15.07.25 – THỨ BA TUẦN XV THƯỜNG NIÊN
Mt 11,20-24
“Đức Giê-su quở trách các thành đã chứng kiến
phần lớn các phép lạ Người làm mà không sám hối”
(Mt 11,20)
CHIÊM NGẮM MẸ SỐNG TIN MỪNG:
Sách Sáng Thế kể lại chuyện thành Xơ-đôm bị lửa từ trời thiêu hủy.[1] Theo cái nhìn tự nhiên, người ta có thể giải thích rằng đó là một thiên tai xảy ra ngoài dự đoán. Nhưng với cái nhìn Kinh Thánh, thì vụ hỏa hoạn đó là hậu quả của tội lỗi dân cư trong thành. Chỉ có gia đình ông Lót là công chính nên được cứu. Tia và Xi-đôn là hai vùng đất phì nhiêu, có nhiều dân ngoại, cũng vì đời sống sung túc nên dân chúng sống trụy lạc, tội lỗi, cuối cùng lại nghèo đói xác xơ, bị dân Do Thái coi thường.
Có thể nói: Kho-ra-din, Bết-xai-đa và Ca-phác-na-um không tội lỗi như Xơ-đôm, không trù phú như Tia và Xi-đôn xưa kia, nhưng đó là những thành phố có các cơ sở đào tạo tôn giáo cao cấp. Về mặt ân sủng, họ đã được hưởng biết bao phép lạ và lời giảng dạy của Chúa, họ tự mãn vì được Chúa ưu đãi, nên bất chấp những lời mời gọi hối cải, bất chấp các sứ điệp từ những phép lạ, họ vẫn không sám hối, nên họ đáng trách hơn.
Trong Cựu Ước, khi dân Do thái phải làm nô lệ bên Ai-cập, họ đã kêu cầu Chúa và sám hối để được Chúa xót thương. Thiên Chúa đã bắt đầu công cuộc giải cứu họ bằng cách cho công chúa Ai-cập vớt được bé trai Do thái từ sông Nin và đặt tên đứa bé là Mô-sê. Môsê được nuôi trong triều đình Ai-cập, nhưng khi nhận biết nguồn gốc của mình là người Do thái, ông đã bênh vực người Do thái và trở thành người lãnh đạo tối cao của dân Do thái. Trong khi những bé trai khác bị ném xuống sông Nin, Môsê đã nhận ra những ơn Thiên Chúa đã ban cho ông và đã đáp lại Chúa bằng tất cả khả năng của mình. Ông đã để cho Thiên Chúa tùy ý sử dụng ông để dẫn dắt Dân Riêng của Người.[2]
Từ khi chào đời, mỗi người chúng ta cũng trải qua không ít những lần đau ốm, bệnh tật, đại dịch Covid-19, cũng như biết bao lần nguy hiểm đến tính mạng. Thế nhưng, Thiên Chúa vẫn cho ta được bình an. Mỗi ngày, từ lúc thức dậy, biết bao ân huệ của Chúa bao phủ chúng ta: khí thở, nguồn nước, ánh sáng, nắng ấm, gió mát, sức khỏe, những điều kiện sống, của cải vật chất, thiêng liêng, được thoát khỏi những tai ương hoạn nạn khác đang diễn ra nhiều nơi… Chớ gì chúng ta biết sám hối và hoán cải mỗi ngày bằng cách siêng năng tìm đến với Chúa qua việc tham dự Thánh Lễ để tạ ơn Chúa, lãnh nhận bí tích giải tội và hòa giải với tha nhân để được Chúa xót thương; biết sống công bình bác ái với nhau, ý thức chăm sóc và bảo vệ môi trường…
Ý thức về những ơn Chúa ban, Mẹ Maria đã dâng lời tạ ơn và ca ngợi Chúa: “Đấng Toàn năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả…”[3] Mẹ luôn sống đẹp lòng Chúa[4] và biết cách đem Chúa đến với mọi người, làm cho mọi người nhận biết Chúa (bà Elizabeth, các mục đồng, ông Simêon, cụ bà Anna, các gia nhân ở Cana…). Chúng ta cần đến với Mẹ, để Mẹ đưa ta đến với Chúa và chính Mẹ dạy ta nhận biết những ơn Chúa ban cho ta. Khi hiện ra tại Fatima, một trong ba mệnh lệnh Mẹ dạy chúng ta là hãy hoán cải đời sống, để được Thiên Chúa đoái thương tha thứ và cứu độ.
SỐNG TIN MỪNG VỚI MẸ:
Noi gương Mẹ, mỗi tối tôi nhìn lại ngày sống, để nhận ra những ân huệ Chúa ban và tình yêu cứu độ của Chúa, cám ơn Chúa và sám hối về những lỗi lầm của bản thân, gia đình, cộng đoàn…
CẦU NGUYỆN VỚI MẸ:
Lạy Mẹ Maria, xin giúp con nhận ra những tội lỗi con đã xúc phạm đến Chúa và tha nhân, biết khiêm nhường thống hối, thành tâm trở về cùng Chúa, để được hưởng ơn cứu độ Chúa đã dành sẵn cho con. Amen
Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.
[1] X. St 19,1-28
[2] Bài đọc I, Xh 2,1-15a
[3] Kinh Magnificat
[4] Lc 1,30