THỨ TƯ – NGÀY 25 THÁNG 12
LỄ CHÚA GIÁNG SINH
Lc 2,1-14
“Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đa-vít,
Người là Đấng Ki-tô, là Đức Chúa.” (Lc 2,11)
CHIÊM NGẮM MẸ SỐNG TIN MỪNG:
Lịch sử truyền giáo Viễn đông kể rằng: một lần, đoàn thuyền của đề đốc Magellan gặp cuồng phong trên biển. Trong lúc con thuyền đang bồng bềnh chống chọi với sóng gió, mọi người trên thuyền tụ họp trên cầu tàu để chờ chết. Thấy bên cạnh có một bà mẹ ẵm đứa con thơ, như được ơn soi sáng, đề đốc Magellan đón lấy đứa bé trong tay mình rồi giơ lên cao, cầu nguyện tha thiết: “Lạy Chúa, con và đoàn người đây đều là kẻ tội lỗi đang chết chìm trong vực thẳm này. Nhưng xin Chúa vì đứa trẻ vô tội này mà tha thứ cho chúng con”. Ông vừa dứt lời thì gió yên và biển lặng.[1]
Ai có thể ngờ được đứa bé ấy lại là “ân huệ cứu mạng” cả một đoàn người trên tàu? Cũng thế, ai có thể nhận ra trẻ sơ sinh quấn tã thô sơ, nghèo nàn, nằm nhờ máng ăn của súc vật, lại là MÓN QUÀ CỨU ĐỘ mà Thiên Chúa gửi đến cho cả nhân loại? Chúng ta chỉ có thể nhận ra Người, nhờ xác tín vào lời ngôn sứ đã loan báo từ trước: “Vì một trẻ thơ đã chào đời để cứu ta, một người con đã được ban tặng cho ta.”[2] Món quà ân sủng ấy chính là Đức Giêsu Kitô, như thánh Tông đồ Phaolô đã xác quyết: “Quả thế, ân sủng của Thiên Chúa đã được biểu lộ, đem ơn cứu độ đến cho mọi người… vì chúng ta trông chờ ngày Đức Ki-tô Giê-su là Thiên Chúa vĩ đại và là Đấng cứu độ chúng ta, xuất hiện vinh quang.”[3]
Vâng, điều chúng ta chờ mong đã đến rồi! Đó là điều các thiên thần đã loan báo cho các mục đồng tại Belem: “Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đa-vít. Người là Đấng Ki-tô, là Đức Chúa” (c.11). Qua một dấu chỉ quá đỗi bình thường và nghèo nàn: “một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ” (c.12), nhưng với lòng tin đơn sơ, các mục đồng đã tìm thấy Đấng muôn dân trông đợi. Ngược lại, những nhà thông thái, hàng lãnh đạo Dân Israel không nhận ra nên đã chối từ Người.
Chúa đã đến trần gian này là vì chúng ta và cho chúng ta. Máng cỏ Belem chỉ là biểu tượng nhắc nhớ ta về cuộc Giáng Sinh âm thầm và nghèo nàn của Chúa khi xưa. Nhưng hôm nay, Người tiếp tục được sinh ra trong tâm hồn và trong cuộc đời chúng ta, ngay tại những nơi, những việc và những người mà ta thường ít quan tâm và dễ bỏ qua nhất.
- Khi ta làm việc âm thầm với tất cả tình yêu và tinh thần trách nhiệm, vì yêu mến Chúa và ích lợi cho tha nhân, là Chúa Giêsu được sinh ra trong tâm hồn ta và những người ta phục vụ.
- Khi gặp khó khăn, hiểu lầm… ta vẫn trung thành làm vì vinh danh Chúa, và nâng đỡ anh chị em cùng làm việc: Chúa Giêsu được sinh ra tại nơi làm việc của ta.
- Khi bị người khác làm phiền, hoặc gặp phải những điều trái ý, ta vẫn cố gắng vui vẻ với họ; khi đó, Chúa Giêsu được sinh ra trong tâm hồn những người ta tiếp xúc và Người trở nên Ơn Cứu Độ cho chính ta.
Mẹ Maria đã sẵn sàng và quảng đại xin vâng, cộng tác vào chương trình của Chúa, dù không ai hiểu Mẹ. Mẹ đón nhận những khó khăn trong hành trình đi Belem, chấp nhận bị chối từ nơi quán trọ và phải sinh con trong hang súc vật, nhưng chính tình yêu và lòng quảng đại của Mẹ đã trở nên chiếc nôi ấm áp, hơn cả ngai vàng cho Vua Giêsu sinh vào trần gian này. Mỗi khó khăn trong cuộc sống là một cơ hội để tình yêu của Mẹ đối với Chúa và với mọi người được lớn lên.
SỐNG TIN MỪNG VỚI MẸ:
Noi gương Mẹ, tôi đón nhận mọi người, mọi việc với tình yêu và lòng quảng đại, để Chúa Giêsu được sinh ra và lớn lên qua cuộc sống của tôi.
CẦU NGUYỆN VỚI MẸ:
Lạy Mẹ Maria, xin giúp con mở rộng tâm hồn trước những biến cố hay những người đến với con, để con nhận ra Món Quà Cứu Độ Chúa dành sẵn cho con, và mau mắn tiếp rước Người. Amen
Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.
[1] X. https://tgpsaigon.net/bai-viet/ngay-25-thang-12-chua-giang-sinh-le-demrang-dongban-ngay-59189
[2] Bài Đọc I, Is 9,5
[3] Bài Đọc II, Tt 2,11.13