17.05.2025 – THỨ BẢY TUẦN IV PHỤC SINH
Ga 14,7-14
“Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha”. (Ga 14,9)
CHIÊM NGẮM MẸ SỐNG TIN MỪNG:
Trong Bài đọc thứ nhất, thánh Luca đã tường thuật lại bối cảnh truyền giáo thuở ban sơ của các Tông đồ và môn đệ của Chúa, cách riêng là hai thánh Phaolô và Barnaba. Hai vị đã quyết tâm rao giảng Lời của Thiên Chúa qua Chúa Giêsu, mặc dù người Do Thái nhiều lần chống đối và cản trở công việc của các ngài. Bởi lẽ, các ngài đã nhìn thấy nỗi khát khao được lắng nghe và chiêm ngắm những mầu nhiệm của Thiên Chúa trong cả dân Do Thái và đặc biệt là dân ngoại. Nỗi khát khao ấy cũng giống như nỗi khát khao được xem thấy Chúa Cha của thánh Philípphê và các Tông đồ trong Bài Tin Mừng hôm nay.
Mặc dù các môn đệ đã đi theo Chúa Giêsu bấy lâu, được cùng ăn, cùng uống, cùng chung sống với Người, nhưng dường như họ chưa cảm nghiệm thực sự về thiên tính của Người. Bên cạnh đó, mầu nhiệm “Một Chúa Ba Ngôi” lại càng khó hiểu và khó cảm nghiệm cho các ngài. Vì thế, sau khi được Chúa Giêsu nói về Chúa Cha, ông Philípphê đã bày tỏ nỗi khát khao của mình và các anh em đồng môn là được “nhìn thấy Chúa Cha”. Niềm khát khao ấy cũng diễn tả đỉnh cao khát vọng của con người là được chiêm ngưỡng nhan thánh Chúa nơi thiên quốc.
Chúa Giêsu đã trả lời cho các ông: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (c.9). Chúa Giêsu muốn cho các môn đệ và cả chúng ta hiểu sâu sắc hơn về mầu nhiệm Ba Ngôi hiệp nhất trong cùng một bản thể, để những ai thấy Ngài, là thấy được sự hiện diện của cả Ba Ngôi. Thế nhưng, với con mắt phàm nhân và lòng tin “chưa bằng hạt cải” thì mấy ai hiểu và cảm được lời của Chúa Giêsu – Ngôi Hai Thiên Chúa Nhập Thể, truyền dạy. Bởi thế, từ xưa đến nay, con người vẫn mãi khát khao đi tìm và mong được nhìn thấy Thiên Chúa.
Một vị vua nọ nảy ra ý nghĩ táo bạo, ông cho mời các lãnh đạo tôn giáo đến và ra lệnh trong một tuần phải làm thế nào cho ông thấy được Thiên Chúa, nếu không sẽ bị chém đầu. Thật là một đòi hỏi nan giải và hóc búa, một ước muốn càn gở! Biết được mối lo âu của các nhà lãnh đạo, một người chăn chiên đến gặp họ và xin nhận công việc đó.
Vào một buổi sáng, người chăn chiên dẫn nhà vua đến đồng cỏ nơi anh thường chăn súc vật. Họ đi bộ, chứ không dùng xe, khi tới nơi, mặt trời đã gần đỉnh đầu. Người chăn chiên đưa tay chỉ mặt trời và xin nhà vua nhìn lên đó.
Vua nổi giận bảo anh muốn làm mù đôi mắt của ông hay sao. Bấy giờ anh ta mới thưa: “Tâu bệ hạ, chỉ một vật do bàn tay Thiên Chúa tạo dựng mà ánh quang của nó rực rỡ đến nỗi bệ hạ chẳng dám nhìn, thì làm sao bệ hạ có thể nhìn thấy Thiên Chúa được?”
Chính lúc ấy, nhà vua đã nhìn thấy Thiên Chúa không phải bằng đôi mắt trần gian, nhưng bằng đôi mắt của niềm tin.[1] Ta hãy xin Chúa ban ơn đức tin để “nhìn thấy Chúa” đang hiện diện “tại đây, lúc này”, qua các biến cố cũng như qua các sự kiện của đời thường.
Đức Maria, người Mẹ hiền yêu dấu của chúng ta, với lòng tin son sắt, đã xác tín Mầu nhiệm Nhập Thể là công trình Thiên Chúa thực hiện để cứu độ con người. Trước hết, Mẹ nhận biết ơn cứu độ Chúa ban cho chính Mẹ: “thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi.” Rồi qua Chúa Giêsu, Mẹ ngày càng thấy rõ Thiên Chúa là Đấng thương xót hết những ai kính sợ Người, con cháu của Abraham…[2]
SỐNG TIN MỪNG VỚI MẸ:
Noi gương Mẹ, tôi xác tín sự hiện diện của Thiên Chúa nơi các thụ tạo, đặc biệt nơi Bí Tích Thánh Thể.
CẦU NGUYỆN VỚI MẸ:
Lạy Mẹ Fatima! Xin giúp con thực thi những sứ điệp mà Chúa nhờ Mẹ gửi đến chúng con để từ đó, nhân loại nhận biết tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa. Amen.
Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.
[1] X. https://vntaiwan.catholic.org.tw/baigiang/giang112.htm
[2] Kinh Magnificat