp ta chuẩn bị tâm hồn mừng kỷ niệm ngày sinh nhật trọng đại này, sinh nhật của THIÊN CHÚA-LÀM NGƯỜI, để ở với và cứu độ chúng ta.
  • Chúa sẽ đến lần thứ hai vào ngày cánh chung/tận thế để phán xét thế gian, hoàn thành công trình cứu độ nhân loại và toàn thể vũ trụ. Chúng ta cần biết kiên trì-tín trung, trông chờ ngày trọng đại đó, vì nó hoàn toàn bất ngờ.
  • Giữa hai lần Chúa đến ấy, còn những lần Chúa ngự đến cách mầu nhiệm trong tâm hồn chúng ta qua Bí Tích Thánh Thể hoặc bằng ân sủng của Ngài: “Ai yêu mến thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy[1]. Đặc biệt hơn nữa là vào lúc cuối đời/giờ chết của mỗi người chúng ta, nhưng cũng không biết lúc nào. Vậy làm sao có thể kiên trì để đón tiếp khi Chúa đến? Chính Chúa Giê-su căn dặn chúng ta: Các con hãy coi chừng, hãy tỉnh thức và cầu nguyện, vì các con không biết lúc đó là lúc nào[2].

“Hãy Tỉnh Thức”

      Tỉnh thức có nghĩa là: không để cho lòng mình trở nên lười biếng và đời sống thiêng liêng trở nên tầm thường. Hãy đề phòng vì chúng ta có thể là một “Ki-tô hữu đang ngủ mê… Sự lãnh đạm là sự lười biếng tạo ra nỗi buồn, làm mất đi niềm vui sống và ước muốn làm việc. Sách Châm ngôn nói: “Hãy giữ tim con cho thật kỹ, vì từ đó mà sự sống phát sinh[3]. Gìn giữ trái tim: điều này có nghĩa là tỉnh thức![4]

“Và Cầu Nguyện”

Đây chính là bí quyết để luôn tỉnh thức. Chính lời cầu nguyện giữ cho ngọn đèn của trái tim luôn cháy sáng. Đặc biệt là khi chúng ta cảm thấy lòng nhiệt thành trở nên nguội lạnh, thì lời cầu nguyện lại khơi dậy nó, bởi vì lời cầu nguyện đưa chúng ta trở về với Chúa, trở lại trung tâm của mọi sự. Nó đánh thức linh hồn khỏi sự mơ ngủ và tập trung vào những gì quan trọng, vào mục đích của sự hiện hữu. Ngay cả trong những ngày bận rộn nhất chúng ta đừng quên cầu nguyện. Lời cầu nguyện của trái tim, thường là những lời khẩn cầu ngắn, có thể giúp đỡ chúng ta.

 Trong Mùa Vọng, chúng ta hãy tập quen với lời nguyện tắt: “Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến”. Mỗi khi nghĩ đến hang đá, đến đêm Noel, chúng ta nói với cả tâm tình: “Lạy Chúa Giêsu xin Ngài đến và sống trong con”. Mỗi khi cầu nguyện như vậy là linh hồn chúng ta đang tỉnh thức![5]

Tỉnh thức và cầu nguyện như thế, giúp củng cố niềm hy vọng của chúng ta nơi lời hứa của Chúa Giêsu. Chứng tá hùng hồn nhất của niềm hy vọng này là Đức Maria, Mẹ của Chúa Giêsu: “Mẹ chiếu sáng như một dấu hiệu của lòng cậy trông vững vàng và niềm an ủi cho dân Chúa đang lữ hành”[6]. Đức Mẹ không chiếu sáng theo kiểu hoành tráng của con người, nhưng như một người mẹ tìm đến gặp gỡ con cái ở nơi này nơi kia, để dạy bảo cách sống cho đẹp lòng Chúa và kiến tạo hòa bình.

Hãy đến chân bàn thờ này…

 Cụ thể nhất và gần gũi nhất, là khi hiện ra với Sơ Catherine Labourê, trong bối cảnh của chiến tranh tàn khốc của nước Pháp, gây ra quá nhiều cảnh đói khổ, chết chóc, thất vọng…Mẹ dạy bảo cách thế khôi phục lại niềm hy vọng và an ủi dân chúng là: “Hãy đến chân bàn thờ này, nơi đây sẽ tuôn ra nhiều hồng ân cho mọi người đến cầu xin với lòng tin tưởng, sốt sắng; dù là người quyền quí hay bé mọn”. Chắc chắn lời dạy bảo này của Mẹ cũng dành cho chúng ta. Hãy tỉnh thức và cầu nguyện! Căn phòng tâm hồn hoang vắng của chúng ta sẻ trở nên hang đá ấm cúng đón mừng Chúa đến từ tay Mẹ và trải nghiệm niềm hạnh phúc được cứu rỗi của Đấng Emmanuen- Thiên Chúa ở cùng chúng ta.

ĐỨC MARIA

 người phụ nữ tỉnh thức chờ đợi và cầu nguyện

Xin Đức Trinh Nữ Maria, Đấng mang Chúa Giêsu đến cho chúng ta, người phụ nữ tỉnh thức chờ đợi và cầu nguyện, giúp củng cố niềm hy vọng của chúng ta nơi lời hứa của Chúa Giêsu, Con của Mẹ, để cho chúng ta cảm nghiệm rằng, qua những chao đảo của lịch sử, Thiên Chúa luôn trung tín và dùng cả những lỗi lầm của con người để biểu lộ lòng thương xót của Ngài[7].

[1] Ga 14,23

[2] Mc 13,33

[3] Cn 4,23

[4] X. Đức Phanxicô, huấn dụ CN I Mùa Vọng năm C, 28.11.2021

[5] Nt.

[6] Lumen Gentium, số 68

[7] X. Đức Phanxicô, huấn dụ CN I Mùa Vọng năm C, 28.11.2021

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *