18.01.25 – THỨ BẢY TUẦN I THƯỜNG NIÊN
Mc 2,13-17
“Tôi không đến để kêu gọi người công chính,
mà để kêu gọi người tội lỗi.” (Mc 2,17)
CHIÊM NGẮM MẸ SỐNG TIN MỪNG:
Đức Thánh Cha Phanxicô rất yêu thích bức tranh “Ơn gọi của Thánh Mát-thêu” của danh họa Caravage. Trong bức tranh đó, Chúa Giêsu đứng chỉ tay về phía chiếc bàn, rồi một người có râu nhìn Chúa Giêsu, tay chỉ về phía mình như muốn hỏi: “Ngài gọi tôi hay gọi anh này?” Vì bên cạnh ông ta là một người trẻ đang bận rộn với tiền bạc. Đức Thánh Cha nói rằng: “tôi nghĩ tôi giống như Mát-thêu” và ngài đã chọn câu khẩu hiệu cho đời giám mục của ngài là: “được chọn vì được tha thứ”.[1]
Quả thật, Mát-thêu được Chúa chọn không phải vì ông là một biệt phái đạo đức hay một kinh sư lỗi lạc, nhưng vì ông đang ngụp lặn trong một “vũng lầy êm ái” của tiền bạc và sự khinh ghét của đồng bào. Ông là Lêvi – người thu thuế, ông cộng tác với ngoại bang để bóc lột chính đồng bào mình. Đó là một thứ tội công khai bị xem như đồng hàng với “bọn đĩ điếm”, là thứ cặn bã của xã hội. Cả đến người ăn xin cũng không thèm nhận tiền bố thí của người thu thuế. Chúa Giêsu biết rõ Mát-thêu, vì Người chính là Lời sống động của Thiên Chúa, đồng thời Người cũng là vị Thượng tế biết cảm thương những nỗi yếu hèn của con người.[2] Người “đi ngang qua trạm thu thuế” để tìm và Người “nhìn thấy” ông. “Người bảo ông: “Anh hãy theo tôi!” Ông đứng dậy đi theo Người” (c.14).
Thiên Chúa yêu thương mọi người, cách riêng những người tội lỗi. Có thể Mát-thêu là tên Chúa Giêsu đã đặt cho ông, có nghĩa là “ân huệ của Thiên Chúa”. Người còn đến nhà ông dùng bữa với các bạn của ông nữa; điều đó những người tự xem mình là công chính như các kinh sư không thể chấp nhận được, vì họ không bao giờ giao thiệp với “phường tội lỗi”.
Mát-thêu đã mau mắn và dứt khoát “đứng dậy đi theo Người”, cho dù những môn đệ khác của Chúa Giêsu không phải là bạn bè của ông, có thể họ cũng không thích ông. Ông bất chấp những ánh mắt dòm ngó, gièm pha của nhóm biệt phái và luật sĩ, và cả một thách đố lớn nữa là rời xa tiền bạc, thứ mà xưa nay vốn hết sức quen thuộc và gần như không thể thiếu đối với Mát-thêu. Ông vẫn đứng dậy theo Người, vì nơi Thầy có một năng lực hấp dẫn mạnh mẽ đối với ông!
Hôm nay, Chúa Giêsu vẫn tiếp tục gọi và chọn chúng ta ngay trong môi trường ta đang sống, đang có trách nhiệm là một người cha, người mẹ, người con, là công nhân hay doanh nhân, học sinh, sinh viên… Hãy lắng nghe Lời Chúa đang vang lên trong ta “tại đây, lúc này”, xác tín đó là một hồng ân quí giá, vì được Chúa trực tiếp mời gọi cộng tác với Người, ta sẽ thắng được những mối bận tâm, lo lắng trước cái nhìn hoặc đánh giá của người khác, kể cả mối lo vật chất, và gặt hái được nhiều kết quả bất ngờ, quá lòng mong ước.
Khi ý thức mình là “Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới”, Mẹ Maria đã cảm nhận được lòng thương xót của Thiên Chúa nên “Thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi.”[3] Chính vì thế, Mẹ luôn cảm thông với những ai đau khổ buồn phiền, những người từng bị xã hội lên án hoặc bỏ rơi như gia đình Dacaria và Êlizabeth vì hiếm muộn. Mẹ gần gũi và nói chuyện với những người giúp việc trong tiệc cưới Cana. Mẹ yêu thương các tội nhân cách đặc biệt và luôn chuyển cầu cho họ. Chúng ta vẫn kêu cầu Mẹ với tước hiệu “Đức Bà bầu chữa kẻ có tội. Đức Bà yên ủi kẻ âu lo…”[4] vì Mẹ luôn từ bi thương xót, hằng chuyển cầu cách đắc lực cho chúng ta và đưa ta đến cùng Chúa.
SỐNG TIN MỪNG VỚI MẸ:
Noi gương Mẹ, tôi khiêm tốn nhìn nhận sự yếu đuối mỏng dòn của mình và cảm thông với những ai yếu đuối.
CẦU NGUYỆN VỚI MẸ:
Lạy Mẹ Maria, xin cho con cảm nghiệm được ánh mắt yêu thương của Chúa, để con cũng nhìn tha nhân với ánh mắt cảm thông, bao dung và tha thứ, như chính con đã được Chúa thứ tha. Amen
Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.
[1] X. http://phanxico.vn/2018/06/02/vi-sao-duc-phanxico-yeu-thich-buc-tranh-on-goi-cua-thanh-mat-theu/
[2] X. Bài Đọc I, Dt 4,12-16
[3] Kinh Magnificat
[4] Kinh Cầu Đức Bà