fbpx

CÙNG MẸ ĐẾN VỚI CHÚA GIÊSU THÁNH THỂ –

HÃY ĐẾN CHÂN BÀN THỜ NÀY    (Kỳ 2)

 

Trong bài trước, chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu tại sao “Điểm Hẹn Của Mẹ” lại là Nhà Chầu? Lần này, chúng ta cùng nhau làm rõ ý nghĩa tại sao “Giờ Hẹn Của Mẹ” lại vào đêm khuya?

TẠI SAO “GIỜ HẸN” LẠI VÀO ĐÊM KHUYA?

Con Thiên Chúa nhập thể mang tên Giêsu, sinh ra làm người vào đêm khuya[1]. Chúa Giêsu chết và đã phục sinh cũng vào đêm khuya[2].

Đêm tối là mặt trái của ngày sáng. Nó luôn u ám và tăm tối. Đêm tối là biểu tượng của sự chết, tội lỗi, và bóng tối của cuộc đời con người.

  • Việc Chúa Giêsu sinh ra vào ban đêm (đêm Noel) là một sự kiện lịch sử mang nhiều ý nghĩa thiêng liêng sâu sắc: Chúa Giêsu là Ánh Sáng, Ngài mang ánh sáng, hy vọng và sự cứu rỗi đến cho nhân loại đang chìm trong bóng đêm sự chết.
  • Việc Chúa Giêsu sống lại vào ban đêm (đêm Vọng Phục Sinh), không chỉ là một sự kiện lịch sử mà còn mang ý nghĩa thánh thiêng: khi bóng tối sự chết bao trùm nhân loại, Chúa Kitô phục sinh biểu thị cho sự chiến thắng của ánh sáng trước bóng tối (tội lỗi, cái chết), và sự phục sinh của Ngài mang lại ánh sáng và hy vọng cho nhân loại đời này và sự sống viên mãn đời sau với Ngài.
  • Hai sự kiện lịch sử và thánh thiêng này là hai biến cố rường cột của Đức Tin Kitô Giáo trong Lịch Sử Cứu Độ. Thiên Chúa biểu lộ tình thương và quyền năng vô song của Ngài trong bầu khí đơn sơ, kín đáo và tĩnh lặng; hoàn toàn trái ngược với sự cầu kỳ, phô trương, ồn ào của những sự kiện trong xã hội nói chung và của phần đông chúng ta nói riêng.

Hơn ai hết, Đức Maria đã cùng với Chúa Giêsu trải qua đêm noel và đêm phục sinh. Mẹ hiểu và thấm thía ý nghĩa sâu xa về cách hành động của Thiên Chúa và cũng trong sự đơn sơ, kín đáo và tĩnh lặng Mẹ đã kêu gọi Sơ Catherine Labourê.

Chúng ta hãy nghe Sơ Catherine Labourê thuật lại: “…Vào hồi 23g30, con nghe gọi tên: “Sơ Labourê, Sơ Labourê”. Con giật mình thức dậy, nhìn về nơi có tiếng gọi, con kéo màn và trông thấy một em bé độ 4,5 tuổi bảo con: “Hãy đến nhà nguyện, Đức Mẹ chờ chị”. Liền khi ấy con nghĩ: “Nhưng mà người ta sẽ nghe tiếng chân tôi”. Em bé liền nói: “Hãy yên tâm, đã 23g30, mọi người đều ngủ say, tôi chờ chị[3]. 

Sơ Catherine Labourê đi theo Thiên Thần tới cung thánh nhà nguyện. Sau ít phút chờ đợi để chuẩn bị tâm hồn, Sơ được hạnh phúc thấy Đức Mẹ đang ngồi trên ghế của cha Bề Trên, quá vui mừng, Sơ nhào tới quì xuống và đặt hai tay trên đầu gối của Đức Mẹ…

Đức Mẹ tâm sự với Sơ nhiều điều về tình hình thế giới lúc đó, về Tu Hội Nữ Tử Bác Ái…và sứ mạng mà Thiên Chúa muốn trao cho Sơ. Tất cả đều quá sức của Sơ, nhưng Đức Mẹ nói “…Chớ nên sợ hãi!” và chỉ dạy Sơ bí quyết bình an và thành công: Hãy đến chân bàn thờ này, vì nơi đây sẽ tuôn ra nhiều hồng ân cho mọi người đến cầu xin với lòng tin tưởng, sốt sắng; dù là người quyền quí hay bé mọn”.

Quả thật, suốt hành trình 46 năm tiếp theo đến cuối đời, Sơ Catherine Labourê, một nữ tu với nhận xét của Bề Trên Tập Viện: “…Biết đọc và viết đủ một mình Sơ hiểu…” lại có thể chu toàn hai sứ mạng Chúa trao phó qua Đức Mẹ là thành lập hội đoàn CON ĐỨC MẸ và phổ biến đặc ân VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI CỦA ĐỨC MARIA (Giáo Hội chỉ định tín mầu nhiệm này 24 năm sau: năm 1854). Cùng với Đức Mẹ, Sơ Catherine Labourê đến với Chúa Giêsu Thánh Thể, nguồn mạch duy nhất của tất cả tri thức, khôn ngoan, phân định sáng suốt và kiên định vững vàng trước những gian nan thử thách trong suốt 46 năm, nhất là cách sống kín đáo, không khoe khoang, không gây chú ý, không giận hờn khi bị nghi ngờ, phỉ báng…

Tóm lại, thông điệp của ĐIỂM HẸN và GIỜ HẸN của Đức Maria mà chúng ta có thể nghe được: chính trong sự thinh lặng của tâm hồn, chúng ta mới biết Tin Mừng (Chúa Giêsu) và chúng ta cố gắng loan truyền Tin Mừng ngày qua ngày trong sự âm thầm. Thiên Chúa luôn muốn mở rộng tâm hồn chúng ta đến phần sâu thẳm nhất của chính mình, đến phần thinh lặng nhất.

Nhà nguyện Ảnh Đức Mẹ Ban Ơn, 140 Phố Bắc, Paris, hiện nay

Điều tuyệt vời là từ năm 1830 đến nay, gần 200 năm qua, ngay tại ĐIỂM HẸN này luôn vang lên lời kinh chuyển cầu được thực hiện trong tĩnh lặng. Ngày ngày khách hành hương từ khắp nơi tìm đến nhà nguyện linh thiêng và tĩnh lặng này, để những đau khổ của trái tim, của nhân loại, của xã hội có thể được xoa dịu và chữa lành bởi Chúa Giêsu Thánh Thể là nguồn mạch bình an và niềm vui cứu độ. Lời của Mẹ vẫn vang lên mời gọi chúng ta đến với Chúa Giêsu Thánh Thể, nơi nào gần nhất, để ở với Chúa, được Chúa yêu thương và đón nhận muôn vàn hồng ân Ngài dành sẵn cho mỗi người chúng ta.

Xem video: Đức Mẹ hiện ra lần thứ nhất với Sơ Catherine Labourê 

[1] Lc 2.8-11

[2] X. Mc 16

[3] NTBAVS-Đức Mẹ và thánh Catherine Labourê, trang 24

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *