fbpx

CÙNG MẸ SỐNG TIN MỪNG – 19.04.25 – THỨ BẢY TUẦN THÁNH

19.04.25 – THỨ BẢY TUẦN THÁNH

LỄ VỌNG PHỤC SINH

Lc 24,1-12

Sao các bà lại tìm Người Sống ở giữa kẻ chết?”
(Lc 24,5)

ĐỌC TOÀN BÀI PHÚC ÂM

CHIÊM NGẮM MẸ SỐNG TIN MỪNG:

Thánh lễ Vọng Phục Sinh có phần Phụng vụ Lời Chúa khá đặc biệt: các bài đọc Cựu Ước và Tân Ước liên kết với nhau, diễn tả hành trình cứu độ thật ngắn gọn, đưa chúng ta theo đoàn Dân lữ hành năm xưa, và cuối cùng dừng lại trước “Ngôi mộ trống”. Vậy “Ngôi mộ trống” có ý nghĩa gì trong đời sống đức tin của chúng ta?

Trước khi tìm hiểu về ngôi mộ trống, ta cùng tóm tắt sơ lược hành trình cứu độ mà Chúa Giêsu đã thực hiện, nguyên nhân dẫn đến cái chết và sự phục sinh của Người. Theo trình thuật của sách Sáng Thế: lúc khởi đầu, Thiên Chúa sáng tạo muôn loài muôn vật, đặc biệt là con người. Thiên Chúa muốn con người làm chủ muôn loài và được sống hạnh phúc. Thế nhưng, tổ tiên loài người đã phạm tội bất tuân lệnh Chúa nên bị đuổi khỏi vườn địa đàng, phải đau khổ và phải chết. Thiên Chúa giàu lòng thương xót, không nỡ để con người phải đau khổ và chết trong tội, đã hứa ban cho nhân loại một Đấng Cứu Thế (Đấng Mêsia) để cứu chuộc và giải thoát họ. Theo kế hoạch ấy, Thiên Chúa đã chọn và thánh hiến cả một Dân tộc, đó là Dân Do Thái, để chuẩn bị cho Đấng Cứu Thế sinh ra.

Trải qua bao thế hệ, dân Do Thái được Chúa huấn luyện bằng những bài học lớn lao mà các nhà thần học đã tóm gọn trong bốn chữ là: “Tội, phạt, hối, cứu”. Từ đó, niềm hy vọng lớn lao về Đấng Mêsia ngày càng lớn dần. Khi Đức Giêsu xuống thế, sinh trưởng và rao giảng Tin Mừng cứu độ cho nhân loại, phần đông những người Do Thái đã tin theo Người. Nhưng giới thượng tế, kinh sư và những người Pharisêu lại không tin và gán cho Người tội danh “phạm thượng”: “vì đã xưng mình là Con Thiên Chúa”.[1] Vì thế, họ xin Philatô xử tử Người. Đức Giêsu đã bị đóng đinh trên thập giá và an táng trong một ngôi mộ. Nhưng Thiên Chúa đã cho Đức Giêsu Phục Sinh và chứng tỏ Người là Thiên Chúa thật, là Đấng Cứu Thế.

Tin Mừng Phục Sinh được loan đi trước hết từ những người phụ nữ đi viếng mộ Người lúc sáng sớm. Họ thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ và không có thi hài Đức Giêsu ở đó, lại có hai người đàn ông y phục sáng chói nói rằng: “Sao các bà lại tìm Người Sống ở giữa kẻ chết? Người không còn đây nữa, nhưng đã trỗi dậy rồi” (cc.5-6). Các bà đi báo tin cho các Tông đồ. Nhưng chỉ khi Chúa Phục Sinh hiện ra củng cố lòng tin cho các ông, các ông mới xác tín rằng Người đã sống lại và là Thiên Chúa thật. Tin Mừng Chúa đã Phục Sinh mời gọi chúng ta đừng “tìm Người Sống ở giữa kẻ chết”, nhưng hãy khám phá ra mầm sống của hy vọng nơi mọi người, mọi biến cố xảy đến. Hãy có cái nhìn tích cực và đầy đức tin, để thấy được tình yêu và quyền năng biến đổi của Thiên Chúa tác động nơi mọi sự trong thế giới này.

Đức Maria, mẫu gương sáng ngời cho chúng ta về đức tin vào cuộc tử nạn và Phục sinh của Chúa Giêsu. Lòng tin son sắt đã giúp Mẹ âm thầm dõi bước theo hành trình rao giảng Tin Mừng của Chúa Giêsu, cho đến khi Người chịu tử nạn. Mẹ đã đứng lặng dưới chân thập giá để chia sẻ, hiệp thông trong từng nỗi đau thương mà Chúa phải chịu vì tội lỗi nhân loại. Vì thế, khi Chúa Giêsu Phục Sinh, Mẹ cũng được thông phần vui mừng và vinh quang với Người.

SỐNG TIN MỪNG VỚI MẸ:

Cùng với Mẹ sầu bi, tôi sống tâm tình thống hối, ăn năn và hoán cải để được hưởng niềm vui phục sinh.

CẦU NGUYỆN VỚI MẸ:

Lạy Mẹ mến yêu, xin Mẹ chuyển cầu cho chúng con và toàn thể nhân loại ngày càng cảm nếm được tình yêu và lòng thương xót vô biên của Chúa qua mầu nhiệm Chúa Tử nạn và Phục Sinh, để chúng con luôn sống trong ân nghĩa của Người. Amen.

Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.

[1] Ga 19,7

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *