16.01.25 – THỨ NĂM TUẦN I THƯỜNG NIÊN
Mc 1,40-45
Đức Giê-su chạnh lòng thương giơ tay đụng vào anh và bảo:
“Tôi muốn, anh hãy được sạch!” (Mc 1,41)
CHIÊM NGẮM MẸ SỐNG TIN MỪNG:
Phong cùi vẫn luôn là một căn bệnh đáng sợ trong mọi thời đại. Người bệnh phong bị cả thân nhân lẫn mọi người xa lánh. Trong lần băng rừng đến một buôn làng ở xa, Cha Cassaigne gặp một nhóm người phong cùi rách rưới, dơ bẩn nằm bên đường, kêu gào thảm thiết. Họ sụp lạy và xin cứu giúp khiến ngài không cầm lòng được. Sau nhiều đêm trằn trọc nghĩ đến họ, Tình yêu Đức Kitô đã thôi thúc ngài làm những căn nhà sàn đơn sơ ở khu đất trống dưới chân đồi, gần mé ruộng, cách nhà xứ Kala khoảng 1km. Sau đó, ngài lại băng rừng, kiếm tìm và đưa những bệnh nhân bị gia đình ruồng bỏ, bị xã hội loại trừ ấy về chăm sóc và chữa bệnh cho họ, trước sự “ghê tởm” của không ít người. “Làng cùi Di Linh” được hình thành từ đấy.[1] Sau này, khi đã trở thành Giám Mục của giáo phận Sài Gòn, Cha Cassaigne vẫn không quên những người con đáng thương ấy.
Sở dĩ Cha Cassaigne đã xúc động sâu xa và dám chạm đến họ, đón nhận và chăm sóc họ, là vì chính Chúa Giêsu đã từng làm và dạy chúng ta làm như thế. Thật vậy! Chúa Giêsu luôn sẵn sàng bày tỏ lòng thương xót đối với những con người bị kỳ thị cách bất công. Người phong cùi hôm nay hẳn đã nghe biết về lòng thương xót ấy, nên anh mới can đảm “đến gặp Đức Giê-su” (c.40), bất chấp luật “cách ly” của xã hội.[2] Khi đến trước mặt Đức Giêsu, anh đã quỳ xuống (một cử chỉ thờ phượng chỉ dành cho Thiên Chúa) và thưa: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch” (c.40). Anh đặt ước muốn của mình vào trong ý muốn của Chúa, và tùy thuộc ý Chúa, chứ không đòi buộc Chúa làm theo ý mình. Đó là một lời cầu xin thật đẹp, đầy lòng tin tưởng và phó thác.
Xuyên qua vẻ ngoài đáng sợ vì bệnh tật ấy, Chúa Giêsu đã nhìn thấy vẻ đẹp trong tâm hồn anh. Thay vì phải xa lánh con bệnh như luật dạy, Người đã chạm đến anh bằng tất cả lòng thương xót để xóa đi khoảng cách giữa anh với Người: khoảng cách giữa con người với Thiên Chúa, giữa kẻ bị coi là ô uế và người thanh sạch. Người nói với anh: “Tôi muốn, anh hãy được sạch!” (c.41), lập tức, anh được sạch. Chúa Giêsu rất tôn trọng Lề Luật và những người đại diện Lề Luật, Người bảo anh “hãy đi trình diện tư tế” để được hòa nhập lại với xã hội. Hơn nữa, Người muốn anh thể hiện đức tin vào Chúa qua phép lạ này, hơn tất cả những việc khác.
Tuy nhiên, thật khó để giữ kín một niềm vui lớn lao như thế, nên anh đã “rao truyền và loan tin ấy khắp nơi” và vì thế, người ta đến quá đông nên Chúa không thể công khai vào thành nào được, mà phải ở lại những nơi hoang vắng ngoài thành. Đôi lúc, ta tưởng mình đang làm vinh danh Chúa, nhưng không ngờ ta đang cản trở công việc của Chúa, vì ta làm theo ý riêng chứ không theo sự hướng dẫn của Chúa.
Với xác tín “Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người”[3], Đức Maria đã luôn vâng phục và phó thác tuyệt đối nơi lòng thương xót của Chúa. Tin rằng “không có gì mà Chúa không làm được”,[4] nên Mẹ đặt trọn ý mình trong thánh ý Thiên Chúa và tùy thuộc vào Người: “Này tôi là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.”[5] Thiên Chúa đã “chạm đến” và “ở cùng” Mẹ. Mẹ đã khiêm nhường vâng phục và làm theo sự dẫn dắt của Chúa, qua sứ thần và sự điều hành của Thánh Giuse, để ý Chúa được nên trọn.
SỐNG TIN MỪNG VỚI MẸ:
Noi gương Mẹ, tôi
- Tập nhận biết những lần Chúa “chạm vào đời tôi” bằng ân sủng của Người.
- Tin tưởng phó thác vào Chúa, lắng nghe và vâng phục mọi điều Chúa và Giáo Hội dạy.
CẦU NGUYỆN VỚI MẸ:
Lạy Mẹ Maria, xin giúp con nhận ra những dấu chỉ tình thương Chúa vẫn dành cho con mỗi ngày, biết khiêm tốn, vâng phục và tín thác vào Chúa để không làm cản trở công việc của Chúa trong đời con. Amen
Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.
[1] X. https://gdanhducmebanon.org/2019/10/31/duc-cha-jean-cassaigne/
[2] Lv 14,45-46
[3] Kinh Magnificat.
[4] Lc 1,37
[5] Lc 1,34.38