13.12.2024 – THỨ SÁU TUẦN II MÙA VỌNG
Mt 11,16-19
“Tôi phải ví thế hệ này với ai?” (Mt 11,16)
CHIÊM NGẮM MẸ SỐNG TIN MỪNG:
Cháu gái tôi mới 3 tuổi nhưng rất thích làm cô giáo. Mỗi tối, cháu đòi ba mẹ, anh chị ngồi ngay ngắn nghe cháu dạy đọc thơ, y như cô giáo đã dạy cháu trên lớp vậy. Nếu ai có việc riêng không thể ngồi nghe cháu, thì cũng phải “khoanh tay” để “xin phép cô giáo” rồi mới được đi. Vì chiều cháu, nên đôi khi cả ông bà cũng tham dự “lớp học” và “cô giáo 3 tuổi” cứ oang oang giảng bài! Trẻ nhỏ là thế đấy: luôn muốn người khác làm theo ý mình chứ không thích vâng lời người lớn.
Trong lịch sử cứu độ, Dân Israel cũng như những đứa trẻ chưa trưởng thành: muốn được cứu độ nhưng không muốn hoán cải, muốn bình an và tự do, nhưng không muốn sống theo giáo huấn của Chúa. Chính vì theo nếp sống dân ngoại, họ đã bị ngoại bang xâm chiếm, bắt đi lưu đày. Họ tưởng tự do là muốn làm gì thì làm, chính vì thế mà họ đi lạc hướng và phải làm nô lệ. Vậy tự do đích thực và khôn ngoan thật chính là biết “lưu ý đến mệnh lệnh của Thiên Chúa”[1] và thực hành, vì đó chính là cái “ách êm ái” giúp đi đúng đường cách nhẹ nhàng, mà chúng ta vừa nghe hai ngày trước.
Thời Chúa Giêsu, người Do Thái lại hay phê phán, họ cho lối sống chay tịnh, khổ hạnh của Gioan Tẩy Giả là khác thường, là “bị quỷ ám” (c.18b). Khi Chúa Giêsu sống gần gũi với hết mọi người và đồng bàn với kẻ tội lỗi, để họ cảm nhận được tình thương của Thiên Chúa, người Do thái lại cho Chúa là “quân ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi” (c.19b). Hơn nữa, vì ghen ghét, giới lãnh đạo Do Thái đã xuyên tạc về ý nghĩa những hành động rao giảng và chữa lành của Chúa Giêsu. Họ không nhìn nhận Người là Đấng Mêsia và còn tìm cách để dân chúng cũng không tin nhận Người.
Tuy nhiên, “Đức Khôn Ngoan được chứng minh bằng hành động” (c.19). Đời sống của Gioan Tẩy Giả và Chúa Giêsu đều được hướng dẫn và thúc đẩy bởi cùng một Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa, nên vẫn thu hút được những người thành tâm thiện chí. Họ lũ lượt đến nhận phép rửa từ Gioan Tẩy Giả, cũng như họ kéo nhau đến bên Chúa Giêsu để được chữa lành và nghe Người giảng dạy. Nơi Chúa Giêsu, họ cảm nhận được tình yêu thương thật sự của Thiên Chúa.
Ngày nay, vẫn có những người luôn tìm cách phủ nhận sự hiện diện, quyền năng và tình thương của Thiên Chúa. Họ lý giải những biến cố xảy đến trong vũ trụ thiên nhiên theo định luật vật lý (họ quên rằng những định luật vật lý cũng là do Thiên Chúa ấn định…) và xem nhẹ giá trị thánh thiêng của con người. Vì thế, họ cổ võ phá thai, an tử, chuyển giới, hôn nhân đồng tính…và tìm đủ lý lẽ để biện minh cho việc làm của họ. Đức Thánh Cha Phanxicô đã gọi đó là một “nền văn hóa vứt bỏ” mà trong đó, nạn nhân là những người yếu đuối dễ bị tổn thương nhất.[2] Hơn bao giờ hết, chúng ta cần sống đức tin cách trưởng thành, biết lắng nghe và thực hành giáo huấn của Chúa và Giáo Hội, nỗ lực chiến đấu với sự lười biếng của bản thân, sống bác ái, chân thật, tiết độ…
Khác với những người Do thái đương thời, Mẹ Maria đã nhạy bén nhận ra “Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả…”[3] Với lòng khiêm tốn, Mẹ tuyên xưng niềm tin vào Thiên Chúa, Đấng không chỉ yêu thương cá nhân Mẹ mà còn “hằng thương xót những ai kính sợ Người.” Mẹ nhận biết những đặc ân lớn lao Chúa ban cho Mẹ: Vô Nhiễm Nguyên Tội, Đồng Trinh trọn đời, làm Mẹ Thiên Chúa…và hân hoan đón nhận những đặc ân ấy để cộng tác vào công trình của Thiên Chúa để cứu độ nhân loại.
SỐNG TIN MỪNG VỚI MẸ:
Noi gương Mẹ, tôi đón nhận cuộc sống hiện tại và cộng tác với ơn Chúa để sinh hoa kết trái theo kế hoạch của Chúa.
CẦU NGUYỆN VỚI MẸ:
Lạy Mẹ Maria, xin giúp con trưởng thành hơn trong đức tin, biết nhận ra những gì Chúa muốn dạy con qua các biến cố hằng ngày, để thêm xác tín vào tình thương Chúa dành cho con. Amen.
Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.
[1] Bài Đọc I, Is 48,18
[2] http://www.simonhoadalat.com/HOCHOI/Giaohoi/DienVan/58BenhVienKrackow.htm
[3] Lc 1,49